Ông già 20 năm lặn hụp cứu người
Hơn 20 năm qua ông đã gắn bó với “đôi mắt Pleiku”, đã ngụp lặn để cứu sống nhiều người chết đuối và vớt nhiều xác người bất hạnh. Và ông có rất nhiều con nuôi, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Người Gia Rai (J’rai) thân thương gọi ông là Ơi Joanueng - ông già của Biển Hồ.
Ai đến phố núi Pleiku (Gia Lai) cũng tìm đến Biển Hồ - một hồ nước lớn trong xanh từng là miệng núi lửa nghìn năm trước. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đến đây đã thốt lên: “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Đẹp là vậy, nhưng Biển Hồ cũng chính là “mồ chôn” của nhiều số phận người do lòng hồ sâu, thỉnh thoảng gió lớn bất ngờ. Và những lúc xảy ra nguy bách như vậy, Ơi Joanueng sẵn sàng đáp ứng mọi lời cầu cứu, bất kể ngày đêm.
20 năm ngụp lặn cứu người
“Ông già Biển Hồ” tên thật là Quách Trọng Hoan, năm nay đã 72 tuổi, ở thôn 4, xã Biển Hồ, TP.Pleiku, Gia Lai. Tôi gặp ông vào một ngày mưa, Biển Hồ dậy sóng. Ông ngồi co ro trong căn nhà tuềnh toàng sát mặt hồ, mắt luôn dõi quanh mặt nước. Ông Hoan quê gốc Nho Quan, Ninh Bình; sau năm 1975 ông đưa gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thời gian đầu, ông để vợ con ở lại thành phố Pleiku, một mình ra mua đất dựng nhà ở bên Biển Hồ với giấc mơ biến Biển Hồ thành một danh thắng - điểm đến của Gia Lai.
Ông già Biển Hồ Quách Trọng Hoan
Tuy nhiên, do trục trặc về nhiều mặt, đến nay đề án của ông không được hoàn thành. Nhưng cũng từ đó, ông gắn mình với Biển Hồ bằng nghề chài kiếm sống qua ngày và kiêm luôn việc..., cứu người. Từ năm 1990-2011, ông Hoan đã tham gia lặn vớt 57 nạn nhân chết đuối, trong đó đã cứu sống được 7 người và vớt nhiều xác gia súc, gia cầm nhằm bảo vệ môi trường trong xanh cho Biển Hồ.
Không còn rõ năm tháng, ông kể lại chuyện mình từng suýt chết khi lặn vớt xác một người không may chết đuối ở chân một con thác, nước chảy xiết tạo thành cái hố rất sâu. Hàng chục thợ lặn có tiếng ở vùng biển Quy Nhơn được huy động nhưng suốt 4 ngày vẫn không tìm thấy xác. Ngày thứ năm, ông được mời đến. Dòng nước xiết và hung hãn buộc ông phải tính toán kỹ lưỡng quãng xác trôi, lặn sao để tránh cành cây bám víu dưới mặt nước. Lặn hơi đầu tiên xuống gần tới đáy, nhìn thấy cái xác ông liền ngoi lên, thở dốc. Hơi thứ hai chạm đáy, ông dùng hết sức bình sinh kéo xác đẩy nhanh lên mặt nước. Đẩy được nạn nhân lên thì ông bị ngạt, choáng, nước sặc vào bụng, may lúc ấy được đám thợ lặn kéo lên.
Ông bảo “đó không phải là lần đầu tiên” do Biển Hồ có nhiều hố nước sâu, những dòng nước lạnh tanh nhiều lúc khiến tay chân ông cứng đơ không vận động được. Dịp tết âm lịch 2012, một vụ tự tử xảy ra ở đảo rùa thuộc khu vực hồ. Ngay trong đêm khuya giá lạnh, ông tức tốc lặn xuống tìm xác nạn nhân khi được người nhà và những người có mặt gọi tới. Tuy nhiên do đêm tối, nước lạnh cóng nên phải đến sáng hôm sau, ông mới tìm thấy xác nạn nhân.
“Thấy người ta như vậy mình không cứu vớt thì tội nghiệp lắm, chẳng thà là mình không còn sức mà lặn nữa” - ông Hoan tâm sự. Cũng vì ý nghĩ đó, ông sẵn sàng lặn lội ngược xuôi trên từng con thác, từng khúc sông để cứu người chết đuối khi có ai đó gọi.
Năm 1989, khi nghe tin có 2 xác chết trên dòng Pôkô cách thác Yaly chừng 16km đường rừng, một mình ông đã lặn lội 2 ngày đường tìm đến nơi. Khi ông đến, hai cái xác tội nghiệp đã bị cá rỉa hết thịt, chỉ còn xương nối với nhau. Ông quyết định mai táng xác ngay trong đêm, dù bản thân đang bị cơn sốt rét rừng hành hạ. Lo liệu xong xuôi cho nạn nhân cũng là lúc ông kiệt quệ không còn sức lực, ốm nằm liệt một tháng trời mới khỏi. Ba năm sau, người thân của hai nạn nhân trên ở Cao Bằng mới biết tin, tìm đến ông nhờ chỉ mộ bốc cốt.
Giải thưởng Kova tôn vinh tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống
Thương cảm cho số phận những người đuối nước, sặc bùn, bị cá ăn xác ít khi được toàn thây nên năm 2009, ông đã tự tay bỏ tiền bạc và công sức xây một ngôi đền mang tên Vạn Linh trong khu vườn nhà mình. Ngôi đền khói hương ấm cúng như một căn nhà nhỏ, là nơi những linh hồn người đuối nước nương thân. Cũng tháng 10 năm đó, ông bỏ tiền túi huấn luyện và mua dụng cụ thành lập đội cứu hộ cứu nạn và bảo vệ môi trường Biển Hồ.
Tấm gương tiêu biểu
Lúc còn nhỏ ông Hoan đã chịu cảnh gia đình ly tán, phải lưu lạc khắp nơi, làm đủ việc để kiếm tiền nuôi thân và học chữ. Cũng vì nghèo khó nên ông rất quyết tâm học và là một trong 5 học sinh xuất sắc nhất tỉnh Ninh Bình lúc bấy giờ. Tiếng tăm ông Hoan đã nổi càng nổi hơn khi vào một buổi chiều tháng 10.1951, một mình ông đã cứu sống được nhiều người trong một vụ đắm đò.
Ông nhớ lại: “Lúc đó tôi đang chăn trâu trên triền đê thì nghe tiếng người kêu cứu thất thanh. Quay lại thì thấy một con thuyền đang từ từ chìm xuống. Tôi liều thúc con trâu chạy thẳng ra giữa sông, kéo được hai người bị nạn lên lưng trâu rồi vội vã đưa vào bờ. Sau đó, nhiều người khác đã kịp chạy tới cứu nốt những người còn lại”.
Lớn lên, ông cùng bạn bè tham gia Đội thanh niên xung phong tại chiến trường Tây Nguyên. Đất nước hòa bình ông lại hăm hở xung phong đi kinh tế mới ngay tại chiến trường cũ. Thời kỳ làm cán bộ định canh định cư tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ (1978 - 1982), ông Hoan được phân công nằm vùng từ B1 - B13 để chống Fulro và vận động những người lầm lỗi đi theo cách mạng.
Ông đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, ngủ trong các gia đình có người theo Fulro để vận động từ bỏ con đường tội lỗi. Đến nay đã tuổi xế chiều, ông vẫn âm thầm lặng lẽ cống hiến hết sức lực của mình cho mảnh đất này.
Gia đình A Nun bên người cha nuôi
Tháng 2/2012, ông Hoan được trao tặng giải thưởng Kova “Những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội”. Nhưng với người J’rai, rồi cả những người dân tứ xứ trên vùng đất mới này, thì ông còn là một bóng thông cao cả hơn thế nữa. Hiện ông có tới gần 200 người con nuôi, theo ông học đạo lý và cách làm ăn sinh sống. Trong đó có những người con được ông cứu sau lần suýt chết đuối.
Ông Hoan nhớ lại: “Đó là hai anh em A Nên và A Mền. Khi đó tôi thấy từ xa hai đứa nhảy xuống hồ tự tử. Cứu được hai cháu, tôi phải liên tục ở bên để động viên chúng nó tiếp tục sống. Giờ chúng nó đã lớn và có vợ con cả rồi”. Ông cũng tự tay dựng vợ gả chồng cho hai người con mồ côi cha mẹ là anh Bền, hiện ở Đắc Lây và chị Hồng đang sống cạnh thôn.
Theo chân ông đến thăm gia đình người con nuôi A Nun (dân tộc J’Rai) ở làng Plei Rel, xã Biển Hồ mới thấy được cái tình cảm bao la của người cha này. A Nun gặp ông vào khoảng năm 1998, khi anh này lê lết đánh cá trên Biển Hồ với đôi chân cụt. Thế rồi cứ dăm bữa nửa tháng ông Hoan lại gom góp vài cân gạo, ký đường đạp xe qua thăm và động viên A Nun. Tình cha con thấm đậm dần theo ngày tháng. A Nun trọ trẹ tiếng Kinh đầy xúc động: “Mình quý già Hoan lắm, già thương cả nhà như con vậy”.
Cứ như vậy, lúc thì gom góp áo quần, lúc lại gạo cơm từ những con cá trên Biển Hồ, ông Hoan lo toan cho những người con nuôi nghèo khó từ làng này đến bản khác không khác gì con đẻ của chính mình. Cũng vì vậy mà chí ít cũng sẽ có người nói ông là “gàn”. Bởi hiện vợ và 4 người con ruột của ông đang sống ở Pleiku. Họ đã có sự nghiệp và nhiều lần mời ông về ở chung nhưng ông không chịu.
Hỏi, sao già rồi mà ông không vào trong thành phố cùng vợ con cho đỡ cực? Ông cười bảo, về già ở một mình thoải mái hơn, con cái thì cũng đã lớn cả, với lại “vào trong kia ở thì lỡ trên hồ có chuyện gì, biết lấy ai... đi lặn cứu người ?” - “ông già Biển Hồ” cười lớn.