Ong đốt hơn 50 HS tiểu học ở Hà Nội thuộc loại gì?

Khoảng 15h ngày 4.11, hơn 50 học sinh Trường tiểu học Yên Sở (Hà Nội) bị ong tấn công. Ngay sau đó, lãnh đạo nhà trường cùng người dân đã đưa các học sinh lên Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, điều trị.

Ngày 5.11, ông Nguyễn Tiến Dũng - bác sĩ làm việc tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, tối 4.11, đơn vị đã tiếp nhận 52 học sinh của Trường tiểu học Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện do bị ong đốt. Do số người nhập viện đông, nên đã phải chuyển một số học sinh sang khoa Nhi của bệnh viện để kịp thời điều trị.

Ong đốt hơn 50 HS tiểu học ở Hà Nội thuộc loại gì? - 1

Phụ huynh ngồi chờ các con được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tối 4.11.

Qua khai thác thông tin và xem xét xác ong, bác sĩ tại Trung tâm Chống độc nhận định, loài ong đốt học sinh là ong ruồi - thuộc nhóm ong mật nhưng nhỏ như con ruồi. Ong ruồi khi đốt không gây độc tính, có thể gây dị ứng và đau.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, ngay khi nhận được tin, đơn vị đã tăng cường thêm 4 bác sĩ, điều dưỡng đến hỗ trợ kíp trực để cùng xử trí, điều trị cho học sinh bị ong đốt.

Sau hơn 2 giờ điều trị, phần lớn học sinh đã được về nhà. Chỉ còn 2 học sinh bị nặng hơn, bác sĩ yêu cầu lưu lại khoa Nhi để theo dõi thêm. 4 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm không có vấn đề gì, 2 học sinh này cũng được ra viện.

Ong đốt hơn 50 HS tiểu học ở Hà Nội thuộc loại gì? - 2

Trường tiểu học Yên Sở - nơi 52 học sinh bị ong đốt.

Sáng 5.11, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Trường tiểu học Yên Sở để tìm hiểu rõ thông tin học sinh của trường bị ong đốt. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường không nghe máy. Khi tới trường, bảo vệ trường cho biết, hiệu trưởng bận đi họp chưa thể gặp phóng viên.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, khi người dân bị ong đốt hoặc các loài côn trùng đốt cần vệ sinh chỗ bị đốt bằng cồn 70 độ. Sau đó bôi bằng mỡ Corticoid (4-6 lần/ngày) và Phenaegan (8-10 lần/ngày).

Các gia đình nên dự trữ sẵn các loại thuốc trong tủ thuốc gia đình để khi sự cố xảy ra có thể xử trí ngay và đưa người nhà đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với trường hợp người dân bị ong vò vẽ, ong bắp cày đốt thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có xử trí kịp thời. Vì đây là 2 loại ong đốt có gây độc tính. Đặc biệt, khi bị loại ong này đốt vào vùng đầu, mặt, cổ có thể gây phù nề thanh môn dẫn đến bít đường thở, hoặc sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh.

Sau khi được xử trí sơ bộ tại y tế địa phương, tuỳ tình trạng bệnh nhân, nếu cần thiết sẽ chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Người dân tuyệt đối không nên tự ý đưa bệnh nhân từ xa vượt tuyến thẳng về bệnh viện trung ương khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN