Ông Đinh La Thăng tự bào chữa thế nào sau khi bị luận tội?

Sự kiện: Ông Đinh La Thăng

Trước cáo buộc của kiểm sát viên, ông Đinh La Thăng cho rằng việc mất trắng 800 tỷ đồng vì Tập đoàn Dầu khí không được cho thoái vốn. Nếu được thoái vốn, PVN đã thu được 800 tỷ đồng tiền gốc và 244 tỷ đồng cổ tức...

Sáng 22/3, tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đồng phạm, đại diện VKSND đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án. Theo kiểm sát viên, 7 bị cáo trong vụ án đã vi phạm Luật các tổ chức tín dụng, đầu tư 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank (OJB) dẫn tới thất thoát toàn bộ khi ngân hàng này bị mua 0 đồng năm 2015.

Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng là người có chức vụ cao nhất ở PVN, có trách  nhiệm bảo toàn và phát triển vốn. Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện và phải chịu trách nhiệm cao nhất về 800 tỷ đồng của PVN bị thất thoát.

Khi vụ án bị phát hiện, bị cáo Thăng đã có hành vi che giấu, trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, người giữ quyền công tố đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án từ 18 – 19 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường 800 tỷ đồng cho PVN.

Được trình bày quan điểm tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định việc PVN đầu tư vào OJB nhằm giải quyết hệ lụy là ngân hàng Hồng Việt của ngành dầu khí không được phép thành lập. Khi đó, PVN đã tìm nhiều đối tác nhưng chỉ OJB đồng ý các điều kiện PVN nêu ra về tiếp nhận nhân sự, phương tiện… của ban trù bị Hồng Việt; việc đầu tư vào OJB không hề vụ lợi, không có động cơ cá nhân…

Cũng theo ông Đinh La Thăng: “Các doanh nghiệp có lúc lỗ, lúc lãi, thực tế năm 2014 khi OJB khó khăn theo báo cáo, PVN cũng như OJB đã trích lập dự phòng rủi do. Cái này đại diện Bộ Tài chính đã nói, trích lập dự phòng do thời điểm, năm nay có thể trích lập nhưng sang năm hoàn lại. Việc OJB lỗ cũng không quan hệ biện chứng, nhân quả gì với việc đầu tư. Kết quả kinh doanh phụ thuộc vào HĐQT của OJB. Giống như vi phạm giao thông thì phạt người đi xe máy chứ không thể phạt bố mẹ người đi xe máy đã mua xe”.

Ông Đinh La Thăng tự bào chữa thế nào sau khi bị luận tội? - 1

Bị cáo Đinh La Thăng.

Tiếp đến, bị cáo Thăng khẳng định nếu PVN được thoái vốn, sẽ không mất 800 tỷ đồng khi OJB bị mua 0 đồng. Ông Thăng nói: “Việc thoái vốn, PVN đã rất chủ động, từ năm 2012 đã xây dựng lộ trình thoái vốn, được Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn 100% trong giai đoạn năm 2013 – 2014. Việc này được OJB đồng ý, 1 Cty Singapore mua 15% và 1 Cty Việt Nam mua 5%. PVN đã báo cáo Thủ tướng như HĐXX đã biết, đầu tiên Thủ tướng đồng ý nhưng sau 13 ngày lại không đồng ý… Xin HĐXX xem xét”.

Nguyên chủ tịch PVN cũng phản đối quyết định mua 0 đồng dẫn tới PVN bị mất 800 tỷ đồng. Bị cáo này phân tích thêm: “Anh Hà Văn Thắm có hơn 60% cổ phần không biết gì việc mua 0 đồng, PVN nắm 20% cũng không biết. Giả sử mua 0 đồng do kinh doanh thua lỗ thì NHNN phải hoàn tiền bù vào 14.000 tỷ nợ xấu, bù vào 4.000 tỷ vốn điều lệ của OJB… nhưng quy định của pháp luật là NHNN không được dùng ngân sách để bù lỗ... Như vậy rõ ràng có vấn đề trong việc mua 0 đồng và chính việc mua này là nguyên nhân quan trọng nhất, việc Chính phủ không cho thoái vốn là nguyên nhân quan trọng tiếp theo trong việc PVN và các cổ đông bị mất vốn”.

Về trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn của PVN tại OJB, ông Đinh La Thăng phản biện: “Việc đầu tư này có hiệu quả, thu hồi được cổ tức 244 tỷ đồng. Tháng 8/2011 bị cáo đã chuyển công tác, sau đó 3 năm OJB vẫn chia cổ tức cho PVN… bị cáo chỉ chịu trách nhiệm đến tháng 8/2011. Bị cáo chuyển đi, mọi quyền hạn, nghĩa vụ bị cáo không còn gì. Vì vậy, việc đầu tư vào OJB là có hiệu quả, nếu Thủ tướng cho thoái vốn thì PVN đã thu lại được 800 tỷ đồng và 244 tỷ đồng cổ tức”.

Ông Thăng cũng bác bỏ cáo buộc của người giữ quyền công tố, nói: “Bị cáo không chối bỏ trách nhiệm, nếu có vi phạm thì bị cáo hoàn toàn có trách nhiệm trong vai trò người đứng đầu nhưng mong tòa xem xét lại việc đầu tư vào OJB đã hoàn toàn có hiệu quả. Việc mất vốn là do Chính phủ không cho thoái vốn, NHNN mua 0 đồng”.

Cuối cùng, ông Đinh La Thăng nói: “Bị cáo cảm ơn HĐXX cho bị cáo trình bày trước tòa, mong HĐXX xem xét sự việc trong bối cảnh lịch sử lúc đó tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước bị động. PVN đang thí điểm mô hình kinh tế mới, văn bản pháp luật chưa hoàn thiện… Cần xem xét việc đầu tư vào OJB không phải chủ trương chiến lược của PVN mà là hệ lụy giải quyết Hồng Việt”.

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 18-19 năm tù

Ngay khi bắt đầu phiên tòa sáng 22-3, đại diện VKS đã công bố bản luận tội đối với ông Đinh La Thăng và các đồng phạm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Ân (Tiền Phong)
Ông Đinh La Thăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN