"Ông chủ" vụ thổi giá thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai được tại ngoại
Phạm Đức Tuấn, Giám đốc Công ty BMS – "mắt xích" trong vụ "thổi giá" ở Bệnh viện Bạch Mai hiện đang được cho tại ngoại.
Bị can Phạm Đức Tuấn, Giám đốc Công ty BMS
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố tám bị can trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trong số bị can bị đề nghị truy tố có: Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS)…
Phạm Đức Tuấn (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty BMS cùng cấp dưới Ngô Thị Thu Huyền bị bắt tạm giam với cáo buộc nâng khống giá thiết bị y tế để chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.
Kết luận điều tra cho biết, Phạm Đức Tuấn bị bắt tạm giam từ ngày 1/9/2020 đến ngày 17/4/2021 (hết thời hạn tạm giam). Từ ngày 17/4/2021 đến nay, áp dụng biện pháp bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Cũng theo Bộ Công an, trong quá trình điều tra đến nay gia đình Phạm Đức Tuấn đã phối hợp và khắc phục số tiền 10 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Theo Kết luận điều tra của Bộ Công an, Bệnh viện Bạch Mai hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Giám đốc Nguyễn Quốc Anh muốn phát triển khoa ngoại nên thành lập một số khoa như Phẫu thuật thần kinh; Chấn thương chỉnh hình và Cột sống.
Tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn đến gặp ông Nguyễn Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp, báo giá hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật gồm 39 tỷ đối với robot Rosa và 44 tỷ với robot Mako cho Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi gặp gỡ, ông Nguyễn Quốc Anh đề nghị Tuấn làm đồ án liên doanh, liên kết để đặt máy tại bệnh viện, thủ tục và thẩm quyền sẽ do Bệnh viện Bạch Mai quyết định, còn giá máy chỉ cần có chứng thư thẩm định giá để hợp thức hóa và Công ty BMS chịu trách nhiệm liên hệ đơn vị thẩm định giá.
Cơ quan điều tra xác định, sau khi thống nhất hình thức liên kết và giá robot Rosa là 39 tỷ đồng, ông Nguyễn Quốc Anh đã phân công cho cấp dưới hoàn thiện các thủ tục liên quan. Do đó, thiết bị máy robot hỗ trợ Rosa bị "thổi giá" từ hơn 7,4 tỷ đồng lên đến 39 tỷ đồng.
Từ 27/2/2017 đến tháng 5/2020 Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng. Bệnh Bạch Mai đã thanh toán chi phí cho Công ty BMS liên quan 551 ca bệnh.
Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca, hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca. Đến nay, bệnh viện mới liên hệ, trả số tiền chênh lệnh nói trên cho 86 người bệnh.
Trong quan hệ với Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn năm 2017-2019, vào dịp Tết âm lịch, Tuấn khai biếu cho Phó giám đốc Hiền mỗi lần 50 triệu đồng, tổng cộng 150 triệu đồng (phù hợp với lời khai của bị can Hiền); chỉ đạo thuộc cấp đưa tiền biếu Trưởng phòng Tài chính kế toán kiêm Kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai Trịnh Thị Thuận vào các dịp lễ, tết hoặc khi chuyển chứng từ thanh toán, mỗi lần 5 hoặc 10 triệu đồng.
Giám đốc BMS khai việc chi tiền cho bị can Nguyễn Quốc Anh, Hiền và Thuận là để duy trì mối quan hệ, "ngoại giao" với lãnh đạo bệnh viện, giúp thúc đẩy triển khai đề án. Tuấn chủ động đưa tiền, không thỏa thuận, hứa hẹn trước, cũng không có yêu cầu từ phía những người này. Đây là tiền cá nhân của Tuấn.
Cơ quan điều tra cho rằng việc đưa và nhận tiền không có tài liệu, ghi chép, không có người chứng kiến. Kết quả đối chất giữa các bị can không làm rõ được số tiền đưa và nhận, do đó chưa đủ căn cứ để xử lý các bị can về hành vi đưa và nhận hối lộ.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật sọ não bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng Bệnh viện Bạch Mai và...