Ông Chu Lập Cơ khai ký thế chấp tài sản tại SCB dựa vào niềm tin với vợ là Trương Mỹ Lan

Tại phần xét hỏi của luật sư, bị cáo Chu Lập Cơ khai không biết tiếng Việt nhưng vẫn ký thế chấp tài sản tại SCB dựa trên niềm tin vào vợ là Trương Mỹ Lan.

Chiều 12-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Phiên toà tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Ký văn bản bằng tiếng Việt dựa trên niềm tin vào vợ

Luật sư hỏi bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan): “Lý do và hoàn cảnh nào để thế chấp tài sản này tại SCB vào 12-2012 và tháng 8-2017 dù không phục vụ cho mục đích cá nhân cũng không phục vụ cho Công ty Times Square?”.

Theo bị cáo Cơ, việc ký văn bản ban đầu trên cơ sở đề nghị và sự thuyết phục của vợ mình sử dụng để tái cấu trúc lại ngân hàng, cứu ngân hàng trước sự sụp đổ. Lần ký lần thứ hai, vợ bị cáo Cơ không thuyết phục hay đề nghị mà bị cáo Cơ cứ nghĩ là giống lần đầu để tái cấu trúc lại ngân hàng, mang lại hiệu quả tốt đẹp nhất.

Bị cáo Chu Lập Cơ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Chu Lập Cơ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về câu hỏi vì sao không biết tiếng Việt mà vẫn ký, bị cáo Cơ trả lời: “Ngoài các biên bản này ra, tôi còn ký rất nhiều tài liệu bằng tiếng Việt khác. Tôi ký vào các văn bản dựa trên niềm tin vào vợ của mình và tin vào hệ thống, nhân viên văn phòng trong công ty, trợ lý của mình”. Bị cáo Cơ cho biết chưa bao giờ xảy ra chuyện gì từ việc ký các văn bản bằng tiếng Việt.

Luật sư hỏi tiếp về việc vợ bị cáo có bao giờ bàn bạc, trao đổi, cập nhật cho bị cáo về tình hình các khoản vay không và có bao giờ lường trước được hậu quả khi đặt bút ký vào các hồ sơ để thế chấp tài sản.

Bị cáo Cơ trình bày, không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản này tại SCB.

“Làm sao tôi có thể hình dung được hậu quả, tôi không nghĩ hôm nay tôi là bị cáo và đứng đây. Tôi bắt đầu ký với mong muốn giúp SCB”, bị cáo Cơ nói trước tòa.

Các cổ đông nước ngoài là có thật?

Theo cáo trạng, tính đến tháng 10-2022, Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp.

Trong số 27 pháp nhân này, có 5 pháp nhân là cổ đông nước ngoài là: Noble Capital Group Limited (9,4%); Glory Capital Investment Limited (4,6%); Galaxy Capital Investment Development Limited (4,6%); Day Glory Development Limited (4,6%); Dragon Fund Investment Limited (4,6%).

Luật sư hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) về 5 pháp nhân là cổ đông nước ngoài có thật không?

Trả lời luật sư, bị cáo Văn cho biết những cá nhân này đều có tên và tiền chuyển về. “Không có lý do gì mà không thật. Đến giờ vẫn không quan tâm thật hay không thật”, bị cáo Văn nói.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB). ẢNH: Sở TT&TT TP.HCM

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB). ẢNH: Sở TT&TT TP.HCM

Ngoài ra, đối với Công ty Việt Vĩnh Phú do bị cáo Tạ Chiêu Trung làm Tổng giám đốc, có các cổ đông sở hữu cổ phần gồm: Bị cáo Trương Huệ Vân 50,5%; Công ty Prosperity Asia Capital Limited, quốc tịch British Virgin Islands 19,5%; Công ty Lionyear International Limited, quốc tịch British Virgin Islands 15%; Công ty Magic Luck Group Limited, quốc tịch British Virgin Islands 15% vốn điều lệ.

Theo cáo buộc, Công ty Việt Vĩnh Phú có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các Công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đối với 3 cổ đông nước ngoài, bị cáo Tạ Chiêu Trung khai đây là các cổ đông này có thật, trong hồ sơ lưu trữ, có đóng thuế…

Tuy nhiên, từ khi SCB tái cơ cấu đến giờ, những cổ đông này chưa được chia lãi. Đến thời điểm khởi tố vụ án này, phía Công ty Việt Vĩnh Phú đã liên hệ với những cổ đông này nhưng không được.

Các luật sư tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các luật sư tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo cáo trạng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có yêu cầu tương trợ tư pháp đối với 8 pháp nhân nước ngoài nhằm làm rõ thông tin về pháp nhân, người đại diện pháp luật; quan hệ với Trương Mỹ Lan và các cá nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Vĩnh Phú; việc mua/sở hữu cổ phần… Tuy nhiên, chưa nhận được kết quả trả lời.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn các cơ quan pháp luật hỗ trợ con gái bị cáo có điều kiện gặp những người bên ngoài để thu hồi nợ; con gái của bị cáo Lan đã gặp một người bạn nhằm thỏa thuận bán tòa nhà ở Hà Nội. Mục đích khắc phục hậu quả cho bị cáo trong vụ án.

Cạnh đó, bị cáo Lan cũng trình bày sẵn sàng ủy quyền cổ phần của bị cáo, của bạn bè bị cáo cho ngân hàng nhà nước hoặc vận động bạn bè nước ngoài ủy quyền cổ phần. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo có điều kiện liên hệ, tác động đối với bạn bè nước ngoài.

Quá trình hợp nhất ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan khai từng thế chấp khách sạn Windsor của gia tộc để vay 15.000 tỉ đồng từ ông Trần Bắc Hà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỮU ĐĂNG - SONG MAI ([Tên nguồn])
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN