Ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh thiệt hại

Theo Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh, các trường hợp án oan như của ông Nguyễn Thanh Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế.

Ba năm, bồi thường hơn 8,3 tỷ đồng

Ngày 3/12, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng tại TP Hà Nội. Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện về tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng.

Ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh thiệt hại - 1

 Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Tố Hằng – Cục phó Cục Bồi thường Nhà nước cho biết, trong 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN), tổng số vụ việc mà các cơ quan tố tụng đã thụ lý là 100, trong đó đã giải quyết 86 vụ việc (đạt tỷ lệ 86%) với tổng số tiền bồi thường khoảng 8,3 tỷ đồng.

Trung bình mỗi năm, các cơ quan tố tụng thụ lý khoảng 33 vụ việc, giải quyết khoảng 28 vụ việc và số tiền bồi thường khoảng 2,67 tỷ đồng. Riêng trong năm 2013, tổng số vụ việc mà các cơ quan tố tụng đã thụ lý là 42, trong đó đã giải quyết 11 vụ việc với tổng số tiền bồi thường khoảng 1,8 tỷ đồng. Nhìn chung, trong hoạt động tố tụng, các yêu cầu bồi thường chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Đã có phát sinh yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng dân sự, hành chính nhưng chưa nhiều.

Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Luật TNBTCNN trong lĩnh vực tố tụng hình sự năm 2013 chứng kiến vụ yêu cầu bồi thường của ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình điển hình nhất. Ngày 26/8/2013, HĐXX TAND TP Thái Bình đã tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền trên 21 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông.

Ông Phi được coi là nạn nhân của vụ án oan lớn nhất tỉnh Thái Bình, lớn cả về tính chất vụ việc ở thời điểm ông bị bắt đến cả sự phức tạp, gian truân suốt 10 năm đi đòi bồi thường oan sai. Số tiền TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi cũng là số tiền lớn nhất mà cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai từ trước đến nay. Đây là số tiền không hề nhỏ và tiền ngân sách đã phải “gánh” cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra cả chục năm trước đây, bởi vì số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây oan sai phải hoàn trả khá khiêm tốn so với mức Nhà nước bỏ ra để bồi thường.

Trong thời gian Quốc hội đang họp lại nóng lên vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. Tuy nhiên, để bồi thường phải có căn cứ xác đáng. Rất nhiều nhà báo, dư luận xã hội cũng đặt ra câu hỏi: Ông Chấn oan ức như thế được bồi thường 560 triệu hay bồi thường mấy tỉ?

Theo ông Tịnh, Cục Bồi thường Nhà nước cũng đã tham mưu cho Bộ Tư Pháp những thiệt hại xác định được theo định lượng để tính toán bồi thường cho ông Chấn như tổn thất tinh thần trong thời gian bị giam giữ tù oan (khoảng 560 triệu). Các khoản khác ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế, từ đó các cơ quan thẩm quyền sẽ có cân nhắc, quyết định bao gồm cả những thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, tài sản thu nhập thực tế bị mất,…

Xác định rõ yếu tố lỗi của người có thẩm quyền

Luật sư Vũ Thị Nga - Ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Việt cho biết, Luật TNBTCNN được ban hành và có hiệu lực là một bước tiến lớn trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, trong đó có quyền được bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, nhà nước gây ra khi thi hành công vụ, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành, thực tế quá trình tư vấn pháp luật cho khách hành, việc áp dụng Luật TNBTCNN đang gặp phải những khó khăn cơ bản như: Tâm lý e ngại khi phải làm đơn yêu cầu khởi kiện vụ án đòi bồi thường của người bị hại và tâm lý e ngại của chính các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phải giải quyết chính việc của cơ quan mình gây ra, dẫn tới việc giải quyết bồi thường sẽ không được thực hiện một cách nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật.

Ngoài ra, việc xác định hành vi của người có thẩm quyền “biết rõ là trái pháp luật” rất khó khăn. Đồng thời, yếu tố lỗi của người có thẩm quyền cũng không được quy định rõ ràng, bởi nếu bản án, quyết định bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm thì trong các quyết định đó cũng không có nhận định là người ra bản án, quyết định có hành vi trái pháp luật mà thực tiễn chỉ nhận định do không đủ các cơ sở, căn cứ pháp luận để kết tội.

Ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh thiệt hại - 2

Luật sư Vũ Thị Nga, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Việt. 

Đối với nhiều vụ án hình sự oan sai, luật sư Nga cho rằng, thực tế sai phạm bắt đầu xuyên suốt từ quá trình điều tra, truy tố đến xét xử. Chẳng hạn như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, có những tình tiết rõ ràng từ khi xét xử sơ thẩm đã có như quá trình chị Nguyễn Thị Hoan bị giết đã bị cướp mất hai chiếc nhẫn vàng, song các cơ quan tiến hành tố tụng ở Bắc Giang đã không đưa vào. Nếu xem xét ngay từ đầu thì ông Chấn đã không bị xét xử oan sai.

Theo luật sư Nga, trong quan hệ bồi thường nhà nước thì các chủ thể tham gia quan hệ này không tương quan lực lượng. Bên yêu cầu bồi thường (người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra) luôn ở thế yếu so với bên phải bồi thường (Nhà nước).

Bên cạnh đó, người dân có cơ sở yêu cầu bồi thường đã trải qua cả một quá trình tố tụng kéo dài, tốn kém về thời gian, vật chất nên dễ dẫn đến tâm lý chán nản, e ngại va chạm với các cơ quan. Không những thế, thủ tục yêu cầu bồi thường lại quá phức tạp, nếu không thương lượng được thì thì người dân phải khởi kiện và tham gia vào quá trình tố tụng dân sự. Chính vì vậy, việc người dân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường là rất hạn chế.

Thêm vào đó, thủ tục giải quyết bồi thường phức tạp, chặt chẽ, đòi hỏi phải có sự áp dụng pháp luật đúng đắn, thống nhất trong việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và xác định thiệt hại được bồi thường. Trong khi các thiệt hại thực tế xảy ra nhưng người bị thiệt hại do hoàn cảnh, điều kiện về thời gian, hoặc hoàn cảnh khác không tự mình thu thập lại được hoặc thu thập lại không còn đầy đủ nữa dẫn đến việc họ đã thiệt hại lại còn bị thiệt hại thêm. “Đơn cử như thủ tục bồi thường trong trường hợp của ông Chấn – con liệt sĩ, lao động chính trong gia đình có cả một đàn con chưa đủ 18 tuổi thì tổn thất về mặt tinh thần vô cùng lớn, không chỉ đối với họ mà cả 1 thế hệ đằng sau họ” -bà Nga nói.

Luật sư Đào Ngọc Lý – Giám đốc Cty Luật TNHH Đào Ngọc Lý cũng cho rằng, ngoài các danh mục thiệt hại được quy định tại chương V, Luật TNBTCNN (thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, do tổn thất về tinh thần, do người bị thiệt hại chết, do bị tổn hại về sức khỏe) cần bổ sung thêm “Các thiệt hại khác” để giải quyết nhu cầu chính đáng và hợp pháp của khách hàng. Chẳng hạn như những chi phí hợp lý của khách hàng và gia đình họ trong quá trình đấu tranh, truy tìm chứng cứ và tìm đến công lý. Vì dụ như chi phí mời luật sư tham gia tố tụng, tìm chứng cứ, phản ánh lên các phương tiện truyền thông, báo chí, tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền,…

Về vấn đề xác định mức độ bồi thường thiệt hại, theo luật sư Lý, không nên quy định cách xử lý giống hệt nhau đối với tất cả các loại thiệt hại của khách hàng. Bởi vì, có loại thiệt hại với giá trị lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; Có loại thiệt hại định lượng được rất rõ nét (tiền bạc, tài sản), có loại không thể định lượng được thật chính xác (tổn thất tinh thần, tính mạng). Từ đó đưa ra những mức bồi thường nhất định. Ví dụ: Bị tạm giam oan dưới 1 tháng phải bồi thường 1 khoản là X đồng (có thể 300 triệu đồng); Bị tạm giam oan trên 3 tháng đến dưới 1 năm phải bồi thường 1 khoản nhất định (có thể là 1 tỷ đồng); Những trường hợp tạm giam oan trên 1 năm thì áp dụng mức bồi thường đặc biệt nào đó (có quy định cụ thể riêng).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn (Tiền Phong)
Vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN