Ớn lạnh với thịt chó đổi mạng người

"Miếng thịt chó đưa vô miệng mà phải đổi cả một mạng người dù là lương thiện hay tội phạm thì thật là kinh khủng" - độc giả Bảo Anh thốt lên.

Bức xúc khi cẩu tặc lộng hành

“Chó là loài vật trung thành, được người nuôi yêu thương, đôi lúc còn được xem như thành viên trong gia đình. Bởi vậy, khi những con chó bị bắt trộm, tổn hại vật chất chỉ là chuyện nhỏ, nhưng tổn hại tinh thần không có gì bù đắp nổi” là cảm nghĩ của nhiều người khi nói về nạn bắt trộm chó hiện nay.

Lý giải cho nạn bắt trộm chó đang lan rộng, độc giả Đức Tùng (email: laonong…@gmail.com) nhẩm tính rằng một đêm trộm chó có thể kiếm bằng cả tháng lương. Độc giả này làm phép tính: “Một con chó từ 17kg trở lên giá khoảng 1 triệu đồng. Một đêm cẩu tặc bắt trộm được từ khoảng 1 đến 5 con. Nhưng ngược lại nếu bị bắt thì cũng chỉ bị phạt hành chính từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng”.

Đồng quan điểm đó, độc giả quoclam…@yahoo.com cho rằng sau khi bị xử phạt, cẩu tặc sẽ tiếp tục “hành nghề” đề “gỡ gạc” và “làm giàu”.

Độc giả duc.t…@gmail.com cho biết tại nơi mình sinh sống, trộm chó đang rất lộng hành. Độc giả này vẫn chưa quên lần bọn trộm chó liều lĩnh xông vào nhà, bắt chó và gà nhà mình: “Băng trộm chó gồm 6 tên đem theo kềm cộng lực và mã tấu vào nhà tôi bắt trộm chó. Bị bắt gặp, chúng dùng mã tấu chém tôi, cũng may tôi né được. 15 ngày sau, vào tầm 3h sáng chúng dùng kềm cộng lực bẻ khóa và vào bắt thêm 1 con chó và 10 con gà kèm theo lời hăm dọa nếu chống đối chúng chém chết”.

Ớn lạnh với thịt chó đổi mạng người - 1

Tang vật một vụ trộm chó ở Bắc Giang (Ảnh: Bưu điện Việt Nam)

Bắt được kẻ trộm chó, "xử" thế nào?

Nhiều độc giả tức giận cho rằng với những hành vi côn đồ, liều lĩnh của “giới cẩu tặc”, dễ hiểu vì sao người dân lại phản ứng mạnh đến vậy. “Có thể mang lại công bằng cho những người phải đổ máu vì cẩu tặc không, khi mà gây án xong bọn chúng "biến mất"?” – Độc giả Vũ Phương (email: phuongphuong…@ gmail.com) lên tiếng.

Độc giả Lê Thu Quí (email: thuqui…@yahoo.com) nói: “Nếu lấy cắp của tôi một chiếc xe máy chưa chắc tôi đã đánh. Nhưng nếu bắt trộm của tôi một con chó thì tôi cũng sẽ đánh". Độc giả này cho hay mình từng bị bắt trộm chó ngay trước mắt và cũng phải vất vả để chuộc lại. “Nhưng tôi cũng còn may mắn khi chuộc được. Có những người có tiền cũng không chuộc lại được con chó yêu quý” – độc giả này nhận định.

Không có thứ văn hóa “đánh hội đồng”

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) một số vụ việc đánh hội đồng kẻ trộm chó gần đây một phần bắt nguồn từ ý thức bảo vệ cộng đồng làng xã. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn yếu tố tâm lý đám đông. Người dân vốn bức xúc khi nhiều nhà mất trộm chó nên khi bắt được trộm, người này thấy người kia đánh cũng xông vào đánh. Những vụ đánh hội đồng đôi khi gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người, và điều này là vi phạm pháp luật.

Văn hóa bảo vệ cộng đồng là có, nhưng không có thứ văn hóa nào là văn hóa đánh hội đồng. Nếu trong đám đông ấy, có người bình tĩnh, kêu gọi những người còn lại biết kiềm chế, xử sự một cách đúng mực sẽ không dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Độc giả Ngọc Mạnh (email: toilatoidn…@yahoo.com) cho rằng cần tăng hình phạt với những tay trộm chó hung hãn. “Tôi nghĩ những hành vi như vậy không còn là trộm nữa, mà là cướp tài sản thì đúng hơn. Và trong những trường hợp cẩu tặc chống lại người truy đuổi bằng kiếm, dao thì nên khép vào tội cướp của giết người bởi chúng sẵn sàng giết chết người truy đuổi”.

“Hãy đặt mình vào trường hợp của người bị cẩu tặc bắt trộm chó, lại giơ hung khí đe dọa, sẽ có lời giải cho câu hỏi vì sao cẩu tặc bị đánh chết” – độc giả Hoàng Thương (email: thuonghv…@gmail.com) lý giải cho hành động đánh hội đồng của người dân mỗi khi bắt được kẻ trộm chó.

Đa số độc giả tỏ ra không thương xót khi trộm chó bị người dân đánh, thậm chí có người còn cho rằng “bị đánh là đáng”. Nhưng cũng có những người bình tĩnh hơn.

Độc giả có email mauhoang…@gmail.com là một ví dụ. Rất bất bình với những tay trộm chó, nhưng độc giả này cho rằng người dân nên biết kiềm chế, không nên đánh cẩu tặc đến chết vì như vậy “không đúng và cũng không đáng”. Người có tội sẽ bị pháp luật trừng trị.

Độc giả có địa chỉ email hailuavn…@gmail.com nói: “Đúng là tức nhưng đánh đến chết là không đúng rồi, cẩu tặc cũng là một con người. Nên xử lý theo hình thức tăng cấp bậc: lần 1 ở tù 1 năm, lần 2 thì 3 năm, lần 3 thì 5 năm… Cứ tăng lên như vậy thì chẳng ai dám bắt trộm chó nữa.”

Độc giả kuteboy…@gmail.com cho rằng những tên cẩu tặc ngày càng hung hăng và phải bị pháp luật xử lý. Tuy nhiên, có những người trong số đó không được giáo dục tốt, dẫn đến trở thành những con người phạm pháp... Nhưng những người dân lấy đi sinh mạng của những tên trộm chó có tội không? Nếu xử nhẹ những người đánh chết cẩu tặc thì vẫn còn nhiều người phải chết, những người có thể trở lại con đường lương thiện. Trong trường hợp này, tội, lỗi của những người dân còn lớn gấp nhiều lần những tên trộm chó. Bởi vậy các cơ quan nhà nước, ngoài việc có hướng xử lý, giáo dục những tay "cẩu tặc" còn phải giáo dục người dân khi họ rơi vào hoàn cảnh đó. Có như vậy mới mong giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng xuất phát từ trộm chó".

Không hoàn toàn đồng tình với độc giả kuteboy…@gmail.com, có những ý kiến cho rằng cẩu tặc không thể được gọi là “những người lầm lỡ”, không đáng được thông cảm. “Là người khỏe mạnh tại sao không kiếm một công việc đàng hoàng mà làm? Lại đi ăn trộm, ăn cướp của người dân, bảo họ không tức giận sao được.” là cảm nghĩ của nhiều người, trong số đó có độc giả ở địa chỉ email hasa…@gmail.com. Độc giả này còn cho rằng nên lập ra các tổ dân quân và thay nhau trực, người dân có thể góp quỹ để hỗ trợ cho các nhóm này.

Ớn lạnh với thịt chó đổi mạng người - 2

Hiện trường một vụ cẩu tặc bị đánh, đốt xe ở Nghệ An (Ảnh: Vietnamnet)

Dẹp “cẩu tặc” bằng cách… dừng ăn thịt chó

Rất nhiều ý kiến cho rằng, để “triệt tận gốc” nạn bắt trộm chó, mọi người nên hạn chế ăn thịt chó. Độc giả có email kissmaster…@yahoo.com cho rằng mỗi người trong chúng ta nên xem lại mình trước. “Nếu không phải vì chính chúng ta có thói quen ăn thịt chó thì đâu đến nỗi. Thịt chó ở đâu? Đâu phải ai cũng nuôi chó để giết thịt, đâu phải ai cũng sẵn sàng bán con chó nuôi dưỡng bao năm cho nhà hàng. Cầu thì có nhưng mà cung ở đâu? Trước khi trách người hãy tự ngẫm lại mình trước tiên.” – Độc giả này nói.

Chung quan điểm đó, độc giả Bảo Anh (email cthlh…@yahoo.com.vn) nhận định: “Xã hội còn người ăn thịt chó thì còn các quán bán thịt chó. Còn quán thịt chó thì nạn cẩu tặc còn tồn tại. Miếng thịt chó đưa vô miệng mà phải đổi cả một mạng người dù là lương thiện hay tội phạm thì thật là kinh khủng. Hãy tổ chức sắp xếp lại các quán bán thịt chó, có kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn cung ứng nguyên liệu. Cơ quan chức năng hãy ra tay giữ gìn an ninh trật tự, đem lại sự bình yên cho người dân”.

Trộm chó có thể bị tù đến 3 năm

Luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng Triệu Dũng và cộng sự cho biết, theo quy định của pháp luật: Đối với kẻ đi ăn trộm chó, nếu xác định giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm theo Theo khoản 1, điều 138 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, gọi tắt là ” Bộ luật Hình sự”.

Trường hợp cướp chó từ tay người chủ... thì bị coi là hành vi “cướp giật tài sản” theo quy định điều 136 Bộ luật Hình sự. Theo Luật sư Dũng, khi truy tố "tội cướp giật tài sản” thì không còn bị phụ thuộc vào giá trị tài sản bị cướp giật phải trên 2 triệu đồng và mức hình phạt cũng nặng hơn tội trộm cắp tài sản. Cụ thể, khoản 1 điều 136 quy định: “Người nào cướp giật tài sản của người khác thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Luật sư Triệu Trung Dũng kể lại câu chuyện trong quá trình làm việc của mình, ông có tham gia bào chữa cho 1 bị cáo trong vụ cướp 1 chiếc dép tổ ong cũ trị giá khoảng 5 nghìn đồng, kẻ cướp đã bị phạt tù 3 năm.

Theo LS Dũng, nếu người tiêu thụ chó biết là chó trộm cắp mà vẫn mua sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định ở điều 250 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, khoản 1 điều 250: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Còn về việc người dân khi bắt được kẻ trộm chó mà xông vào đánh hội đồng cho bõ tức, để răn đe và không có ý định giết người nhưng dẫn đến việc kẻ trộm bị chết thì phạm tội cố ý gây thương tích quy định tại khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự. Cụ thể: “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm”.

LS Dũng cho rằng, khi bắt được một kẻ trộm chó, người dân nên giữ lại và giao ngay cho cơ quan công an xử lý, tránh trường hợp đáng tiếc kẻ trộm chó chết, người mất chó vào tù.

Dương Tùng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Hà (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN