Ớn lạnh người nuôi 1.000 con mãng xà cực độc trong thị trấn
Ông Hồ Đức Tài, trú tại tổ 4, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đang nuôi đàn rắn hổ mang bành lên tới hơn 1.000 con. Ông Tài cho biết, chưa có loài vật nuôi nào mà có tỷ lệ hao hụt thấp như nuôi rắn hổ mang. Cũng nhờ nuôi loài mãng xà cực độc này mà gia đình ông Hồ Đức Tài ngày càng khấm khá hẳn lên nơi thị trấn miền núi còn nghèo này.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn thị trấn Chợ Mới xuất hiện một số ít hộ gia đình tìm hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế, bước đầu cho thu nhập cao và ổn định. Một trong số đó là hộ gia đình ông Hồ Đức Tài, trú tại tổ 4, thị trấn Chợ Mới.
Mô hình nuôi rắn hổ mang bành của gia đình ông Hồ Đức Tài, trú tại tổ 4, thị trấn Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã đem lại lợi nhuận cao cho gia đình.
Đến thị trấn Chợ Mới hỏi thăm ông Tài “rắn” ai cũng biết. Sở dĩ gọi vậy là do trên địa bàn thị trấn ông Tài là người tiên phong trong việc nuôi rắn hổ mang bành với số lượng lớn. Với diện tích chuồng khoảng 1.000m2, ông Tài chia thành 1.700 ô chuồng nhỏ để nuôi rắn. Bình quân trong chuồng lúc nào ông Tài cũng có hơn 1.000 con rắn hổ mang bành cực độc.
Ngoài chuồng nuôi rắn đẻ và rắn thịt thương phẩm thì ông còn có khu vườn khoảng 200m2, lợp mái tôn một nửa và được xây tường kín bao quanh để nuôi rắn con. Nuôi một thời gian ngắn, rắn hổ mang giống đạt trọng lượng 0,3 đến 0,5kg, sẽ đem vào ô chuồng để nuôi thành rắn hổ mang thịt thương phẩm.
Một vài năm trở lại đây, nhận thấy việc nuôi rắn đẻ trứng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nên ông Tài chuyển hướng từ nuôi thương phẩm sang nuôi lấy trứng.
Hiện trong chuồng có hơn 1.000 con rắn hổ mang bành bố mẹ, có trong lượng mỗi con khoảng 2 đến 4 kg. Theo ông Tài, riêng năm 2017, gia đình bán khoảng 10.000 quả trứng rắn, giá trứng cũng tùy thời điểm, có thời điểm thị trường hiếm, giá lên đến 70 đến 80.000 đồng/ 1 quả; thời điểm thấp chỉ có 5.000 đến 8.000 đồng/ 1 quả.
Ngoài bán trứng rắn hổ mang bành, nếu ai có nhu cầu mua rắn con hoặc rắn thịt thương phẩm thì ông Tài lại bán. Giá bán rắn con cũng khá cao, bình quân dao động trong khoảng 30 đến 50 nghìn đồng/ 1 con, lúc cao lên đến 100 nghìn đồng/1 con.
Theo ông Tài hiện nay qua mối làm ăn và thông tin từ bạn bè nên các thương lái trong và ngoài tỉnh tự đến tận nhà ông để thu mua trứng rắn và mua rắn con, rắn thịt thương phẩm. Năm 2017, trừ chi phí ông thu lãi về trên 100 triệu đồng tiền bán sản phẩm từ rắn.
Riêng rắn hổ mang thịt thương phẩm, ông Tài nuôi đạt trọng lượng khoảng 2 đến 4 kg trở lên sẽ xuất chuồng để bán. Thời điểm rắn hổ mang thịt giá lên cao bán khoảng 700 nghìn/ 1 kg, giá hổ mang thấp cũng được 300 nghìn/ 1 kg. Thị trường tiêu thụ rắn hổ mang giống, hổ mang thịt khá thuận lợi. |
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang bành, ông Hồ Đức Tài cho hay: Nuôi rắn hổ mang bành không khó, nhàn hơn so với nuôi một số động vật hoang dã khác. Nếu nuôi 1.000 con rắn hổ mang bành, 1 năm chỉ chết khoảng vài chục con, độ rủi ro không cao như nuôi các loài khác.
Tuy nhiên, ông Tài cho rằng, rắn hổ mang bành là loài rắn độc, nên trong quá trình nuôi phải hết sức cẩn trọng, khi dọn chuồng, lấy trứng hoặc bắt rắn phải hết sức nhẹ nhàng, tránh rắn bị đau, giật mình. Về kỹ thuật nuôi rắn hổ mang, ông Tài thổ lộ, để rắn không bị bệnh thì khâu vệ sinh hết sức quan trọng, rắn hổ mang bành ít bị dịch bệnh, chủ yếu bị bệnh viêm phổi, nên chuồng lúc nào cũng phải khô thoáng, sạch sẽ và cho uống thuốc phòng bệnh.
Ngoài ra, muốn rắn hổ lớn nhanh thì phải quan tâm đến thức ăn cho rắn, thức ăn của rắn hổ mang bành chủ yếu là cóc, chuột... nên chi phí không đáng kể. Hiện nay, gia đình ông cho ăn 1 lần/tuần, mỗi lần cho ăn 1,5 tạ thức ăn. Rắn sinh sản khá nhanh, bình quân một con rắn hổ mang bành đẻ 15 đến 20 quả trứng/ lần, nhiều 25 đến 30 quả/ lần.
Hàng ngày ông Hồ Đức Tài, trú tại tổ 4, thị trấn Chợ Mới kiểm tra đàn rắn nuôi của gia đình.
Mùa sinh sản của rắn hổ mang vào thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch. Sau khi rắn bố mẹ giao phối, khoảng 1 tháng 10 ngày rắn sẽ đẻ trứng. Rắn hổ mang mẹ đẻ trứng 1 năm/ 1 lần. Rắn hổ mang có thể đẻ liên tục trong nhiều năm, tuy nhiên theo kinh nghiệm của ông Tài thì chỉ cho rắn bố mẹ sinh sản khoảng 5 năm đổ lại sau đó bán rắn thương phẩm và tiếp tục nhân những con rắn non thành rắn bố mẹ, như vậy hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Đánh giá về mô hình nuôi rắn hổ mang bành của gia đình ông Hồ Đức Tài, tổ 4, thị trấn Chợ Mới, ông Nguyễn Ngọc Quy, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) cho biết: Đây là mô hình kinh tế điển hình của thị trấn trong nhiều năm liền, cho lợi nhuận kinh tế cao và ổn định. Tuy nhiên, Hội Nông dân thị trấn vận động, tuyên truyền các hội viên khác nuôi rắn hổ mang bành, nhưng đây là loài rắn độc, nên ít người giám nuôi.
Hiện thị trấn Chợ Mới chỉ có 2 hộ nuôi rắn hổ mang, đó là: hộ gia đình Đặng Văn Long và hộ ông Hồ Đức Tài. Trong đó, hộ ông Hồ Đức Tài nuôi rắn hổ mang với quy mô nhiều nhất, hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thời gian tới, Hội Nông dân thị trấn Chợ Mới tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để ông Tài phát triển mô hình nuôi rắn hổ mang bành. Đồng thời, khuyến khích các hộ hội viên nông dân khác cùng học hỏi và nuôi loại động vật này.
Từ mô hình nuôi rắn hổ mang bành, gia đình ông Hồ Đức Tài đã có cuộc sống ổn định, khá giả và đặc biệt tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, những năm gần đây nhận thấy mô hình nuôi rắn hổ mang bành của gia đình ông Tài phát triển tốt, cho lợi nhuận cao, nhiều người trong và ngoài tỉnh đã đến xem và học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi rắn hổ mang bành của gia đình ông... |
Dương Thế (Trung tâm VHTT&TT huyện Chợ Mới)
Đường lên đỉnh Pu Ta Leng, xã Tà Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vẫn giữ được rừng nguyên sinh. Đây là môi trường...