Ôm hàng chục sổ đỏ vẫn trắng tay

Nhận được đơn kêu cứu của một số hộ dân ở Kiên Lương và TP Rạch Giá (Kiên Giang) khiếu nại việc họ mua đất hợp pháp, có sổ đỏ từ năm 2005 đến nay nhưng bị người khác bao chiếm. Khiếu nại nhiều lần nhưng chính quyền và ngành chức năng giải quyết không xong.

Năm 2005, bà Nguyễn Thị Tâm, ngụ tại thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương, Kiên Giang) mua 9 lô đất, mỗi lô rộng 4ha, tại ấp Mẹc Lung, xã Vĩnh Phú. Đây là đất công của nhà nước, chính quyền trước đó chia cho Cán bộ - CNV Sở Địa chính Kiên Giang, nay gọi là Sở TN&MT. Đất đã có sổ đỏ, hợp đồng mua bán được công chứng.

“Mỗi lô lúc đó mua 85 triệu đồng, tương đương với 10 cây vàng. Khi mua các cán bộ nói với tôi là “đất sạch”, có sổ đỏ rồi thì cứ an tâm mà làm. Ai ngờ tôi vừa thuê máy vào cày ải thì xảy ra tranh chấp với dân. Đi thưa kiện tôi mới biết đất đang trong hợp đồng cho thuê”, bà Tâm trình bày.

Cũng tại thời điểm trên, bà Thái Thị Kim Lanh, ngụ tại phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá mua13 lô, tổng cộng trên 52 ha, cũng của cán bộ Sở TN&MT và người nhà của họ đứng tên. Việc mua bán đúng pháp luật. Tuy nhiên cũng bị tranh chấp tương tự như bà Tâm.

Ôm hàng chục sổ đỏ vẫn trắng tay - 1

Bà Lanh ôm nhiều sổ đỏ nhưng vẫn trắng tay

Tại hợp đồng thuê đất từ năm 2003, của 19 cán bộ Sở Địa chính với ông Trần Văn Lắm ngụ tại ấp Mẹc Lung (có xác nhận, đóng dấu của công đoàn Sở Địa chính Kiên Giang) đã thỏa thuận cho ông Lắm thuê hàng chục lô đất tại đây, mỗi lô 4 ha, thời hạn cho thuê đến năm 2007.

Giá cho thuê 350.000 đồng/ha mỗi năm. Hầu hết số đất cho thuê này đã được sang bán cho bà Tâm và bà Lanh vào năm 2005. Như vậy đất đang trong thời kỳ cho người khác thuê, chưa thanh lý hợp đồng nhưng những cán bộ của Sở Địa chính này đã đem bán.

Bảy năm qua, bà Tâm và bà Lanh liên tục khiếu kiện đòi lại đất nhưng không được giải quyết. Những người thuê đất sau khi hết hợp đồng vẫn không chịu trả lại ruộng.

Tình trạng cán bộ và các tổ chức được cấp đất rồi để hoang, cho thuê lại hoặc sang bán trên vùng Tứ giác Long Xuyên diễn ra khá phổ biến.

Nhiều hộ nông dân không có đất sản xuất, lợi dụng việc này đã bao chiếm, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, nhiều người làm cho tình hình an ninh trật tự mất ổn định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Lĩnh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN