Ốc đảo "nguyên thủy" nghèo nhất Việt Nam
Khoảng 100 hộ dân ở một xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhiều năm qua phải sống trong cảnh đèn dầu, đi lại bằng thuyền và không có phương tiện thông tin liên lạc.
Thôn Đồng Mậm (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) có 100 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. Từ hàng chục năm qua nơi đây trở thành ốc đảo, bị cô lập với thế giới bên ngoài. Người dân sống rải rác tại các ngọn núi, đồi quanh hồ Cấm Sơn (hồ thủy điện lớn thứ 4 miền Bắc). Từ UBND xã Sơn Hải đến Đồng Mậm dài gần 10km.
Không có đường bộ, người dân phải di chuyển chính bằng thuyền. Những người có điều kiện thì thuê xuồng máy. Sống chung cùng sông nước nên nhiều em nhỏ mới 6 tuổi đã biết bơi.
Trước 2013 nhiều người làm nghề trồng lúa, sau đó nước ngày càng lên cao khiến cánh đồng bị ngập hết. Từ đó đến nay, nguồn thu nhập chính là công việc trồng vải thiều và sắn. Vào mỗi buổi sáng, sương mù dày đặc khiến việc đi lại khó khăn. Hồ Cấm Sơn có nơi sâu nhất trên 80m.
Học sinh trường Tiểu học Cấm Sơn khu Đồng Mậm phải đi học bằng thuyền. Nhiều em nhà xa trường, phải chèo thuyền 2 giờ đồng hồ mới đến nơi. Hơn thế nữa, cuộc sống lại thiếu thông tin truyền thông nên nhiều hôm gió bão, rét dưới 10 độ C không biết được nghỉ vẫn lặn lội đi học.
Có những lúc vào mùa đông, thời tiết 5 độ c, các em phải băng qua đồi núi trong giá lạnh để đến trường. Hầu hết quần áo các em mặc là do được các tổ chức từ thiện hỗ trợ.
Nơi trồng vải thiều và sắn là tại các quả đồi. Một phụ nữ tâm sự, nhiều ngày chèo thuyền đến chợ bán vài thiểu, vải dập hết do di chuyển xa và bị thương lái ép giá bán với giá rẻ.
Cuộc sống tại đây bình yên, không ồn ào. Ngày qua ngày họ chỉ quanh quẩn xung quanh ngôi nhà và mấy nhà hàng xóm bên cạnh.
Nhiều gia đình nuôi thêm lợn và chim bồ câu để tăng gia, kiếm thêm thu nhập. "Lợn nuôi nhiều nhưng cũng chỉ bán cho anh em quanh làng, có ngày thiếu thức ăn thì mấy nhà mổ chung một con để ăn", anh Phú, bí thư chi bộ Đồng Mậm chia sẻ.
Đồng Mậm không có sóng viễn thông. Chức năng chính của điện thoại di động chủ yếu để nghe nhạc và đài FM.
Trạm y tế cũng không có. Khi có người bệnh tật, ốm đau đều phải chèo thuyền hoặc thuê xuồng máy ra trung tâm xã hoặc ngược mấy quả đồi để sang Sông Hóa (Lạng Sơn) để khám.
Cả thôn chỉ có 2 cửa hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết.
Tối tối, sau bữa cơm cánh đàn ông ngồi đàm đạo dăm ba câu chuyện trong ánh đèn mờ ảo rồi lên giường đi ngủ sớm.
Nguồn ánh sáng chủ yếu là những ngọn đèn dầu. Cảnh trẻ em ngồi chơi ngoài sân nhà tại xóm Thùng Thình, Đồng Mậm.
Ngày giá rét, phụ nữ phải dùng bếp củi để sưởi ấm. Nơi đây là vùng cao nên không khí luôn lạnh hơn so với dưới đồng bằng.
Tại nhà anh Vi Văn Quảng, khi cần chiếu sáng ngoài sân phải dùng đèn xe máy.
Nấu cơm tối thì soi đèn pin.
Bữa cơm trong ánh đèn dầu leo lét tại nhà anh Quảng ở xóm Suối Khoan, thôn Đồng Mậm.
Góc học tập của bé Huy, một học sinh lớp 5.
Nhà anh Công, xóm Suối Khoan, do có điều kiện sắm thêm chiếc máy phát điện chạy bằng hơi nước, nhưng cũng chỉ đủ chiếu sáng một góc. Mọi hoạt động đều phải cần sự hỗ trợ của chiếc đèn pin.
... tuy nhiên chiếc máy phát điện hơi nước đó cũng rất phập phù vì phụ thuộc vào mực nước. Mỗi đêm người dân nơi đây dùng máy phát điện chỉ trong khoảng 2 tiếng.