Obama kêu gọi phương Tây mạnh mẽ hơn trong việc trừng phạt Nga
Hôm 26/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi phương Tây cần mạnh mẽ hơn trong việc phản đối Nga sáp nhập Crimea và cho rằng theo thời gian, Moscow sẽ nhận ra rằng bạo lực không thể giành chiến thắng.
Trong chuyến công du dài ngày bắt đầu từ chuyến đi tới Nghĩa trang Thế chiến thứ nhất tại Bỉ để ghé thăm ngôi mộ của binh sĩ Hoa Kỳ, ông Obama cho biết: “Chúng tôi không bao giờ được phép quên rằng chúng tôi đã được thừa hưởng hòa bình từ một cuộc đấu tranh cho tự do”.
Trong cuộc nói chuyện thân mật với Đức Vua và Hoàng Hậu Bỉ cùng hơn 2.000 người dân tập trung tại một phòng hòa nhạc, ông Obama nhấn mạnh những hành động của Nga đã thách thức “một sự thật hiển nhiên tồn tại từ hai tuần trước đó”.
Trước khi rời Brussels để tới Rome gặp Đức Giáo hoàng Francis, Tổng thống Hoa Kỳ không quên khẳng định, hành động của điện Kremlin khi xâm nhập vào Crimea đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Tổng thống Obama và Tổng thư kí khối NATO Anders Fogh Rasmussen
Ông Obama cho biết, tuy phương Tây không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các hành động của Nga, nhưng nếu họ thờ ơ thì có nghĩa là họ cũng đã bỏ qua những bài học đắt giá từ nghĩa trang này.
Tổng thống Obama và Tổng thư kí khối NATO Anders Fogh Rasmussen đã kêu gọi tăng cường liên minh quân sự ở hành lang phía đông châu Âu. Cả hai cũng đã lên tiếng ủng hộ giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.
Trong cuộc họp bàn về vấn đề khủng hoảng của Ukraine, ông Obama đã phát biểu: “Không phải là chúng ta đang tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ và NATO không muốn gây ra bất cứ cuộc xung đột nào với Nga”. Tuy nhiên, ông Obama cũng khẳng định, các thành viên của Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương sẽ duy trì những hành động “một người vì mọi người” để bảo vệ chủ quyền cho nhau.
Ông Obama nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cam kết không bao giờ từ bỏ. Các quốc gia NATO sẽ không bao giờ đơn độc”.
Tại Washington, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, trong những ngày gần đây, Nga đã triển khai thêm quân đội tiến sát biên giới Ukraine, bất chấp những cam kết trước đó.
Các nhà phân tích quốc phòng cho biết, lực lượng hải quân Ukraine đã giảm nghiêm trọng do sự can thiệp của Mooscow tại bán đảo Crimea và họ đã mất 12 trong tổng số 17 tàu chiến vào tay Nga.
Ở Kiev, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov đã yêu cầu quốc hội phê chuẩn cho các cuộc diễn tập quân sự với NATO được tiến hành để có thể đưa quân đội Hoa Kỳ vào lãnh thổ, sát với lực lượng quân đội Nga trên bán đảo Crimea.
Trước đó tại Brussels, Tổng thống Mỹ đã vận động các quan chức hàng đầu EU tham dự một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhằm kêu gọi châu Âu và Mỹ về cùng một chiến tuyến. Chuyến công du này được coi là chuyến đi quan trọng nhất của Tổng thống Mỹ tới châu Âu do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, cuộc khủng hoảng của Ukraine đã làm rõ hơn sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga. Họ cũng chỉ ra việc làm cần thiết trước mắt của các quốc gia phương Tây là đa dạng hóa nguồn năng lượng.
Khi nền kinh tế thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, Brussels và Washington cũng cam kết nỗ lực để tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, một động thái có thể tiếp thêm sức mạnh cho nền tăng trưởng và tạo việc làm cho người dân.