Obama có thể không kích Iraq mà không qua Quốc hội
Tổng thống Mỹ có thể đơn phương ra lệnh không kích Iraq sau khi nhận được thỉnh cầu của chính phủ nước này.
Ngày 18/6, trong một phiên điều trần trước Quốc hội, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng ông có thể sẽ ra lệnh không kích vào Iraq để ngăn chặn phong trào phiến quân nổi dậy mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.
Ông Obama đưa ra tuyên bố này sau khi Mỹ nhận được đơn thỉnh cầu của chính phủ Iraq về hỗ trợ không kích để ngăn chặn bước tiến như vũ bão của phiến quân thuộc tổ chức Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) trước sự bất lực của quân đội Iraq.
Tổng thống Obama có thể đơn phương ra lệnh không kích Iraq
Tuy nhiên, việc ông Obama có thể đưa ra hành động đơn phương này sẽ có nguy cơ gây ra xung đột mới giữa Nhà Trắng và Quốc hội, đặc biệt là khi Obama mở các đợt không kích tấn công vào nhóm phiến quân khát máu ISIS.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey đã nói rằng chiến dịch không kích vào phiến quân không hề đơn giản “như việc nhìn vào một đoạn phim trên iPhone và quyết định tấn công ngay lập tức.”
Xuất hiện trước Quốc hội, tướng Dempsey và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng đã bác bỏ cáo buộc của các nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng chính Tổng thống Obama với quyết định rút quân khỏi Iraq năm 2011 đã tạo điều kiện cho ISIS trỗi dậy.
Đặc nhiệm Iraq đứng gác ở thủ đô Baghdad
Ông Dempsey nói: “Chúng ta không thể làm được nhiều để khắc phục những thất bại mà chính phủ Iraq đã làm đối với người dân. Những thất bại này chính là nguyên nhân gây ra vấn đề. Mỹ đã cố hết sức để giúp Iraq, nhưng vấn đề vẫn phải do người Iraq giải quyết.”
Hai quan chức quốc phòng này cũng nói rằng khi các phe phái ở Iraq vẫn chưa đạt được những thỏa thuận chính trị quan trọng, chiến dịch không kích của Mỹ sẽ không phát huy hiệu quả về lâu dài.
Ngoài ra, hiện Mỹ đang rất thiếu nguồn tin tình báo ở Iraq kể từ khi rút quân vào năm 2011. Các cơ quan tình báo của Mỹ đang tìm cách lấp chỗ trống này và xác định các mục tiêu tấn công, trong đó có các trại huấn luyện và kho vũ khí của phiến quân.
Một nguồn tin tình báo của Mỹ cho hay ISIS là một tổ chức quân sự phức tạp và được chỉ huy chặt chẽ với ít nhất 15.000 tay súng chứ không phải là một đám ô hợp như chính phủ Iraq vẫn mô tả.
Phụ nữ Iraq thể hiện quyết tâm chiến đấu chống lại phiến quân
Theo báo cáo này, chỉ trong năm 2013, ISIS đã thực hiện 1.083 vụ ám sát, 4.465 vụ tấn công bằng bom cài ven đường, 9.540 chiến dịch tại Iraq và Syria.
Chuyên gia phân tích Alex Bilger cho rằng các chiến binh Hồi giáo cực đoan này “đang chứng tỏ khả năng chiến đấu của họ không phải là lý thuyết” với những cuộc tấn công quy mô lớn và những vụ hành quyết đẫm máu.
Chuyên gia này kết luận: “Trong các chiến dịch quân sự, ISIS có một cấu trúc chỉ huy tập trung cao độ, vượt trội hơn hẳn so với tất cả các bộ chỉ huy quân sự khu vực ở Iraq.”