Obama bị tố "bán mình" cho người Nga
Đảng viên Cộng hòa Mỹ tố cáo Tổng thống Obama "bán mình" cho người Nga vì thỏa thuận trong vấn đề vũ khí hóa học ở Syria.
Ngày 16/9, Mỹ đang nỗ lực giành lại bàn cờ chính trị Syria từ tay Nga khi tuyên bố vẫn duy trì khả năng tấn công quân sự bất chấp việc đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc giải trừ kho vũ khí hóa học ở Syria thông qua một nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Dưới sức ép của những nhân vật diều hâu ở Washington và Israel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải nhấn mạnh rằng “mối đe dọa tấn công quân sự là có thật” nếu Syria không tuân thủ kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hối thúc các chính trị gia nước này nên chú trọng vào những thành tựu đạt được chứ không phải đường lối đối ngoại đầy rối rắm mà ông đã đưa ra trong thời gian vừa qua. Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC ngày hôm qua, ông Obama cho rằng chiến lược của Mỹ không phải lúc nào cũng “thuận lợi, trật tự và sắc nét”, tuy nhiên nó vẫn phát huy hiệu quả.
Obama: Chiến lược Mỹ không phải lúc nào cũng sắc nét
Ông tuyên bố: “Tôi không quan tâm lắm đến việc mất điểm hay không. Thứ mà tôi quan tâm là thực thi chính sách một cách đúng đắn.”
Sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận khung tại Geneva về kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học ở Syria, phản ứng của các đảng phái chính trị ở Mỹ là rất trái ngược nhau.
Đảng Dân chủ tỏ ra thông cảm hơn với Nhà Trắng, tuy nhiên các đảng viên Cộng hòa lại tỏ ra rất tức giận và cáo buộc ông Obama và Kerry đã “bán mình” cho người Nga khi cho phép Tổng thống Syria Assad tiếp tục nắm quyền mà không có bất kỳ sự đảm bảo vững chắc nào rằng ông này sẽ giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học.
Nghị sĩ Mike Rogers tuyên bố: “Đây là kế hoạch của người Nga để phục vụ lợi ích của Nga. Họ đã đạt được những gì họ muốn: Assad tại vị thêm ít nhất một năm, trong khi chúng ta đã từ bỏ rất nhiều động lực. Putin thì đang chơi cờ, còn chúng ta chỉ biết đánh caro.”
Bộ trưởng Hòa giải Syria cũng đã khoét sâu nỗi đau này của các đảng viên Cộng hòa Mỹ khi hoan nghênh thỏa thuận này là “một chiến thắng của Syria nhờ công của những người bạn Nga.”
Trong khi đó, Tổng thống Obama vẫn cho rằng việc thỏa thuận với Nga về vũ khí hóa học không có nghĩa là Mỹ đã từ bỏ hy vọng về việc lật đổ Assad. Ông tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng ông Putin có những giá trị giống như chúng ta. Nhưng chúng tôi đều có chung sự quan tâm trong việc ngăn chặn tình trạng hỗn loạn và chủ nghĩa khủng bố.”
Các chuyên gia về vũ khí hóa học và các cựu thanh sát viên Liên Hợp Quốc đều bày tỏ sự hoan nghênh đối với kế hoạch Geneva, tuy nhiên họ chỉ ra rằng có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Theo kế hoạch này, một số loại vũ khí hóa học sẽ được vận chuyển ra khỏi Syria, trong khi Công ước LHQ về Vũ khí hóa học không cho phép các thành viên “vận chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp vũ khí hóa học cho bất kỳ ai.”