Ô tô tông chết trâu: Ai phải bồi thường?

Sự kiện: An toàn giao thông

Chuyên gia cho rằng cần xem xét yếu tố lỗi để xác định ai có trách nhiệm bồi thường và mức bồi thường.

Hơn 4 giờ ngày 27-8, một người lái ô tô của mình đi qua địa phận xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM). Tại một khúc cua, ô tô va chạm với trâu khiến túi khí bung, kính chắn gió vỡ. Hậu quả là một con trâu đã chết, một con trâu khác gãy sừng, ô tô hư hỏng phải sửa hết hơn 90 triệu đồng.

Trường hợp này, ai có trách nhiệm bồi thường? Chủ trâu phải bồi thường cho thiệt hại của ô tô hay chủ xe phải bồi thường vì trâu chết và bị thương?

Trách nhiệm bồi thường khi điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ

Theo chủ trâu thì đàn trâu đang đi trên đường để ra đồng, còn theo chủ xe thì do chói đèn và lưu thông ở khu vực đường cong nên khi thấy một số con trâu, anh đã đánh lái về bên phải mà vẫn tông vào số trâu này. Như vậy, đây là trường hợp lỗi hỗn hợp, tức hai bên đều có lỗi.

Ô tô tông chết trâu: Ai phải bồi thường? - 1

Giả định ô tô lưu thông bình thường, tài xế đủ điều kiện về bằng lái, không vượt tốc độ, không có nồng độ cồn trong máu thì cũng đang điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ theo các điều 584, 585, 601 BLDS năm 2015 và Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nên phải bồi thường cả khi không có lỗi. Tức chỉ không bồi thường khi do lỗi cố ý hoàn toàn của đối tượng (bên kia).

Nếu đàn trâu đi trên đường hoặc qua đường để ra đồng, ở nơi không có biển cấm gia súc lưu thông thì được lưu thông nên việc lưu thông của đàn trâu là hợp pháp.

Đường bộ là đường để lưu thông nên con người, phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới, gia súc có người quản lý (trường hợp đường không cấm gia súc) phải tuân thủ đầy đủ quy định về lưu thông trên đường bộ, trong đó có việc quan sát và giữ khoảng cách an toàn. Lý do bị chói đèn nên không thể tránh được đàn trâu của tài xế ô tô là không đủ thuyết phục.

Bởi khi không nhìn thấy rõ thì người điều khiển ô tô phải chạy chậm, thật chậm hoặc dừng hẳn một cách an toàn thì mới đúng sự ứng xử theo quy định của pháp luật. Ở đây, tài xế vẫn di chuyển tiếp và lách sang phải để tránh đàn trâu rồi không thể tránh hết nên vẫn gây tai nạn thì hành vi này cũng có lỗi.

“Trường hợp giải quyết tại tòa án thì phải làm rõ hiện trường, không gian, thời gian... xảy ra vụ va chạm thì mới xác định được tỉ lệ lỗi của hai bên.”

Luật sư Nguyễn Thành Công

Việc di chuyển của đàn trâu gây cản trở giao thông

Trâu là gia súc phải chăn nuôi ở nơi quy định nhưng như trên đã nói, việc di chuyển này là để ra đồng, nơi chăn thả chứ chủ trâu không dùng đường để làm nơi chăn thả và hành động di chuyển này không bị cấm nên phần lưu thông là không có lỗi.

Dù vậy, việc di chuyển của đàn trâu sẽ gây cản trở cho hoạt động giao thông, thực tế đã gây ra tai nạn với thiệt hại cho cả hai bên thì cũng có lỗi nên phải chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng với phạm vi lỗi của mình.

Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được quy định tại Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, Nghị quyết 02/2022 cũng không quy định chi tiết về việc ai phải bồi thường, mà chỉ quy định nguyên tắc chung.

Vì vậy, phải có sự phân định của người giải quyết (theo sự thỏa thuận của hai bên hoặc tòa án theo con đường tố tụng). Trường hợp giải quyết tại tòa án thì phải làm rõ nhiều nội dung như hiện trường, không gian, thời gian... xảy ra vụ va chạm thì mới xác định được tỉ lệ lỗi của hai bên. Từ đó, cộng phần thiệt hại của hai bên rồi phân chia theo tỉ lệ bồi thường để chịu trách nhiệm tương ứng.

Ý kiến khác

Theo TS Nguyễn Xuân Quang (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), hành vi để đàn trâu đi vào làn đường giao thông vi phạm Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến việc tài xế ô tô có vi phạm gì khi lái xe hay không như tốc độ có trong mức cho phép, có đi đúng làn đường quy định…

Nếu tài xế ô tô lưu thông đúng quy định mà đàn trâu ùa ra đường nên tài xế không phản ứng kịp và tông vào đàn trâu thì đây là sự kiện bất ngờ, tài xế không có lỗi. Trong trường hợp này, chủ trâu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại theo Điều 603 BLDS năm 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Ngược lại, nếu tài xế có vi phạm quy định về lái xe thì lúc này cả hai bên đều có lỗi và đây là bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi. Lúc này cần xem xét mức độ lỗi của các bên để xem xét mức độ bồi thường.

Đây có phải trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra? Theo TS Nguyễn Xuân Quang, theo Điều 601 BLDS năm 2015 và Điều 12 Nghị quyết 02/2022 thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm bồi thường khi tự nguồn nguy hiểm cao độ đó gây ra như bị cháy nổ... Còn vụ này, nếu chủ xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây tai nạn làm trâu chết thì chủ xe có lỗi và lỗi này là do con người; còn ô tô chỉ là công cụ, phương tiện.

CHÂU YẾN

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ cháy hàng loạt xe ở gara ô tô: Ai bồi thường thiệt hại cho chủ xe?

Nhiều người thắc mắc, trường hợp đưa xe vào gara để sữa chữa, bảo dưỡng khi xảy ra cháy nổ ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN