Ô tô bắt buộc phải có bình cứu hỏa: Đặt ở đâu cho an toàn?

Lãnh đạo phòng cháy chữa cháy khuyến cáo, đặt bình cứu hỏa ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 50 độ C. Đặc biệt, không để bình cứu hỏa ở cốp xe ô tô, nơi dễ bị va đập đề phòng cháy nổ xảy ra.

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 57 quy định, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 6.1.2015.

Ô tô bắt buộc phải có bình cứu hỏa: Đặt ở đâu cho an toàn? - 1

 Phụ lục 1 quy định Danh mục và định mức trang bị phương tiện Phòng cháy chữa cháy đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bình cứu hỏa mini "cháy" hàng

Ghi nhận của phóng viên ngày 5.1, nhiều người dân đã đến các cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên phố Nguyễn Du, Yết Kiêu (Hà Nội)... mua bình cứu hỏa mini trang bị trên ô tô.

Ô tô bắt buộc phải có bình cứu hỏa: Đặt ở đâu cho an toàn? - 2

Nhiều cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động kiêm bán cả bình cứu hỏa mini

Tại cửa hàng bán bảo hộ số 86 Nguyễn Du, ông Bùi Minh Tân (55 tuổi), chủ cửa hàng cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, có nhiều lái xe đến mua bình cứu hỏa mini loại 80.000 đồng/1 bình. Trung bình một ngày cửa hàng ông Tân bán được khoảng 60 bình cứu hỏa mini. Lái xe 4 chỗ thường mua loại bình cứu hỏa loại 0,5kg; lái xe 7 chỗ mua bình cứu hỏa loại 1kg.

“Do số lượng khách đến mua nhiều nên cửa hàng của chúng tôi gần như hết bình cứu hỏa mini để bán. Sáng nay tôi vừa phải gọi điện để nhập thêm hàng về. Bình cứu hỏa cửa hàng chúng tôi bán ra đều có tem kiểm định chất lượng, do Công ty phòng cháy chữa cháy Thủ đô cấp. Thời hạn bảo hành bình trong 12 tháng”, ông Tân chia sẻ.

Ô tô bắt buộc phải có bình cứu hỏa: Đặt ở đâu cho an toàn? - 3

Lái xe nên mua bình cứu hỏa mini có dán tem kiểm định của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên phố Tam Trinh cho hay, bình cứu hỏa mini có nhiều loại, loại bình 0,5kg giá 80.000 đồng; loại bình 1kg có giá 110.000 đồng; bình 4kg giá 160.000 đồng.

“Mỗi ngày chúng tôi bán được khoảng 50 bình cứu hỏa mini. Nhiều khách hàng sợ hết bình đã phải gọi điện đặt từ trước đó. Các sản phẩm của chúng tôi bán ra đều được bên phòng cháy chữa cháy kiểm định chất lượng cấp tem”, chị Thảo nói.

Sáng cùng ngày, anh Nguyễn Tiến Lợi (35 tuổi), lái xe hãng taxi trên địa bàn Hà Nội đến phố Nguyễn Du mua bình cứu hỏa mini. Anh Lợi chia sẻ: “Tôi biết đến quy định xe ô tô bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa mini gần 1 tuần nay. Tuy nhiên, hôm nay chở khách qua tuyến phố Nguyễn Du mới tạt vào mua 1 bình để ở cửa gần ghế ngồi trước của xe. Có bình cứu hỏa tôi cũng yên tâm hơn trong trường hợp gặp sự cố cháy nổ”.

Ô tô bắt buộc phải có bình cứu hỏa: Đặt ở đâu cho an toàn? - 4

Anh Nguyễn Tiến Lợi, lái xe hãng taxi trên địa bàn Hà Nội dừng xe mua bình cứu hỏa mini

Không để bình cứu hỏa ở cốp xe ô tô

Thượng tá Trần Quốc Thường, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9 cho khuyến cáo, người dân khi đi mua bình cứu hỏa mini nên chọn cửa hàng uy tín, có dán tem kiểm định cơ quan chức năng. Khi nhận bình phải kiểm tra kỹ hạn sử dụng ở dưới đáy bình; vòi phun; van hãm; thân bình.

Ô tô bắt buộc phải có bình cứu hỏa: Đặt ở đâu cho an toàn? - 5

Người dân nên đặt bình cứu hỏa ở cánh cửa (gần ghế trước) thuận tiện cho việc chữa cháy

Người dân thường xuyên kiểm tra bình theo quy định của nhà sản xuất hoặc ít nhất 3 tháng/lần. Đặt bình cứu hỏa ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 50 độ C.

“Người dân lưu ý không để bình cứu hỏa ở cốp sau của xe ô tô bởi vì vị trí này dễ xảy ra va đập gây cháy nổ. Để đảm bảo an toàn lái xe nên đặt bình cứu hỏa ở nơi dễ nhìn, dễ lấy như bên cánh cửa phải, gần ghế ngồi phía trước của xe ô tô”, thượng tá Thường  nói.

Theo thượng tá Thường, khi gặp sự cố cháy nổ, người dân di chuyển bình cứu hỏa mini tới gần điểm cháy, giật chốt hãm kẹp chì. Sau đó, người dân chọn đầu hướng gió hướng loa phun vào gốc lửa. Giữ bình ở khoảng cách 1,5 m tuỳ loại bình.

Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ – CP, các phương tiện giao thông cơ giới không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng theo quy định thì bị phạt tiền từ 300 – 500 nghìn đồng; Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN