Ở nơi Trung thu dài nhất nước
Bắt đầu từ sau Rằm Tháng Bảy, không khí Trung thu đã tràn ngập khắp các nẻo đường ở thành phố Tuyên Quang. Hầu như các tối đều có lễ rước đèn khổng lồ thu hút không chỉ dân địa phương mà cả du khách đến từ khắp mọi miền. Phong tục độc đáo này nổi tiếng đến mức khách chơi Trung thu có kinh nghiệm phải rủ nhau đi trước vài tuần để tránh đối mặt với tình trạng “đường chật người đông giời ơi chen”!
Tối nào cũng rước đèn
Đến Lâm Bình chụp cọc Vài Phạ làm tư liệu phim, chúng tôi về qua Tuyên Quang vào ngày đầu tuần, thế nhưng nghe thổ địa khoe: tối có rước đèn khổng lồ, cả đoàn quyết định ở lại một đêm để “mở mang tầm mắt”.
Nào ngờ, đến tối, dân Thủ đô vốn chẳng xa lạ gì với những lễ hội “hoành tráng” cũng phải một phen sốc thị giác khi chứng kiến lễ rước hàng chục chiếc đèn Trung thu khổng lồ ở quảng trường Nguyễn Tất Thành. Mỗi chiếc đèn trung bình cao 2m trở lên, dài từ bốn đến hơn mười mét được thắp điện sáng rực chậm rãi bát phố trong tiếng kèn, trống, hò reo... chỉ có thể so sánh với không khí người dân xuống đường mỗi lần đội tuyển bóng đá quốc gia đoạt huy chương vàng.
Kiến trúc sư Lê Thanh Lâm - người làm rể Tuyên Quang hơn chục năm nay cho biết: Hai năm COVID dân Tuyên Quang không được đón Trung thu đúng nghĩa nên năm nay rộn ràng từ rất sớm. Đầu tháng 7 âm lịch đã có phường diễu đèn bát phố. Qua Rằm xá tội vong nhân thì không khí Trung thu đã tưng bừng lắm. Hầu như ngày nào người lớn, trẻ em cũng xuống đường khoe đèn. Sáu, bảy giờ tối trở đi là đường phố Tuyên Quang trở nên ùn ứ vì các đám rước nhưng không ai lấy đó làm phiền. Không khí hội hè miên man này sẽ kéo dài cho đến hết Trung thu.
Nói thật là tôi vốn dị ứng với những thứ “siêu to khổng lồ”, nhưng không hiểu sao khi gặp những chiếc đèn lồng cá chép, trâu vàng, long, lân, quy, phụng... phiên bản phóng to mấy mươi lần tôi lại không thấy phản cảm. Có lẽ bởi không khí náo nhiệt của người dân ở đây, có lẽ bởi tạo hình hồn nhiên của những người thợ không chuyên và cả các khẩu hiệu kiểu như “vì niềm vui con em chúng ta” khiến ngay cả những mô hình cồng kềnh nhất cũng trở nên đáng yêu.
Nơi định cư của kiến trúc sư Lê Thanh Lâm là ở Lâm Bình, nhưng vì vui Trung thu, năm nay cả nhà anh quyết định về thành phố Tuyên Quang hai tuần cho trẻ con tham gia rước đèn.
Mô hình “Tập trận cờ lau” của tổ 2, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang)
“Mỗi cái đèn cần một cái xe kéo giống kiểu xe công nông nhưng dài hàng chục mét chuyên trở. Ngoài lái xe và mấy thanh niên gõ trống, thổi kèn, trẻ con trong phường sẽ lần lượt được cho lên xe đi mấy vòng. Vì hầu như ngày nào cũng tổ chức diễu phố nên không sợ đứa nào bị sót. Trẻ con nhà này đến đây là nhất định không về, chơi điên luôn”, anh Lâm kể.
Không chỉ rước đèn, trước lễ hội chính vào đêm Trung thu, các phường còn tự tổ chức thi đèn với nhau. Ví dụ, hôm chúng tôi đến, các phường Minh Xuân, Tân Quang, Phan Thiết thi tại khu vực tuyến phố đi bộ; Ỷ La, Mỹ Lâm, Kim Phú thì thi tại sân đình Giếng Tanh; Đội Cấn, An Khang, Thái Long gặp nhau ở sân vận động xã Thái Long...
Cả phường góp tiền làm đèn
Ông Vũ Xuân Quỳnh (Chủ tịch phường Tân Quang) cho biết: chi phí làm mỗi chiếc đèn trung thu từ 80-150 triệu đồng, hoàn toàn do dân tự đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Việc làm đèn được giao cho những người có thế mạnh về từng mặt như thợ sửa máy, hàn xì phụ trách phần khung và thân của mô hình; thợ điện phụ trách phần ánh sáng, trang trí mô hình, thợ cắt vi tính phụ trách phần dán bề mặt mô hình… Trung bình một cái đèn cần hai đến bốn tuần để hoàn thành. Mỗi năm các phường lại sáng tạo ra các mẫu đèn khác nhau để phục vụ các em nhỏ.
Ông Đỗ Văn Trung, tổ 6, phường Tân Quang chia sẻ: mỗi năm tổ 6 lại làm một mô hình khác nhau để tham dự lễ hội, có thể kể như: Dế mèn phiêu lưu ký (2016), Gia đình nhà gà đi trẩy hội (2017), Ai thông minh hơn (2018), Gia đình nhà kiến (2019). Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, năm nay, tổ của ông làm đèn “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng” để mừng nhân dân chiến thắng đại dịch. Mô hình có chiều dài 9 m, chiều cao 4,5 m. Điều đặc biệt, “con” cá chép này còn có thể chuyển động bằng hệ thống máy móc do chính người dân trong tổ thiết kế giấu trong bụng cá. Khi tham gia diễn diễu, cá chép tùy thời có thể quẫy đuôi, lắc mình, miệng nhả bong bóng...
Khung cảnh rước đèn Trung thu ở Tuyên Quang
Theo thông lệ, những mẫu đèn khổng lồ này sẽ góp mặt trong Lễ hội thành Tuyên (định kỳ mỗi năm tổ chức một lần) có quy mô cấp tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Hoà - Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang thì dự kiến Lễ hội Thành Tuyên năm nay sẽ có khoảng 80 mô hình đèn lồng tham gia trình diễn. Các mô hình đèn Trung thu được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, danh lam thắng cảnh như: Rồng vàng trẩy hội Thành Tuyên, Cá chép vượt vũ môn hóa rồng, Cá chép trông trăng, Đám cưới chuột, Chung tay bảo vệ Sếu đầu đỏ, Bản làng ấm no, Tập trận cờ lau…
Tiến sĩ mỹ thuật Thế Anh cùng chúng tôi đi xem đèn lồng nhận xét: một số mô hình đã vượt ra khỏi phạm vi “trò chơi” có dáng dấp của một tác phẩm nghệ thuật. Về tổng thể, cuộc trình diễn đèn lồng khổng lồ ở Tuyên Quang theo tinh thần tự phát của nhân dân được anh Thế Anh gọi là một cuộc performance art “rất đáng xem”.
Theo ông Vũ Xuân Quỳnh, phong trào làm đèn Trung thu khổng lồ ở Tuyên Quang có từ hơn chục năm trước. Bắt đầu chỉ có một vài tổ dân phố ở phường Tân Quang làm những chiếc máy bay, con giống “siêu to khổng lồ” cho con em họ chơi trong dịp Trung thu, dần dần nhiều tổ dân phố khác học theo và lan ra thành phong trào.
“Đặc sản” du lịch
Nhiều năm nay, rước đèn Trung thu ở thành Tuyên đã không chỉ là ngày hội của người dân địa phương mà còn là “món ngon” thu hút du khách từ nhiều nơi. Nhiều công ty lữ hành nắm bắt nhu cầu này đã kịp thời tổ chức thành các tua ngắm đèn bắt đầu từ đầu tháng 8 âm lịch, cá biệt có vài nơi làm tua Trung thu từ giữa tháng 7 âm lịch.
“Lúc này một số phường vẫn còn đang làm đèn, có nơi thì làm xong rồi. Khách đi chơi Trung thu sớm ngoài việc tránh đông đúc, còn được ngắm đèn diễu phố và có thể chứng kiến người dân làm đèn, thậm chí tham gia một số khâu đơn giản trong quá trình hoàn thiện đèn như vót tre, uốn nan, cắt giấy, dán keo... Dân Tuyên Quang mến khách và cởi mở, làm đèn đi thi cũng không giấu nghề, khách đến là được hoan nghênh nên tua của chúng tôi hầu như cứ mở ra là có người đăng ký”, anh Lê Tiến Thọ, hướng dẫn viên tua Trung thu Thành Tuyên cho biết.
Cũng theo lời anh Thọ, nhiều khách hàng của anh sau khi tham gia Lễ hội thành Tuyên một lần thì trở thành khách quen. Đặc biệt nhiều khách nhí, khi lần đầu đến tua mới học cấp hai, nay đã sắp thi đại học.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu, nhưng những ngày này người dân thành phố Tuyên Quang đã tất bật chuẩn bị các mô hình đèn Trung thu khổng lồ với đủ các loại...
Nguồn: [Link nguồn]