Ở nơi F0 'không phải bệnh nhân'
Khoác chiếc balo đựng quần áo lên nhận giường cách ly xong, ông Vũ Tuấn Minh (50 tuổi, F0) thong thả đi ra hành lang leo lên chiếc máy thể dục đã được chuẩn bị sẵn từ trước để vận động: "F0 cách ly như vậy có gì đáng sợ đâu. Cố gắng tập thể dục nâng cao thể trạng để hồi phục nhanh thôi", ông Minh nói.
Ông Minh cùng hàng trăm F0 khác ở quận Tân Phú được chuyển đến trường THPT Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, nơi vừa được trưng dụng để làm khu cách ly tập trung có quy mô 600 giường dành cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền vào ngày 29/7.
Điều dưỡng cẩn thận chuẩn bị từng phần quà cho bệnh nhân
Hơn 4 giờ chiều, những chuyến xe chở F0 lần lượt dừng trước cổng, dưới trời mưa lất phất. Nghe nhân viên y tế đọc tên, từng người trên xe lần lượt xuống xếp hàng giãn cách, chờ khám sàng lọc và làm thủ tục nhận phòng cách ly. Nhân viên y tế cẩn thận hỏi kỹ từng người về tiền sử bệnh, đo thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp. Những người có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sẽ được yêu cầu ngồi nghỉ 30 phút để kiểm tra lại hoặc chuyển đến khu cách ly điều trị COVID-19 khác.
Tại khu cách ly, các phòng học được dọn dẹp sạch sẽ, bàn ghế học sinh được dời đi nơi khác. Mỗi F0 được bố trí một chiếc giường xếp nằm cách nhau 2m và khu vực để đồ dùng cá nhân. Sau gần 30 phút làm thủ tục, ông Vũ Tuấn Minh cùng những F0 khác đi bộ lên tầng 2 để nhận phòng, dọc đường đi, thấy hành lang được trang bị đủ loại máy tập thể dục, ông Minh không khỏi ngạc nhiên vì khu cách ly khác xa với tưởng tượng của ông. "Lâu nay nghe nói đi cách ly tập trung là ghê lắm, thiếu thốn đủ bề. Vậy mà vào đây cái gì cũng có, từ bình nước nóng đến máy lọc nước, máy tập thể dục. Kiểu này giống như đi nghỉ dưỡng chứ cách ly gì", ông Minh cười nói.
Ông Minh được xác định là F0 từ ba ngày trước khi được chuyển đến khu cách ly. Ba ngày tự cách ly ở nhà ông lo lắng suy nghĩ đủ điều, chỉ mong sớm được đưa đi bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, qua thăm khám và khai thác bệnh sử, ông không có bệnh nền, không có triệu chứng nặng nên không cần vào bệnh viện, mà được chuyển đến khu cách ly tập trung. "Ban đầu tôi cứ nghĩ F0 thì phải vào bệnh viện phải nằm chung với những người bệnh nặng nên cũng lo lắm. Giờ vào đây thấy sạch sẽ, thoáng đãng, mọi thứ được chuẩn bị sẵn, kể cả kem đánh răng, xà bông tắm… tự nhiên thấy tinh thần thoải mái, an tâm hơn rất nhiều", ông Minh chia sẻ.
Cũng như ông Minh, chị Thảo (21 tuổi) được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 từ ngày 26/7, bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR, chị được cách ly tạm thời tại trung tâm cách ly của quận Tân Phú. Điều kiện cách ly ở đó khá chật hẹp, oi bức khiến chị không khỏi lo lắng cho 14 ngày cách ly tiếp theo. Thế nhưng, khi được chuyển đến khu cách ly mới này, thấy yên tâm hơn khi được sắp xếp chỗ ở thông thoáng, đầy đủ tiện nghi. "Ở đây thoải mái lắm, không gian thoáng đãng, trong lành, hành lang rộng lại có các thiết bị tập thể dục. Cơm nước ngày ba bữa được các anh chị điều dưỡng và dân quân đem đến tận phòng", chị Thảo chia sẻ.
Nỗ lực để F0 thoải mái
Trái ngược với cảm giác lo lắng ban đầu, sau khi vào trung tâm cách ly tại trường THPT Lê Trọng Tấn, các F0 đã được giải tỏa tâm lý, hài lòng với phòng ốc rộng rãi, mát mẻ, đồ dùng cá nhân được cấp phát đầy đủ và được quan tâm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ.
Để có được sự hài lòng của các F0, đội ngũ nhân viên y tế, dân quân, dân phòng các tình nguyện viên đã nỗ lực hết sức vừa thiết kế vừa cải tạo phòng ốc, chuẩn bị trang thiết bị hạ tầng, vật tư y tế cũng như kêu gọi tài trợ từng phần cơm, gói bánh đến những chiếc máy tập thể dục. Xắn tay áo hỗ trợ vận chuyển 10 bình ôxy vào khu vực cấp cứu để chuẩn bị sẵn cho tình huống có trường hợp F0 trở nặng, cần can thiệp, bác sĩ Lương Văn Sinh, Phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú cho hay, trung tâm cách ly có quy mô ban đầu 600 giường và có thể mở rộng thêm khi lượng F0 tăng cao.
Lực lượng nhân viên y tế tại đây chủ yếu được điều động từ Bệnh viện quận Tân Phú và được tập huấn kỹ lưỡng về các biện pháp phòng dịch, chống bội nhiễm. Ngoài việc chăm sóc về y tế, Ban quản lý khu cách ly chú trọng đến việc quan tâm chăm sóc về tinh thần, dinh dưỡng và thiết bị tập thể dục cho F0 cũng được quan tâm đặc biệt để tạo tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực cho người dân cách ly tại đây. "Chúng tôi cố gắng kêu gọi các Mạnh thường quân ủng hộ các thiết bị tập thể dục thể thao để trang bị tại các khu vực rộng rãi, thoáng mát cho F0 tập luyện mỗi ngày", bác sĩ Sinh cho hay.
Do lực lượng mỏng nên các bác sĩ, điều dưỡng cùng tình nguyện viên làm mọi việc có thể, từ dọn phòng ốc, khiêng bàn ghế, di chuyển để sắp xếp vị trí làm việc, khoan tường gắn thiết bị hỗ trợ… Tại đây, mỗi ekip chỉ có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng nhưng chăm sóc từ 50 đến 100 F0. Dù mệt mỏi nhưng ai cũng vui vẻ, làm việc hết mình để bệnh nhân được thoải mái. "Chúng tôi cố gắng làm hết sức để chăm sóc những F0 nhẹ, trung bình, không triệu chứng để họ không diễn tiến nặng, giảm tải cho các khu điều trị tuyến trên", bác sĩ Trần Thị Kim Oanh, Bệnh viện quận Tân Phú nói.
"Lâu nay nghe nói đi cách ly tập trung là ghê lắm, thiếu thốn đủ bề. Vậy mà vào đây cái gì cũng có, từ bình nước nóng đến máy lọc nước, máy tập thể dục. Kiểu này giống như đi nghỉ dưỡng chứ cách ly gì". Ông Vũ Tuấn Minh |
Trước khi đến nhận nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung, bác sĩ Kim Oanh cũng từng tham gia nhiệm vụ tại khu cách ly của Bệnh viện quận Tân Phú nên chị có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống lây nhiễm. Đến đây, dù gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất, việc trang bị phòng ốc làm việc còn hạn chế nhưng bác sĩ Oanh cùng các đồng nghiệp tự khắc phục để đảm bảo được sự an toàn cho nhân viên y tế cũng như những người đang cách ly. "Lúc mới nhận nhiệm vụ cả đêm tôi không ngủ được vì không biết mình có làm tốt công việc hay không, có chăm sóc được các F0 tại đây hay không. Tuy nhiên, khi vào việc mọi nỗi lo để sang một bên, cố gắng hết sức để người dân cách ly có được cảm giác an toàn, thoải mái sớm trở về cùng với gia đình", bác sĩ Kim Oanh chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
“Alo, Alo… điều trị ơi, nghe rõ không, bây giờ chưa có chỗ nào nhận bệnh đâu nên tụi em cố gắng cho bệnh nhân thở...