Ở nơi biên giới chia đôi… chiếc bàn làm việc

Nơi bí ẩn nhất của Bàn Môn Điếm chính là 3 ngôi nhà cấp 4, lợp mái tôn và được sơn toàn màu xanh, biểu tượng của hòa bình. Cả 3 ngôi nhà nằm xếp hàng song song, mỗi ngôi nhà cách nhau khoảng 4m, một nửa của mỗi ngôi nhà nằm trên lãnh thổ Triều Tiên, còn nửa kia nằm trên đất Hàn Quốc.

Sau 3 tháng đăng ký, chờ đợi với nhiều lần trì hoãn, cuối cùng tôi nhận được sự trợ giúp của lực lượng Liên Hợp Quốc (LHQ) để đến Bàn Môn Điếm cánh cửa duy nhất mở ra giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang vào những ngày cuối tháng 11/2013.

 

Ở nơi biên giới chia đôi… chiếc bàn làm việc - 1

Hai lính Triều Tiên ngó vào ngôi nhà, nơi chúng tôi được phép vào trong đặt chân vào lãnh thổ Triều Tiên. Phía xa là một sĩ quan Triều Tiên khác đang dùng ống nhòm quan sát chúng tôi và xa hơn là khách du lịch nước ngoài.

Giáp mặt lính Triều Tiên

Cũng như các địa điểm khác trong Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên từ năm 1953, Bàn Môn Điếm thực ra vẫn được cả hai bên mở cửa, nhưng nơi đây khác biệt ở chỗ chỉ dành cho du khách nước ngoài, cấm cửa người Hàn Quốc và Triều Tiên kèm theo những điều kiện hết sức ngặt nghèo về trang phục, lời ăn tiếng nói, cử chỉ và phải ký bản cam kết tự chịu trách nhiệm nếu chẳng may thương vong. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của LHQ, chúng tôi được miễn các thủ tục, được chụp ảnh quay phim thoải mái hơn, được xe của quân đội Mỹ dẫn đường, được sĩ quan quân đội Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn, cung cấp các thông tin chính thức và đặc biệt là được đảm bảo an toàn.

Buổi sáng ngay trước ngày Triều Tiên đe dọa sẽ nhấn chìm Phủ Tổng thống Hàn Quốc trong biển lửa, một “người đàn ông bí ẩn” đón chúng tôi từ khu DMZ, cách Bàn Môn Điếm khoảng 8 km để đi tới một căn cứ quân sự nằm trong khu an ninh chung (JSA) do LHQ chỉ huy. Gọi là “người đàn ông bí ẩn” vì ông không cho biết danh tính, mặc thường phục, nhưng mọi lời nói của ông đều được các binh lính tuân thủ. Ngay cạnh căn cứ quân sự là khu nhà 3 tầng làm nơi đón tiếp khách nước ngoài trước khi tới Bàn Môn Điếm. Tại ngôi nhà này khách du lịch phải chuyển sang xe khách do lính Hàn Quốc trực tiếp cầm lái và chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Sĩ quan Park Kent Ryun nhắc không được nói chuyện và có những cử chỉ lạ với những binh lính Triều Tiên đứng rất gần chúng tôi, đặc biệt tuyệt đối không được bước qua đường biên giới chỉ cách một bước chân. Mặc dù những năm gần đây không xảy ra sự cố “xâm nhập lãnh thổ” tại khu vực Bàn Môn Điếm, nhưng anh Park cho biết nếu liều lĩnh bước qua thì không biết điều gì xảy ra, ít nhất sẽ bị giữ lại và thẩm vấn.

Từ căn cứ quân sự, nơi có một sân bay dã chiến cùng nhiều xe tăng, xe của quân đội Mỹ dẫn đường đưa chúng tôi tới sát đường biên giới Hàn - Triều với tốc độ cho phép dưới 20 km/h, nhiều nơi quy định dưới 10km/h. Anh Park Kent Ryun, sĩ quan trẻ của quân đội Hàn Quốc, chịu trách nhiệm dẫn chúng tôi tới Bàn Môn Điếm, cho biết đây là khu vực nguy hiểm nhất trong DMZ, từng có lính Mỹ và khách du lịch bị bắn chết bởi binh lính Triều Tiên nên các nhà báo cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ dẫn. Là sĩ quan của quân đội Hàn Quốc, nhưng khi cung cấp bất kỳ thông tin gì anh Park cũng kèm theo câu “dưới sự giám sát của LHQ” nhằm tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ phía Triều Tiên. Cũng theo anh Park, tại khu vực an ninh chung sát Bàn Môn Điếm về phía lãnh thổ Hàn Quốc có khoảng 1.200 binh lính (600 của Hàn Quốc, còn lại của LHQ với lực lượng chủ yếu là quân đội Mỹ).

Đi chừng dăm kilômét trong DMZ, nơi các đoàn xe tăng vẫn rầm rập chạy qua, chúng tôi tới Bàn Môn Điếm. Nơi bí ẩn nhất của Bàn Môn Điếm chính là 3 ngôi nhà cấp 4, lợp mái tôn và được sơn toàn màu xanh, biểu tượng của hòa bình. Cả 3 ngôi nhà nằm xếp hàng song song, mỗi ngôi nhà cách nhau khoảng 4m, một nửa của mỗi ngôi nhà nằm trên lãnh thổ Triều Tiên, còn nửa kia nằm trên đất Hàn Quốc.

 

Ở nơi biên giới chia đôi… chiếc bàn làm việc - 2

Xe tăng của lực lượng Liên Hợp Quốc ngay gần Bàn Môn Điếm.

Một dải đất trống nằm giữa hai tòa nhà cấp 4 tạo ra một lối đi trông khá rộng rãi và thoải mái nối liền 2 tòa nhà lớn 3 tầng của cả hai bên. Khác với thông tin mà báo chí từng miêu tả, hôm nay binh lính Hàn - Triều không mặt đối mặt tại đường biên giới được phân định bằng một dải bê tông nhỏ và dày khoảng 10 cm nổi lên trên dải đất trống giữa hai tòa nhà cấp 4 mà bất kỳ ai cũng có thể bước qua. Nơi đây không có những hàng dây thép gai hầm hố như khắp chiều dài biên giới Hàn - Triều. Phía Nam đường biên giới, 3 lính Hàn Quốc lực lưỡng, trang bị vũ khí tận răng, đeo kính đen đứng nghiêm trang cách đường biên giới 2m, nhìn sang phía bắc.

Thông thường vào mọi thời điểm, lính Triều Tiên ở phía bắc đường biên giới cũng sẽ làm điều tương tự, nhưng nhìn về phía nam, đối mặt với lính Hàn Quốc. Tuy nhiên, không hiểu sao trong khoảng thời gian hơn 30 phút chúng tôi lưu lại thì điều này không diễn ra.

Khi thấy có đông người đến từ phía Nam, lập tức một nhóm binh lính Triều Tiên tiến hành duyệt binh, diễu qua diễu lại sát đường biên. Trong khi đó, một sĩ quan quân đội Triều Tiên khác cũng đang dẫn một nhóm nhỏ chừng 4-5 du khách nước ngoài tới thăm Bàn Môn Điếm từ phía Bắc. Theo sĩ quan Park, Triều Tiên cũng mở cửa cho khách du lịch nước ngoài tới Bàn Môn Điếm, nhưng lượng khách rất hạn chế chỉ khoảng 40 - 50 người mỗi ngày; trong khi phía Hàn Quốc cho phép khoảng 500 khách tới đây hằng ngày, trừ những thời điểm bị cấm do tình hình căng thẳng.

Thấy các nhà báo đồng loạt giơ máy ảnh lên, lập tức một sĩ quan Triều Tiên cũng giương ống nhòm về phía chúng tôi quan sát khá lâu và cũng chụp ảnh. Sĩ quan Park Kent Ryun nhắc không được nói chuyện và có những cử chỉ lạ với những binh lính Triều Tiên đứng rất gần chúng tôi, đặc biệt tuyệt đối không được bước qua đường biên giới chỉ cách một bước chân. Mặc dù những năm gần đây không xảy ra sự cố “xâm nhập lãnh thổ” tại khu vực Bàn Môn Điếm, nhưng anh Park cho biết nếu liều lĩnh bước qua thì không biết điều gì xảy ra, ít nhất sẽ bị giữ lại và thẩm vấn.

Biên giới chia đôi… chiếc bàn làm việc

Anh Park cho biết, 3 ngôi nhà màu xanh này là nơi diễn ra các cuộc đoàn tụ hiếm hoi của các gia đình bị chia cắt giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Mỗi cuộc gặp như vậy mỗi bên thường có khoảng 50 gia đình với khoảng 200 người và luôn đầy nước mắt. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm nay chưa có cuộc gặp nào diễn ra do căng thẳng trong quan hệ Hàn - Triều. Cuộc gặp gần đây nhất dự kiến diễn ra dịp Trung thu, nhưng đã bị hủy bỏ do quan hệ hai bên tiếp tục căng thẳng và với tình hình này chưa biết đến bao giờ mới có thể diễn ra.

Ở nơi biên giới chia đôi… chiếc bàn làm việc - 3

Chiếc bàn đặc biệt phân chia lãnh thổ Triều - Hàn trong căn phòng thường diễn ra cuộc gặp giữa hai bên

Sau ít phút ngắm nhìn binh lính Triều Tiên và chụp ảnh bên ngoài, chúng tôi được phép vào trong ngôi nhà màu xanh nằm giữa, nơi duy nhất diễn ra cuộc gặp các cấp giữa sĩ quan quân đội và quan chức các cấp Hàn - Triều trong những năm qua. Các sự kiện mang tính lịch sử trong quan hệ liên Triều đều diễn ra trong ngôi nhà này.

Cũng như 2 ngôi nhà kia, ngôi nhà mà chúng tôi vào dài chừng 20m, rộng khoảng 5m, không chia phòng và 2 bên có rất nhiều cửa sổ. Ở giữa ngôi nhà là chiếc bàn gỗ dài chừng 3m và việc phân định lãnh thổ Hàn - Triều được thể hiện ngay trên mặt bàn theo chiều dọc .

Phía Bắc và phía Nam chiếc bàn mang sứ mệnh đặc biệt này được sắp sẵn 4 chiếc ghế gỗ mỗi bên dành cho các sĩ quan quân đội Hàn Quốc – Triều Tiên ngồi để “giao ban” tình hình mỗi tuần dưới sự giám sát của LHQ. Tuy nhiên, sĩ quan Park cho biết không nhà báo nào được dự những cuộc giao ban kỳ lạ này và nội dung của nó anh cũng không được phép tiết lộ.

Theo thông lệ, phần lãnh thổ phía Nam và phía Bắc trong ngôi nhà đặc biệt này đều có binh lính Hàn - Triều đứng gác, nhưng theo anh Park tùy tình hình cũng có lúc thay đổi. Ví như vào thời điểm chúng tôi vào bên trong chỉ có lính Hàn Quốc, còn lính Triều Tiên vừa ra khỏi phòng. Sĩ quan Park cảnh báo các nhà báo cũng không được phép vượt qua phần lãnh thổ Triều Tiên trong ngôi nhà, không được đứng sang phía bên kia bàn dù không có binh lính Triều Tiên đứng gác. Tuy nhiên, với sự cho phép của “người đàn ông bí ẩn” đã nói ở trên, chúng tôi được đặc cách bước vào lãnh thổ Triều Tiên với đầy sự dè dặt và lo âu.

Ngay khi chúng tôi đặt chân sang phần đất Triều Tiên, có 2 sĩ quan của quân đội Triều Tiên từ bên ngoài đi đến gần cửa sổ ngó vào với vẻ mặt khá nghiêm nghị. Việc chụp ảnh, dạo bước trên phần lãnh thổ Triều Tiên trong căn nhà đặc biệt này chỉ diễn ra trong dăm phút, nhưng mang tới cho chúng tôi cảm giác thật đặc biệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Đường (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN