Ô nhiễm mù trời, người dân nên ở trong nhà
Đợt không khí mới kết hợp với sương mù khiến bầu trời Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc cũng như Bắc Trung Bộ âm u, ngột ngạt, mọi người được khuyến cáo nên ở trong nhà thay vì ra ngoài.
Hà Nội lại bước vào đợt ô nhiễm không khí mới, dự báo kéo dài.
Hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí có xu thế xấu đi từ hôm qua. Đến hôm nay, chất lượng không khí tiếp tục xấu với toàn bộ các điểm đo ở ngưỡng xấu (chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-200, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). Trong sáng nay, nhiều điểm đo đã xấp xỉ ngưỡng rất xấu như điểm đo tại 57 Trần Hưng Đạo, điểm đo Công an phường Hàng Mã, điểm đo Phạm Văn Đồng.
Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận ô nhiễm không khí lên ngưỡng xấu ở đồng thời hai thành phố lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội. Trang thông tin này dự báo chất lượng không khí Hà Nội sẽ còn ở ngưỡng xấu và rất xấu trong nhiều ngày tới, trong khi TPHCM cũng duy trì chất lượng không khí ở ngưỡng kém trong nhiều ngày.
Hệ thống quan trắc của PAM Air với mạng lưới phủ dày cả nước ghi nhận ô nhiễm không khí tại các vùng gồm thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Bắc Trung Bộ và TPHCM. Đáng lưu ý, những nơi ô nhiễm nhất lại không phải thủ đô Hà Nội mà ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ - những tỉnh có nhiều nhà máy, khu công nghiệp cũ.
PAM Air ghi nhận ô nhiễm ở Hà Nội ở ngưỡng xấu, rất xấu với một số điểm đo có chỉ số AQI lên đến trên 200. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Phú Thọ các điểm đo phổ biến ở ngưỡng rất xấu đến nguy hại (nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người).
Các chuyên gia nhận định với điều kiện thời tiết như trên, ô nhiễm không khí có thể kéo dài nhiều ngày tới. Người dân cần hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, tham gia giao thông, trường hợp phải ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn, đóng cửa chính và cửa ra vào. Những người mắc bệnh về hô hấp, tim mạch, trẻ em và người già nên ở trong nhà.
Người dân cũng có thể tham gia giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng việc không đốt than tổ ong, đốt rác, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp. Không vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Hạn chế việc đốt hương, vàng mã trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Hưởng ứng Chương trình trồng cây xanh. Tham gia lưu thông bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Đặc biệt, cơ quan chức năng Hà Nội khuyến khích người dân tham gia cung cấp video, hình ảnh các phương tiện chở quá tải, không che chắn gây phát tán bụi, phế thải tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm theo quy định.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời điểm không khí lạnh suy yếu thường xuất hiện hiện tượng thời tiết nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không khuếch tán được mà đọng lại ở bề mặt, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, đơn vị này đang phối hợp cùng Tổng cục Môi trường nâng cấp, tích hợp hệ thống quan trắc khí tượng để xác định ô nhiễm không khí. Cùng với đó sẽ tiến hành kiểm kê các nguồn thải, xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến ô nhiễm không khí. Trên cơ sở đó có thể kết hợp với các mô hình tính toán, tiến hành cảnh báo chất lượng không khí trong các bản tin thời tiết hàng ngày.
Từ sáng 14/1, hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận tất cả các điểm quan trắc đều lên...
Nguồn: [Link nguồn]