Ô nhiễm không khí vượt ngưỡng, Hà Nội sẽ phun nước rửa đường trở lại
Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ phun nước rửa đường trở lại nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời triển khai nhiều giải pháp khác để cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Sẽ phun nước rửa đường
Theo Đại diện Sở TN&MT Hà Nội, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề cấp bách. Các kết quả quan trắc cho thấy, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn, xuất hiện trên toàn thành phố, trong đó khu vực nội thành ô nhiễm nghiêm trọng hơn ngoại thành.
Bụi đường là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Theo kết quả nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và Mô hình hoá môi trường thực hiện, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của thành phố trong giai đoạn 2017-2020 đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gần 2 lần và vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Riêng với NO2 và O3, ô nhiễm cục bộ đã xuất hiện tại một số thời điểm.
Theo ông Kim Văn Chinh, Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường, với sự gia tăng nồng độ bụi PM2,5, mỗi năm Hà Nội có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp. Ước tính thiệt hại do ô nhiễm không khí ở Hà Nội khoảng 2.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2011-2015. |
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường, tỷ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi mịn PM2,5 tại 11 điểm trên địa bàn thủ đô tuỳ vào từng thời điểm là khác nhau. Trong đó nguồn thải từ giao thông chiếm khoảng 58-74%, từ công nghiệp 14-23%, từ nông nghiệp 3,4-18,9%, còn lại đến từ các hoạt động dân sinh và đốt rác. Nghiên cứu cũng chỉ ra, gần 50% bụi PM2,5 đến từ nguồn bên ngoài thành phố.
Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, dân số Thủ đô đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%.
Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ôtô, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu. Tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên.
“Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí’, bà Chi nói. Thành phố đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững.
Tập trung giảm thiểu nguồn giao thông
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Một trong những mục tiêu quan trọng của Kế hoạch là tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2,5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn PM2.5.
Theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, xác định giao thông là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí, thành phố sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn này. Một số giải pháp cụ thể như tiếp tục triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”. Xây dựng kế hoạch phát triển giao thông công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh, phát triển giao thông phi cơ giới, có biện pháp nhằm thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng các cơ chế, chính sách về kiểm định, kiểm soát khí thải từ phương tiện cơ giới đang lưu hành, đặc biệt là xe máy.
Ngoài ra, theo Sở TN&MT Hà Nội, thành phố sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính của các khu vực nội thị, đông dân cư để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, qua nghiên cứu cho thấy, bụi đường là một nguồn gây ô nhiễm không khí lớn ở Hà Nội. Vì vậy, việc khôi phục hoạt động rửa đường là rất quan trọng.
Theo ông Kim Văn Chinh (Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường, cùng với các giải pháp kiểm soát các nguồn thải, cần có cơ chế phối hợp giữa Hà Nội và các địa phương lân cận để giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm từ bên ngoài thành phố.
Nguồn: [Link nguồn]
Rác đốt khắp nơi, khói bốc từng cột cao. Trong rác có cả cỏ, cây tươi và quần áo cũ. Ngoài ra, bao quanh là các công trình xây dựng vương vãi đầy cát, bốc lên không trung khi xe cộ chạy qua. Đó là cảnh tượng tại khu vực quanh Học viện Nông nghiệp – khu vực có các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí đánh giá AQI (chỉ số chất lượng không khí) lên tới 404 đơn vị, mức “nguy hiểm” nhất Hà Nội những ngày qua.