Ô nhiễm không khí ở miền Bắc có thể kéo dài
Các tỉnh miền Bắc đang bước vào một đợt ô nhiễm không khí, dự báo kéo dài nhiều ngày tới do điều kiện khí tượng không thuận lợi.
Ô nhiễm không khí diễn ra vào đêm và sáng trong những ngày tới - Ảnh: Như Ý
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí các tỉnh miền Bắc nước ta có dấu hiệu suy giảm từ mấy ngày qua. Ô nhiễm không khí thay đổi theo giờ trong ngày. Thời gian ô nhiễm nhất thường tập trung vào đêm và sáng sớm với nhiều điểm đo ở ngưỡng đỏ (chỉ số AQI từ 150 trở lại - mức ô nhiễm có hại cho sức khỏe mọi người), cá biệt một số điểm đo có thể lên ngưỡng tím (chỉ số AQI từ 200 trở lên - ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người). Vào trưa chiều, khi nắng mạnh, chất lượng không khí ở Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc được cải thiện, chỉ còn ở ngưỡng trung bình (chỉ số AQI từ 50-100 và ngưỡng kém với chỉ số AQI từ 100-150 - bắt đầu ảnh hưởng đến nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).
Theo nhận định của nhóm chuyên gia PAM Air, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ kéo dài nhiều ngày tới với quy luật ô nhiễm nghiêm trọng vào đêm và sáng, trưa chiều được cải thiện.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng xấu (ngưỡng đỏ - có hại cho sức khỏe mọi người), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời. Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2.5; vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường; tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc lá.
Bên cạnh đó, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Riêng với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch, cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn.
Theo đại diện Tổng cục Môi trường, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, tình trạng ô nhiễm không khí có dấu hiệu được cải thiện, số ngày ô nhiễm không khí cũng như mức độ ô nhiễm không khí từ đầu mùa đông đến nay giảm đáng kể. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khuyến cáo, mùa đông là thời điểm ô nhiễm không khí nặng nhất trong năm, các thông số ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 sẽ có xu hướng gia tăng. Các đợt ô nhiễm không khí nặng có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Vì vậy, các cơ quan quản lý môi trường cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí. Chính quyền thành phố Hà Nội và các thành phố lớn ở khu vực phía Bắc cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí như hạn chế đốt than, củi, rơm rạ; tăng cường tưới cây và rửa đường tại các trục đường có mật độ giao thông lớn... Người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để có biện pháp phù hợp trong những ngày chất lượng không khí xấu đi.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng loạt điểm đo chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội ghi nhận mức đỏ, tím - tức rất nguy hại cho sức khỏe...