Ô nhiễm không khí kinh hoàng khắp Bắc Bộ vào sáng và tối
Hai ngày qua, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng lại xuất hiện vào buổi sáng và buổi tối ở khắp các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Đợt ô nhiễm này còn nghiêm trọng hơn đợt ô nhiễm xảy ra vào tuần trước.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng khắp đồng bằng Bắc Bộ vào sáng và chiều tối.
Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc PAMAir, vào buổi sáng và buổi tối mấy ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các huyện ngoại hành Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nhiều nơi xấp xỉ ngưỡng xấu, tất cả mọi người nên hạn chế ra ngoài.
Ô nhiễm không khí thường lên cao vào buổi sáng, bắt đầu từ sáng sớm, kéo dài gần đến trưa. Sáng qua, ô nhiễm kéo dài từ sáng sớm, đến trưa chiều được cải thiện, vào buổi tối ô nhiễm không khí lại xuất hiện với chỉ số AQI các điểm đo khắp đồng bằng Bắc Bộ và huyện ngoại thành Hà Nội thường xuyên trên 150.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào lúc 7h00 sáng nay tại Miền Bắc.
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, AQI từ 100-200 thuộc nhóm kém, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Theo bảng phân cấp AQI của Mỹ, chỉ số AQI từ 150-200, mọi người có thể bắt gặp một số vấn đề về sức khỏe, người nhạy cảm có thể gặp tác động nghiêm trọng hơn. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, AQI trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Đáng chú ý, một số điểm đo, có những thời điểm chất lượng không khí lên xấp xỉ ngưỡng xấu như điểm đo ở thành phố Nam Định vào 7h20 sáng qua, AQI lên tới 196, xấp xỉ ngưỡng xấu (AQI bằng 200). Với ngưỡng này, nhóm nhạy cảm như bệnh nhân hô hấp, tim mạch tránh ra ngoài, những người khác nên hạn chế ra ngoài. Sáng nay, điểm đo này ở ngưỡng AQI 153.
Các huyện ngoại thành Hà Nội, ô nhiễm nghiêm trọng hơn nội thành với hầu hết thời gian buổi sáng và tối, chỉ số AQI lên trên 150, đặc biệt là điểm đo ở Minh Trí, Sóc Sơn và Phú Đông, Ba Vì. Sáng nay, hàng chục điểm đo ở Hà Nội cho ngưỡng AQI lên trên 150, một số ít điểm trong nội thành có chỉ số AQI từ 120-150.
Một số điểm đo ở Bắc Trung Bộ có thời điểm còn ô nhiễm hơn, chẳng hạn như vào 20h tối qua, điểm đo ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) ô nhiễm không khí còn lên tới AQI 227, mức ô nhiễm xấu, rất ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Trong khi điểm đo này thường có chất lượng không khí khá tốt.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nếu như đợt ô nhiễm không khí tuần trước là do nghịch nhiệt (một hiện tượng khí tượng) khiến không khí không khuếch tán được thì lần này, ô nhiễm do đốt rơm rạ. Vì lý do này nên các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và vùng ven đô Hà Nội ô nhiễm hơn cả nội thành. Ô nhiễm cũng chủ yếu xảy ra từ sáng sớm đến trưa và từ chiều tối đến tối, phù hợp với thời điểm bà con thường đốt rơm rạ.
Các nghiên cứu trong nước và quốc tế chỉ ra, đốt rơm rạ dẫn đến phát thải một lượng lớn bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người ((Một micromet có kích thước bằng một phần triệu mét –PV). Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nito và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Loại bụi kích thước siêu nhỏ, này có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Đây được coi là sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí.
Đốt rơm rạ được coi là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng những ngày này ở Bắc Bộ.
Các tài liệu khoa học ghi nhận, khi PM2.5 xâm nhập thường xuyên vào cơ thể sẽ gây nên các bệnh về phổi, tim mạch, khiến người bệnh tim mạch hoặc phổi có nguy cơ tử vong sớm. Tổ chức Ủy ban Lancet về Ô nhiễm và Sức khỏe công bố báo cáo cho thấy, ô nhiễm không khí làm 6,5 triệu người chết vào năm 2015, con số này gấp 3 lần số người chết do ô nhiễm nước.
Đáng nói, lượng bụi này không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà còn theo gió phát tán ra một vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí, nhất là khu vực đô thị.
Các nghiên cứu quốc tế và trong nước chỉ ra, đốt rơm rạ là quá trình đốt không kiểm soát, sản phẩm chủ yếu là chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ đốt không hết có thể tạo ra hợp chất anđêhit và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM là do cháy rừng từ Indonesia.