Ở ngôi làng làm ra những bức tranh… nửa tỉ

Sự kiện: Thời sự

Trong những nghề làm tranh dân gian truyền thống, thì nghệ thuật tranh khảm trai ở Chuôn Ngọ, Chuyên Mỹ, Hà Nội thuộc vào loại sớm nhất ở nước ta. Khi thành Thăng Long hình thành 36 phố nghề, thợ làm tranh khảm trai ở làng ùn ùn kéo nhau ra dựng lên phố Hàng Khay ven hồ Hoàn Kiếm.

Gốc tích vẫn còn đó. Phố xưa hiện lên lung linh ánh sắc mà thiên nhiên ban tặng cho làng nghề làm nên nét văn hóa thủ đô ngàn năm...

Cổ tích từ bông sen

Khi tiếp xúc với ông Nguyễn Đình Khải, năm nay đã gần 80 tuổi, người trông coi đền tổ nghề của làng Chuôn Ngọ, tôi được nghe một câu chuyện thật kỳ lạ về sự ra đời của ông tổ nghề Trương Công Thành từ một bông sen. Chuyện kể rằng hai vợ chồng nọ trong làng đã đứng tuổi, đi cầu tự nhiều đền chùa mãi chưa được mụn con.

Nhưng bất ngờ năm ấy, làng vào mùa bội thu, hoa lá xanh tươi, nhà nhà no ấm. Một hôm đi lễ về bỗng người mẹ thấy lòng thơi thới khác thường. Đêm trăng mơ màng cùng âm thanh sóng nước sông Nhuệ như ru bà chìm vào giấc mơ kỳ lạ. Một con rồng trắng hiện về đậu trên nóc nhà. Nó giương vây lượn mấy vòng rồi biến thành một bông sen tỏa hương thơm ngào ngạt.

Bông sen hồng rơi vào tay bà như một món quà của ông trời ban cho. Bà ôm bông sen ngủ một giấc ngon lành. Từ đó bà có thai và sinh ra một cậu bé, với nước da trắng hồng, thoang thoảng hương sen. Cậu bé được đặt tên là Trương Công Thành.

Ở ngôi làng làm ra những bức tranh… nửa tỉ - 1

Hình ảnh khảm trai xưa ở Thăng Long.

Quả nhiên, cậu bé Trương Công Thành khỏe mạnh, thông minh, xuất sắc khác người. Học giỏi và chí lớn. Mới mười bảy tuổi, Trương Công Thành đã thi đỗ Thái học sinh, rồi được bổ làm quan Tướng công Phù Quảng Bá. Sau đó chàng trai còn được Thừa tướng Lý Đạo Thành gả con gái cho.

Khi quân Tống sang xâm lược nước ta, Trương Công Thành được vua nhà Lý phong chức Tây đạo tướng quân, Tham tán phó soái cùng Nguyên soái Lý Thường Kiệt dẫn đại quân lên phía Bắc đánh chặn giặc Tống. Sau này chính Trương Công Thành còn dẫn quân xuống phía Nam đánh tan nạn giặc Chiêm quấy nhiễu bờ cõi nước ta.

Ngỡ như với nhiều công trạng, Trương Công Thành được vua ban cho nhiều bổng lộc chức tước cao sang quyền quý, hưởng phúc cả đời, nhưng ông lại xin vua cho về quê vui thú điền viên và dựng chùa đi tu. Dân làng quanh vùng tôn ông là “Huyền chân bồ tát”, tỏ rõ sự trọng vọng với người con của làng đã có công lớn đối với dân tộc, nhưng đã không màng danh vọng, quyền lực.

Tình cờ trong lần tiêu dao sơn thủy, Trương Công Thành phát hiện ra dưới đầm sen có một vỏ trai nằm nép dưới chân cụm hoa sen tàn ánh lên một sắc hồng sáng láng dưới tia nắng mặt trời. Ông tò mò nhặt lên rồi lấy khăn lau sạch. Càng lau, những màu sắc của vỏ trai càng thêm rực rỡ.

Ông bèn tìm thêm những mảnh vỏ trai khác, cầm về cắt nhỏ gắn theo những chữ trên hoành phi câu đối rồi mài cho phẳng. Ai ngờ càng mài những mảnh trai càng lộ rõ những màu hoa văn bừng lên tạo ra cảnh bảy sắc cầu vồng đầy kỳ thú. Nhất là hình bông hoa sen toát lên từ bàn tay ông một màu trắng thanh tao dịu dàng. Vậy là từ trò chơi con chữ, ông nghĩ sao không tạo nên những bức khảm tranh dân gian, đem lại niềm vui cho mọi người. Chính đó là những tác phẩm chạm khảm trai đầu tiên ở làng Chuôn Ngọ.

Vị “Huyền chân bồ tát” đã truyền lại những công việc làm tranh khảm trai cho làng, trước khi tạ thế (năm 1099). Từ đó về sau dân làng biết cách mài vỏ trai khảm chữ, khảm tranh trên mặt gỗ. Một nghề mới ra đời. Mọi người bắt đầu làm hàng mỹ nghệ bán ra chợ. Đại sư Trương Công Thành được tôn vinh là tổ nghề khảm trai của làng.

Cũng từ đó hàng ngàn bức tranh hoa sen ra đời. Đó là phong vị thiên nhiên kỳ ảo nhất cùng với hàng trăm tác phẩm khảm trai, ốc, với nhiều tích cổ được truyền lại trong dân gian. Hiện trong làng, nhiều gia đình còn giữ được nhiều bức khảm trai mẫu cổ, mô tả những câu chuyện có ý nghĩa thâm thúy.

Thị trường phố chợ

Sau đó, ông Khải dẫn tôi về xưởng khảm ốc của người con trai, anh Nguyễn Duy Hải, một nghệ nhân làm nhiều tranh khảm mẫu khá độc đáo. Hầu hết những bức tranh khảm trai ốc, trong làng đều làm theo tích cổ, được truyền lại hàng trăm năm qua. Anh Hải đưa tôi vào phòng bày hàng mẫu, rồi giới thiệu những câu chuyện trong tranh; nào là “Vinh quy bái tổ”; “Văn vương cầu hiền”; “Mã đáo thành công” hay “Đông bích đồ thư”; “Tam anh chiến Lã Bố”; “Đào viên kết nghĩa”... Hoặc là những bộ tranh tứ quý “Mai-Lan-Cúc-Trúc” hay “Tùng-Cúc-Trúc-Mai”.

Mỗi bức là một câu chuyện cùng với những mảnh ghép trai ốc rực sáng dưới ánh mặt trời. Nghệ nhân Nguyễn Duy Hải say sưa nói về công việc của mình.

Rồi tôi cùng anh xuống xưởng xem bức tranh khảm trai cỡ lớn phủ kín cả bức tường, do một khách hàng đặt, với đề tài “Chợ quê”. Nhưng có lẽ choáng nhất là giá cả sau khi hoàn thành tới 500 triệu đồng. Hỏi vì sao lại đắt thế mới hay, hiện trai ốc nhiều khi phải nhập từ nước ngoài, giá đã rất cao.

Nghệ nhân Hải đưa ngay ra bảng giá đã ghi sẵn với những con số thật bất ngờ. Anh dẫn chứng, một con ốc nhập từ Singapore có cân nặng từ 1,8kg đến 2kg, mua “vo” đã phải 20 triệu đồng. Nhưng khi xẻ cưa, lọc ra chỉ dùng được 2 lạng thành phẩm mà thôi. Nếu tính 1kg thành phẩm vật liệu chuẩn, được chọn lọc sẵn đã đội giá lên tới gần trăm triệu đồng. Vậy khảm ốc bức tranh khổ (0,6 x 0,6)m giá thành đã lên tới 10 triệu đồng, chứ không thể kém.

Anh còn nói, có khách hàng mới mua một tủ chè gỗ trắc, khảm ốc đỏ với giá 200 triệu đồng, trong đó tiền tranh khảm chiếm một nửa giá trị cái tủ. Và cách đây gần 10 năm, nghệ nhân Trần Bá Dinh bỏ tiền ra mua ốc xà cừ để dựng tác phẩm chân dung vua Lý Thái Tổ khảm nổi trên mặt trống đồng cổ Đông Sơn. Phải mất 2 năm mới thành công. Sau khi hoàn tất, tác phẩm này được định giá lên tới 300 triệu đồng...

Giờ không còn chỉ là làng Chuôn Ngọ làm nghề khảm tranh nữa, mà dọc trục đường cả 7 làng trong xã Chuyên Mỹ đều tràn ngập cửa hàng bán đồ khảm trai ốc, đủ các hình loại. Có làng thì tách biệt hẳn, chỉ mua bán vật liệu trai ốc, chuyên cung cấp cho các xưởng làm tranh. Có làng chuyên làm tranh cỡ to. Có làng lại khảm tranh nhỏ hay đồ dân dụng.

Đường làng đã thành phố hàng. Nhà nào cũng bày hàng bán, nào là tranh thư pháp, tranh tích cổ, tranh tứ bình; hoặc các sản phẩm thường dùng trong sinh hoạt như hộp phấn, khay, bình, lọ, hay kể cả những hộp đựng tăm, thuốc lá, các vi dít, dây đeo cổ... Tất cả đều khảm hình ảnh hoa lá, tre trúc, chim muông bằng trai ốc tùy theo sở thích của người tiêu dùng, với giá cả hết sức đa dạng.

Có loại hàng chỉ khảm trai “trơn” thì giá chỉ dao động từ 50 ngàn đến 200 ngàn. Nhưng cũng mặt hàng ấy, nếu khảm ốc màu sắc rực rỡ, ắt khách hàng phải mua giá gấp 10 lần là ít. Người bạn đồng hành cùng tôi đã mua một cái khay khảm đôi công bằng ốc xà cừ 7 màu, với giá 3 triệu đồng. Chủ hàng còn nói đó chỉ là giá gốc sản phẩm chứ không tính lãi. Ngẫm mà thấy giật mình. Chính vì thế khách hàng chơi tranh khảm ốc khổ lớn đều là những đại gia mới dám bỏ tiền ra mua.

Sự phát triển làng nghề trong xã Chuyên Mỹ hơn 30 năm qua khá rầm rộ. Hàng xuất khẩu đi các nước và khắp các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Đến 97% dân trong xã mưu sinh bằng nghề khảm trai ốc. Lực lượng lao động lên tới 5.000 người kể cả những công nhân ở các địa phương đến làm thuê. Số nghệ nhân có tay nghề vững vàng, có tên tuổi trong làng ngày một đông.

Ông Nguyễn Đình Khải cho biết, xưa có các cụ nghệ nhân lừng lẫy trong làng khảm cho triều đình Huế như cụ Văn Phú, Lý Mục, hay Cửu Phú, Nhiêu Minh, Phó Loan. Sau này nổi lên có cụ Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Nhiên, và Trần Bá Chuyển. Cái tài của các nghệ nhân là khảm vẽ truyền thần chân dung vua chúa hay các vị quan lại trong triều đình. Khảm vẽ theo tích thì cứ truyền nghề làm mãi cũng thành nhưng khảm vẽ truyền thần mới thể hiện được tài năng thật sự của người thợ tài hoa Chuyên Mỹ.

Mấy chục năm gần đây, nghệ nhân Trần Bá Dinh tiếp nối truyền thống khảm truyền thần, và được coi là người đầu tiên khảm tranh chân dung Bác Hồ. Tác phẩm được Bác Hồ hết sức hài lòng và trân trọng. Chính Người còn trực tiếp cho đặt hàng nghệ nhân Trần Bá Dinh khảm chân dung Chủ tịch Fidelcastro để làm quà tặng nhân chuyến sang thăm Cuba năm 1968. Đó là niềm vinh dự cho làng khảm Chuyên Mỹ.

Ở ngôi làng làm ra những bức tranh… nửa tỉ - 2

Nghệ nhân Nguyễn Duy Hải và bức tranh khảm chân dung Bác Hồ.

Tiếp nối sau này, một số học trò giỏi của cụ Dinh cũng học khảm truyền thần chân dung Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Trẻ nhất có nghệ nhân Nguyễn Văn Lãng, sinh năm 1980, người đã giành kỷ lục vào năm 2010, khi khảm chân dung Bác Hồ khổ lớn (1,42 x 1,2m). Với kích thước này, việc khảm chân dung Bác gặp muôn vàn khó khăn về độ chuẩn xác, phải toát lên thần thái của Bác, ung dung tự tại.

Nguyễn Văn Lãng đã thao thức nhiều đêm và mất cả nửa năm trời mới hoàn thành tác phẩm. Liên tiếp, anh còn khảm chân dung Bác vào các chất liệu khác, bức nào cũng sống động, thể hiện được sự hồn hậu và tình cảm bao la của Bác đối với dân tộc. Sau đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Lãng được thành phố chọn đi dự Hội nghệ nhân trẻ ASEAN, để giới thiệu với bạn bè quốc tế về nghề khảm trai truyền thống của quê hương mình.

Cùng với Nguyễn Văn Lãng còn không ít những nghệ nhân trong làng cũng thể hiện tài năng qua những bức khảm chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Tôn Đức Thắng... Đó là những cái tên nổi bật như Nguyễn Đức Biết, Nguyễn Văn Dũng, Trần Bá Năm, Nguyễn Duy Hải, Trần Bá Trúc... Hầu hết họ được tôn vinh là “Bàn tay tài hoa”, giỏi nghề và có nhiều tác phẩm được đánh giá cao.

Đồng sen nở rộ bốn mùa

Nhìn sự hình thành mang tính chuyên nghiệp của làng mới thấy vì sao làng nghề khảm trai lại phát triển nhanh và sầm uất đến như vậy. Ngay trong phân xưởng của gia đình nghệ nhân Nguyễn Duy Hải cũng có sự tổ chức chặt chẽ, khâu nào ra khâu nấy. Bởi ở mỗi bước triển khai, đều đòi hỏi tay nghề cao trong quá trình thi công tác phẩm. Đầu tiên là mẫu vẽ hàng, tiếp đến là việc cưa, cắt các mảnh trai ốc theo hình vẽ.

Riêng khâu khắc chìm nét vẽ theo trên tấm gỗ gụ để khảm (gắn) trai ốc lên, cũng đòi hỏi bàn tay tài hội họa của thợ. Bởi khắc có giỏi mới khớp với hình cưa trai ốc gắn xuống. Đường nét tinh tế. Đôi khi một nét lượn chìm bằng sợi chỉ cũng phải vừa độ cho sợi ốc gắn khít. Đó là công việc hiệu chỉnh tách tỉa tạo nét cho tranh. Sau đó mới đến công đoạn mài sao cho nổi màu và phẳng mặt tranh…

Cứ thế mỗi người mỗi việc. Ai thành thạo và có duyên với nghề ở khâu nào thì làm khâu đó chứ không lẫn lộn được. Một trật tự hồn nhiên nhưng thật khoa học. 

Thanh niên trong xã Chuyên Mỹ đều không đi đâu xa. Họ học khảm, học khắc ngay tại làng, làm giàu bằng chính nghề cha ông truyền lại. Hơn thế nữa, lớp trẻ còn giỏi vận dụng công nghệ thông tin, thiết kế mẫu khảm mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, ngày càng phong phú. Đồng thời từ công việc kinh doanh và phát triển, đã xuất hiện những tỷ phú trẻ và anh hùng lao động của làng như Trần Bá Đình, Trần Bá Đàm, Nguyễn Đình Sáo, Trần Bá Chiến, Nguyễn Phú Huynh...

Hàng chục công ty, xí nghiệp lớn ra đời, tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng ngàn người trong xã. Ngắm những bức tranh khảm về Hà Nội tại nhà trưng bày của nghệ nhân Nguyễn Duy Hải, tôi càng thấy niềm say mê của những người con trong làng. Họ không chỉ chú trọng vào công việc mưu sinh hằng ngày mà còn thả hồn bay bổng, lưu dấu lại nét văn hóa Tràng An của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đây đó là tà áo dài thướt tha của những cô gái bên hồ Gươm. Kia lại là người đàn ông đạp xích lô bươn bả trong làn mưa, cùng với hình ảnh bà già còng lưng gánh hàng đi chơ... Một tâm hồn mơ mộng chan chứa tình đời, từ bàn tay tài hoa của người thợ khảm trai của làng, tạo nên những nét long lanh, huyền diệu. Càng ngắm càng thấy rưng rưng trước những cảnh vật cổ xưa và sự trầm luân của kiếp người...

Bi hài ở làng... “chân dài“

Đình Tràng được gọi là “làng khổng lồ” do có rất nhiều người cao nổi trội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Tử (An ninh thế giới)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN