Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va

Có ra điểm nóng Hoàng Sa mới hiểu, ở đó có những căng thẳng, những hiểm nguy, sự ngạo ngược của Trung Quốc, nhưng cao hơn tất cả là những trái tim quyết tâm giữ gìn chủ quyền Tổ quốc.

Với những phóng viên tác nghiệp trên tàu như chúng tôi, ngày nào cũng thế, với điệp khúc “một ngày 2 lần” tàu Trung Quốc hung hăng cản trở, uy hiếp, bắn pháo nước (vòi rồng). Còn với anh em Cảnh sát biển thì tư thế luôn sẵn sàng. Nhưng giữa những phút sẵn sàng ấy, vẫn có những cuộc nhấp ly trà mạn, câu cá, hàn huyên chuyện gia đình... 

Ở giữa nơi căng thẳng từng giờ từng ngày ấy, không chỉ có giàn khoan, không chỉ có vòi rồng, không chỉ có đâm va mà còn có cuộc sống lạc quan, bình thường, giản dị của Cảnh sát biển.

Trên lối đi của câu lạc bộ thuyền viên, chúng tôi thường ngồi sát bên nhau nghe tiếng vỗ ì ầm, nhìn qua cửa sổ tàu thấy giàn khoan Trung Quốc ở phía xa và nhấp những ngụm nước chè mạn ấm nóng. Những ấm nước chè đi cùng theo những câu chuyện, những dự định trong cuộc sống của mỗi cá nhân nhưng hiện đã bị giàn khoan Trung Quốc phá hỏng.

Trung úy chuyên nghiệp Lưu Hoài Nam, ở Bố Trạch, Quảng Bình, người có cái đầu hói nam tính, nhưng giọng nói thanh mảnh, nhẹ nhàng như con gái. Anh chia sẻ bằng giọng thản nhiên: “Em sinh ra ở Quảng Ninh, giờ lấy vợ sinh sống ở Quảng Bình. Lẽ ra em đang kỳ nghỉ phép 40 ngày nhưng vì Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, em vừa nghỉ được 7 ngày là phải lên đường có mặt tại đơn vị làm nhiệm vụ. Em dự định lần này về làm cái mái hiên phía sau nhà. Nắng mưa làm mục hết cửa và dội nước vào nhà. Nhưng chưa kịp làm thì lệnh gọi lên đường làm nhiệm vụ gấp”.

Là Cảnh sát biển, các anh sẵn sàng gác bỏ những câu chuyện riêng để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Khi chia tay tôi, Trung úy Lưu Hoài Nam viết vào cuốn sổ công tác của tôi những dòng chữ ở tận đáy lòng: “Rất vinh dự cho bản thân là một trong những lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi xin hứa sẽ chiến đấu đến cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va - 1

Trung úy Lưu Hoài Nam (đứng thứ 4 từ trái qua phải) lúc tàu cập bến để sửa chữa (Ảnh: Hồng Chuyên)

Cũng câu chuyện về những dự định chưa thực hiện được, Trung úy Nguyễn Đức Hùng (quê Tiên Lãng, Hải Phòng) cười vui kể: “Em còn vừa mới bắt tàu về đến nhà, trong ngày đã nhận được lệnh trở về đơn vị gấp. Mới chỉ nhìn thấy vợ thôi rồi lại bắt tàu lên đường. Lẽ ra kỳ này em định xây lại cái bếp, bếp đã phá đi rồi nhưng chưa thể xây được”. Lạ lùng, chúng tôi nghe kể về chuyện riêng của mình bị sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép làm hỏng, nhưng không thấy ở đó sự tiếc nuối hay buồn bực. Các anh cứ kể một cách hồn nhiên.

Có lẽ không có bằng chứng nào hùng hồn hơn là được chứng kiến Lễ kết nạp Đảng viên trên tàu CSB 2016, ngay tại vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung úy Nguyễn Đức Hùng là Đảng viên mới được vinh dự kết nạp Đảng ngay tại đây.

Lễ kết nạp Đảng đơn sơ, tàu không chuẩn bị kịp phông nền, cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Chính trị viên tàu, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, đã cắt giấy hình sao vàng, hình búa liềm rồi dùng sơn phết lên và lồng vào khung kính để làm cờ. Hôm đó, Hùng đã tuyên thệ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Lời của Đảng viên mới tuyên thệ mạnh mẽ, quyết liệt khiến những phóng viên như chúng tôi cũng bồi hồi xúc động và chung nhịp đập quyết tâm bảo vệ chủ quyền với những Cảnh sát biển bản lĩnh và dũng cảm hôm nay.

Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va - 2

Đảng viên mới Nguyễn Đức Hùng được vinh dự kết nạp Đảng ngay tại điểm nóng Hoàng Sa

Có ở ngay tại điểm nóng Hoàng Sa hôm nay mới hiểu, mới thấy câu “Tổ quốc là trên hết” có ý nghĩa như thế nào. Mọi niềm riêng, tất cả cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển tàu 2016 đều gác lại và đều vui vẻ không bận tâm để đặt lên trên hết là quyết tâm bảo vệ chủ quyền, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ Cảnh sát biển, của người con đất Việt hôm nay.

Một số hình ảnh không thể nào quên tại thực địa Hoàng Sa:

Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va - 3

Phóng viên chụp ảnh hoàng hôn tại Hoàng Sa (Ảnh: Hồng Chuyên) 

Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va - 4

Ngắm nhìn tàu 8001 của Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh: Hồng Chuyên)

Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va - 5

Không khí trang nghiêm tại buổi lễ kết nạp Đảng ở vùng biển gần Hoàng Sa. Đứng đầu hàng là Thượng úy Quản Đình Dương, thuyền trưởng thuyền CSB 2016 (Ảnh: Hồng Chuyên)

Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va - 6

Hát quốc ca trên biển Hoàng Sa! (Ảnh: Hồng Chuyên)

Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va - 7

Ăn cơm trên boong tàu là niềm vui của nhiều chiến sĩ, đó là khi ít sóng gió, là khi tàu Trung Quốc không nhăm nhe phá hỏng bữa cơm chiều (Ảnh: Hồng Chuyên) 

Ở điểm nóng Hoàng Sa, không chỉ có vòi rồng và đâm va - 8

Chiến sĩ "anh nuôi" chuẩn bị cơm chiều cho anh em chiến sĩ, nhà báo trên tàu CSB 2016 sau khi bị tàu Trung Quốc uy hiếp ngăn cản (Ảnh: Hồng Chuyên)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Chuyên (Infonet.vn)
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN