Nứt cao tốc dài nhất VN: Đã phát hiện trước khi thông xe
Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Bộ GTVT và các ngành chức năng đã phát hiện vết nứt trên đường cao tốc dài nhất Việt Nam trước khi thông xe vào ngày 21/9.
“Không phải sau khi thông xe mới phát hiện vết nứt”
Trả lời câu hỏi phóng viên về vết nứt tại đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ (30/9), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, chuyện này có 2 vấn đề cần phải quan tâm.
Vết nứt hơn 10 m xuất hiện tại vị trí Km 83, đoạn Phú Thọ- Yên Bái thuộc cao tốc Hà Nội – Lào Cai (Ảnh: Dân Việt)
Theo báo cáo của Bộ GTVT và các ngành chức năng, trong quá trình thực hiện các công việc cuối chuẩn bị thông xe, đã phát hiện vết nứt này rồi. Điều này khác với thông tin báo chí đăng tải, phải sau khi thông xe mấy ngày mới phát hiện vết nứt.
Bộ trưởng Nên cho biết, hiện nay, nhà thầu chịu trách nhiệm chính đang ráo riết thực hiện công việc của mình. Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các công đoạn, thẩm định, kiểm tra lại, tìm nguyên nhân cho rõ.
Theo Bộ trưởng, khi đặt vấn đề, nên có nhìn nhận nguyên nhân từ đâu. Việc này khi điều tra sẽ phát hiện ra, nhưng trước mắt, cơ quan chủ quản – Bộ GTVT đã biết điều này.
“Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng GTVT nói đã chủ động mời một số báo chí đến trực tiếp, mắt thấy tai nghe và biết kế hoạch sắp tới Bộ GTVT chỉ đạo làm những việc gì”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin thêm.
Trước báo giới, ông Nên cho rằng, khi một sự việc xảy ra, cơ quan chức năng chia sẻ kịp thời, cung cấp thông tin để nhân dân hiểu, thì sự việc có thể khác hơn. Thủ tướng có chỉ đạo là những gì báo chí nói chưa đầy đủ, hoặc là chưa chính xác, có phần trách nhiệm của người, cơ quan cung cấp thông tin.
Trước đó, báo chí đưa tin, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất Việt Nam có hiện tượng nứt mặt đường, dù vừa mới được thông xe toàn tuyến cách đó... 3 ngày (21/9).
Ngày 24/9, chủ đầu tư là Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, xuất hiện vết nứt có hình dạng vòng cung điểm đầu tại Km82+995 và điểm cuối tại Km83+070 (trái tuyến chiều Lào Cai về Hà Nội).
Chủ đầu tư đánh giá sơ bộ, do nền đường khu vực đắp cao (7-9m) trên khu vực đất yếu xung quanh là ruộng thường xuyên ngập nước và có thể có những túi bùn bất thường xen kẹp trong phạm vi này.
6 tỷ USD xây sân bay Long Thành giai đoạn 1
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2014, các thành viên Chính phủ đã thảo về việc xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Tại họp báo chiều 30/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã họp và thông qua dự án này. Đây là dự án quan trọng của quốc gia cho nên phải trình Quốc hội thông qua.
Ông thông tin thêm, Hội đồng thẩm định quốc gia đã thông qua, giờ này giao lại cho Bộ GTVT để chuẩn bị, hoàn chỉnh lại theo ý kiến của Chính phủ.
Trả lời về vấn đề này tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, về dự án sân bay Long Thành, Bộ GTVT đã trình Chính phủ các phương án.
Đây là một dự án lớn, hiện nay Bộ đang hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội để có chủ trương. Sau khi có chủ trương sẽ hoàn thành các bước tiếp theo.
Sân bay Long Thành sẽ là dự án thực hiện phương án cổ phần hóa, liên doanh các nhà thầu để đầu tư dự án này, sau đó sẽ tiến hành cổ phần để xã hội hóa.
Theo Thứ trưởng, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu có công suất thiết kế là 20-25 triệu lượt khách/năm, tổng mức đầu tư xấp xỉ 6 tỷ USD. Giai đoạn từ 2020-2025 sẽ là giai đoạn 1.
Giai đoạn 2, sau khi có đủ điều kiện về kinh tế mới thực hiện, nâng công suất lên 60-80 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 được thực hiện sau năm 2050.
Ở giai đoạn 1, hiện nay, Bộ GTVT đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia liên doanh, giảm tối đa kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ GTVT sẽ trình phương án đầu tư dự án.