"Nước ngoài dùng máy bay, tên lửa dự báo bão, còn ta chưa có"
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mạng lưới dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam chỉ hơn Lào và Campuchia, chưa đạt mức trung bình trong khu vực.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Sáng qua (21/12), Tổ công tác của Chính phủ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ((TN&MT).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ TN&MT giải trình về vấn đề dự báo khí tượng thủy văn trong năm qua.
“Vừa rồi ngập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long, hạn hán ở Tây Nguyên, rét đậm rét hại ở miền núi phía Bắc, riêng đợt lũ đang diễn ra, 9 tỉnh miền Trung đã chết và mất tích hơn 100 người. Vì vậy công tác dự báo rất quan trọng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên tổ công tác Chính phủ cho rằng, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn còn nhiều vấn đề trong tương lai vì trang thiết bị công nghệ yếu, nhân lực chất lượng cao ít vào ngành này.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, năm nay là năm diễn biến khí hậu thời tiết rất bất thường. 90 năm mới lặp lại một chu kỳ El Niño diễn ra gần 3 năm liên tục, kèm theo đó là tính khó dự báo, cực đoan của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến công tác dự báo.
Trước ý kiến dư luận về việc dự báo thời điểm đổ bộ hay cường độ bão chưa chính xác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hệ thống dự báo bão, đặc biệt là dự báo bão từ biển còn nhiều bất cập. "Chúng ta vừa thiếu về ra-đa, vừa thiếu hệ thống dự báo ngoài biển và không có công nghệ như một số nước. Các nước khác có hệ thống dự báo từ biển. Họ cũng nghiên cứu cấu trúc cơn bão rất nhiều. Khi có bão, họ phóng tên lửa để viễn thám đo ngay cấu trúc cơn bão hoặc đưa máy bay đi vào khu vực bão để xem cấu trúc và đưa ra dự báo trong đất liền", Bộ trưởng nói.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà dù nhiều bất cập nhưng thời gian, công tác dự báo đã được cải tiến một phần do nỗ lực của cán bộ, do tăng cường hợp tác dự báo với các nước và cập nhật những phần mềm dự báo hiện đại nhất. “Vừa rồi dự báo mưa lũ miền Trung, tôi được Thủ tướng giao đi kiểm tra. Tôi thấy tất cả Bí thư, Chủ tịch các địa phương, các tỉnh nhận định, lần này dự báo rất chính xác. Nếu không có dự báo chính xác thì thiệt hại ở miền Trung còn lớn hơn nhiều”, ông Hà nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, từ dự báo đến nhận thức và hành động cũng là một vấn đề, như đợt hạn mặn đầu năm 2016 ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn đã cảnh báo trước 3 tháng nhưng các cảnh báo, dự báo không được chính quyền các cấp xem xét.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận trách nhiệm: “Chúng tôi nhận trách nhiệm dự báo khí tượng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo tính chính xác và cần thiết”.
Thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục kiến nghị tăng cường năng lực hiện đại hơn để mạng lưới dự báo khí tượng thủy văn đạt được trung bình trong khu vực, hiện nay mạng lưới của Việt Nam chỉ hơn Lào với Campuchia, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu, công tác dự báo là vấn đề đặc biệt quan trọng. "Tôi đề nghị cần sớm nâng cao chất lượng dự báo, nhất là dự báo, cảnh báo sớm để hạn chế thấp nhật hậu quả có thể xảy ra", ông Dũng nói.