Nước mắt ở vùng rốn lũ miền Trung

Chúng tôi đến huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi toàn xã vẫn bị chìm trong nước, đường biến thành sông, người dân phải di chuyển bằng thuyền, ghe. Những giọt nước mắt khóc vì mất người thân, khóc vì nhiều tài sản tích cóp bấy lâu bị cuốn trôi trong tích tắc.

Nước mắt ở vùng rốn lũ miền Trung - 1

Gia đình chị Phương đau đớn bên thi thể đứa con trai bị nước lũ cuốn trôi.

Quay lưng lại đã không thấy con đâu

Dù đã chuẩn bị trước tâm lý để đón lũ, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Phương (29 tuổi) và anh Nguyễn Văn Hà (35 tuổi), ở thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch lại chịu mất mát quá lớn vì đứa con trai đầu lòng Nguyễn Gia Bảo mới 4 tuổi bị nước lũ cuốn trôi và tử vong. Trong căn nhà lạnh lẽo, ẩm ướt khi nước lũ mới rút xuống, cả gia đình chị đau đớn chuẩn bị hậu sự cho đứa con trai xấu số.

Chị Phương đau đớn cho hay, khoảng 9h sáng 15/10, trời mưa như trút nước, tất cả nhà dân ở đây đều bị ngập. Nhà chị Phương cũng bị ngập đến 2m nên toàn bộ đồ đạc và người đều phải lên gác trú. Hai đứa con trai của chị được bà nội chăm, còn vợ chồng chị thì loay hoay dọn dẹp theo mưa lũ.

“Khi đó, con tôi ngồi trên ghế và đang được bà cho ăn, còn chúng tôi thì loay hoay dọn lại đồ vì nước lũ dâng cao. Khi bà nội vừa quay đi lấy đồ, quay lại thì thấy con tôi ngã nhào từ ghế xuống dưới nhưng chúng tôi không đỡ kịp. Tôi gọi con mãi mà không thấy nó lên tiếng, tìm mãi mà không thấy nó đâu. Chồng tôi lặn xuống tìm con và sau đó có nhiều người nữa tìm cùng nhưng mãi không thấy con đâu. Đến chiều, thấy một chiếc dép của con nổi lên ở phía sau nhà nên lặn xuống và tìm thấy con ở đó, con chúng tôi đã tái nhợt, chúng tôi đã mất con rồi”, chị Phương khóc òa.

Tại xã Sơn Trạch, trưa ngày 14/10, em Hồ Thị Long (13 tuổi), ở bản Rào Con, cũng đã bị nước lũ cuốn trôi, mất tích trên đường đi học về khi qua các ngầm, suối nhỏ. Ông Nguyễn Văn Tuấn (một người dân ở xã Sơn Trạch) cho biết: “Tài sản thì không nói, nhưng mùa lũ năm nay Sơn Trạch bị mất mát quá lớn vì có hai đứa trẻ bị lũ cuốn trôi và tử vong. Mong sao gia đình họ sớm vượt qua được đau thương này”.

Đau lòng nhìn tài sản trôi theo lũ

Nước mắt ở vùng rốn lũ miền Trung - 2

Một căn nhà ở xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) tan hoang sau lũ. Ảnh: T.B

Tại rốn lũ xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), người dân đang rơi vào thảm cảnh vì toàn bộ hồ tôm bị mất trắng. Trước đó, sự cố môi trường biển khiến tôm bị rớt giá thê thảm, thậm chí bán không ai mua.

Anh Nguyễn Văn Hải (ở thôn Mỹ Trung, xã Mỹ Trạch) ngậm ngùi: “Đợt trước tôm bị rớt giá, không bán được nên số tôm cũ còn rất nhiều. Chúng tôi cũng mới đầu tư thêm để thả giống mới, tổng cộng gần 30 triệu đồng, giờ mất trắng. Số tiền vay ngân hàng để mua giống chưa trả hết, bây giờ thì trả làm sao được”, anh Hải buồn bã nói.

Tại xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn), mọi con đường dẫn vào xã đều bị chia cắt trong ngày 15/10. Ông Mai Văn Phượng (ở xã Quảng Lộc) bàng hoàng kể lại: “Chúng tôi đã phải cố thủ trên nóc nhà, thức trắng đêm với dòng nước lũ quá lớn. Lo chạy người đã, còn tài sản thì ướt sạch, nhiều đồ đạc bị trôi theo lũ. Người dân chúng tôi khổ quá rồi”.

Huyện Bố Trạch có 4.500 nhà bị ngập, trong đó 1.500 hộ ngập sâu từ 1m đến 2m, 3.000 hộ ngập sâu dưới 1m trong lúc mưa vẫn rất to, nước thượng nguồn sông tiếp tục đổ về khiến người dân lo lắng.

Rạng sáng 15/10, hàng ngàn người dân các xã Văn Hóa, Đức Hóa... (huyện Tuyên Hóa) nhốn nháo tìm nơi trú ẩn vì nước lũ dâng gần đỉnh nóc nhà. Ông Lê Ngọc Muôn (ở thôn Sỏi, xã Văn Hóa) cho biết: “Nước lũ dâng lên đến gần nóc nhà, chúng tôi phải dỡ ngói để chui lên ngồi trên mái nhà. Trước đó, nhận được thông tin có lũ, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng lũ kinh khủng quá, trở tay không kịp, đành nhìn nhiều tài sản bị trôi theo dòng nước”.

Nước mắt ở vùng rốn lũ miền Trung - 3

Anh Hải mang dụng cụ ra hồ vớt vát tôm nhưng toàn bộ tôm đã mất trắng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Tuyên Hóa có trên 3.500 nhà bị ngập, hàng trăm hộ dân bị đe dọa phải di dời. Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, toàn xã có 730 nhà bị ngập, nhiều nơi ngập đến mái, người dân phải lên nóc nhà cố thủ.

Tại TP Đồng Hới, nhiều nhà dân cũng rơi vào cảnh sống chung với nước lũ. Nhiều tuyến đường như đường Hữu Nghị, Lý Thường Kiệt... ngập nặng, giao thông bị chia cắt. Chị Lê Thị Bông (ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới) buồn rầu nói: “Chưa bao giờ thấy TP Đồng Hới bị ngập như vậy. Vì bị bất ngờ, chúng tôi đều phải lên tầng 2 tránh lũ, đồ đạc dưới tầng 1 hầu hết bị ngập nước vì trở tay không kịp. Tủ lạnh, tủ gỗ... hỏng hết rồi”.

Trong đêm 15/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đến tỉnh Quảng Bình chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt.

Nước lũ lên nhanh và chảy mạnh cũng đã làm 5 tàu vận tải biển đứt neo trôi ra biển, hiện hai chiếc chìm, một chiếc mắc cạn tại phao số 0, sáu thuyền viên được cứu, năm người còn mất tích.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ với cố gắng cao nhất để giải quyết hậu quả mưa lũ. “Thứ nhất là tìm kiếm người mất tích, thứ hai là tổ chức thăm hỏi những gia đình có người chết, người mất tích động viên kịp thời bà con hỏi thăm, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức xã hội, doanh nghiệp vừa thăm hỏi vừa hỗ trợ và giúp đỡ.... phục hối sản xuất”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Mưa lớn trong ba ngày từ 13 đến 15/10, khiến nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu trong nước, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Theo thống kê sợ bộ, mưa lũ đã khiến 9 người chết, 10 người mất tích và 7 người bị thương; 56.618 ngôi nhà bị ngập; các tuyến đường sắt, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn bị ngập, hư hỏng và gây ách tắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ.Hoàng – M.Khang (Gia đình & Xã hội)
Lũ lớn ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN