Nước mắt của những tài xế xe container trước giờ cách ly
Tuấn nhắn gia đình đừng lo lắng rồi chào tạm biệt, trong video call thấy Tuấn rơm rớm nước mắt của mưu sinh dù miệng cười rất tươi…
20 giờ 30 ngày 8-2, Tuấn “râu”, tài xế xe container chở thanh long từ Bình Thuận ra Lạng Sơn, cho biết vừa đưa xe chở 20 tấn thanh long của mình qua cửa khẩu Hữu Nghị (Cao Mộc, Lạng Sơn) bỏ hàng xong, chuẩn bị cách ly ở sát biên giới.
Xe đậu kín trước cửa khẩu Hữu Nghị
Thèm khoanh bánh tét, miếng thịt kho
Tuấn “râu”, 50 tuổi, người thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), đã ăn chực nằm chờ tại cửa khẩu Hữu Nghị hơn một tuần nay. Tuy nhiên, vì dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona đang diễn biến phức tạp nên mỗi ngày cửa khẩu chỉ thông quan nhỏ giọt khoảng 25 xe.
Tuấn cho biết dù sao mình và một số tài xế vẫn còn may mắn vì theo thông báo của chính quyền TP Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, dự kiến ngày 10-2 các cửa khẩu phụ cặp chợ biên giới của phía Trung Quốc sẽ chính thức mở trở lại để phục vụ hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu trao đổi hàng hóa giữa hai nước.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại Quảng Tây đang gia tăng, phía Trung Quốc tiếp tục lùi thời gian khôi phục hoạt động trao đổi cư dân biên giới khoảng 20 ngày nữa.
Theo đó, thời gian khôi phục hoạt động trao đổi cư dân biên giới (theo các cặp cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn như Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình... của Lạng Sơn) sẽ phải lùi tới cuối tháng 2.
Đối với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc gia Chi Ma (thuộc huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) vẫn diễn ra hoạt động giao thương bình thường nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt về công tác phòng, chống dịch của lực lượng chức năng hai bên.
Tuấn “râu” chia sẻ qua điện thoại video, hơn một tuần nay khu vực cửa khẩu Hữu Nghị mưa dầm và lạnh cắt da, cắt thịt. Do đó lực lượng chức năng hai nước Việt Nam, Trung Quốc cũng kiểm soát rất gắt gao để đề phòng nhiễm dịch, lây lan virus Corona. “Anh em lái xe đang kẹt ở đây phần lớn là dân Bình Thuận chở thanh long ra tiêu thụ nên hùn nhau nấu ăn để giảm chi phí. Anh em lái xe đứa nào cũng thèm có khoanh bánh tét, miếng thịt kho măng vì từ tết tới giờ không về nhà. Bây giờ bỏ hàng xong, nghe thông báo tất cả sẽ cách ly 14 ngày chưa biết ra sao” - Tuấn tâm sự.
Tài xế Nguyễn Văn Chương, tức Tuấn “râu”, ở bãi xe trước khi qua cửa khẩu. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Điểm danh chuẩn bị cách ly
Rớm nước mắt
Tôi hỏi cắc cớ rằng tiền thù lao anh em lái xe container chắc nhận được nhiều nên mới liều lĩnh tính mạng của mình đi vào vùng dịch. Theo Tuấn và Hùng, các chủ xe đều hứa bồi dưỡng cho mỗi tài xế 5-7 triệu đồng, lo thức ăn hằng ngày trong thời gian họ cách ly.
Anh em Tuấn "râu" tranh thủ ăn cơm trước giờ cách ly
Mạo hiểm để bảo vệ công sức nông dân Mình làm mướn mà anh, tụi em đâu có ai muốn vậy nhưng kẹt ở đây như lỡ leo lưng cọp phải vào hang cọp thôi. Mình không lái thì ai lái đây, hơn nữa xe thanh long gần cả tỉ bạc của doanh nghiệp thuê mình rồi biết bao công sức của nông dân nên đành nhắm mắt đưa chân thôi. HÙNG, một tài xế cũng từ Hàm Thuận Nam |
Anh em “báo giá” sức khỏe của mình như vậy. 21 giờ ngày 8-2, nhóm tài xế gần 30 người tập trung ở đồn biên phòng tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Trời tiếp tục mưa dầm, qua video call thấy ai cũng mặc áo lạnh, trùm đầu kín mít. Tuấn cho biết anh em tạm thời mua cơm hộp ăn chờ quyết định từ cuộc họp ở đâu đó trên tỉnh.
22 giờ 5 phút, Tuấn “râu” lại điện thoại video. Giữa sân đồn biên phòng, hàng chục tài xế đứng xếp hàng, một sĩ quan bộ đội gọi tên điểm danh từng người. Tuấn cho biết theo thông báo thì toàn bộ tài xế sẽ được cách ly tại Trường Quân sự của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn.
Địa điểm anh em lái xe cách ly 14 ngày
Tài xế xe container này vui mừng thông báo là toàn bộ chi phí ăn uống, nghỉ ngơi 14 ngày đều được ngân sách nhà nước đài thọ. “Em từng trong quân ngũ gần chục năm nên đến với môi trường quân đội là quen ngay. Nhờ anh nhắn với gia đình đừng lo lắng” - Tuấn nói rồi giơ tay tạm biệt. Trong video call hình như thấy Tuấn rơm rớm nước mắt của mưu sinh dù miệng cười rất tươi…
Kiến nghị kiểm tra nhanh cho tài xế Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty Bagico Bắc Giang, kiến nghị: “Cần coi những tài xế đã, đang và sẽ phải chở hàng đi qua bên kia biên giới và mang nguyên liệu quay trở lại trong nước như những người chiến sĩ xung kích trên mặt trận xuất nhập khẩu. Bởi lẽ họ chấp nhận đi vào vùng dịch có nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân và gia đình, để góp phần lưu thông hàng hóa. Với quy định cách ly 14 ngày đối với những người nhập cảnh từ Trung Quốc có thể cũng gây khủng hoảng thiếu đối với đội ngũ tài xế. Tài xế chở hàng sang Trung Quốc và quay trở lại cũng bị coi là đối tượng cần phải cách ly. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi làm sao có thể xoay xở tuyển bù lực lượng tài xế chuyên nghiệp nhiều như thế để lưu thông hàng hóa” - bà Thực nêu vấn đề và kiến nghị cơ quan chức năng về dịch tễ tại vùng biên giới có giải pháp hỗ trợ kiểm tra nhanh đối với tài xế. |
Từ sáng đến tối, ông Vinh quanh quẩn ở 4 bức tường. Nỗi cô đơn, bí bách và cả sợ hãi chỉ vơi bớt khi có cán bộ...
Nguồn: [Link nguồn]