Nước mắt cổ vật: Mối lo của các bảo tàng

Trong khi cổ vật đang bị săn lùng ráo riết, thất thoát ra nước ngoài thì ở nhiều bảo tàng, cổ vật nằm phơi mưa nắng, bong tróc, hư hỏng nặng.

Tại một cuộc hội thảo về cổ vật tổ chức ở Hà Nội gần đây, các cán bộ Bảo tàng tỉnh Nghệ An đã khẩn thiết đề nghị cứu cả ngàn hiện vật được khai quật, sưu tập hàng trăm năm đang có dấu hiệu xuống cấp.

Bỏ phế bảo vật quốc gia

Cột đèn Bến Thủy, các khẩu súng thần công do người dân phát hiện dưới sông Lam vào tháng 8/2012 nằm chỏng chơ giữa mưa nắng. Ở nhà kho phía sau bảo tàng, nhiều hiện vật quý như trống đồng Ngọc Lũ, chuông đồng thời nhà Lý, nhà Nguyễn, các thạp đồng, các bộ sưu tập đồ gốm sứ, tranh ảnh, sắc phong, sách cổ... có dấu hiệu hư hỏng, mục nát.

Trong góc của nhà kho là chiếc trống đồng Đông Sơn thuộc loại lớn nhất Việt Nam được phát hiện ở huyện Quỳ Hợp mà theo đánh giá của Hội đồng Cổ vật quốc gia là trống đồng loại 1. Chiếc trống này hiện đã bị ôxy hóa, bong tróc.

Nước mắt cổ vật: Mối lo của các bảo tàng - 1

Các hiện vật ở Bảo tàng tỉnh Phú Yên hiện nay chủ yếu mang giá trị văn hóa Ảnh: HỒNG ÁNH

Ông Nguyễn Đức Kiếm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An, cho biết dự án xây dựng bảo tàng mới sau nhiều năm triển khai giờ vẫn chưa hoàn thành, toàn bộ hơn 20.000 hiện vật đều phải bỏ tạm trong nhà kho.

“Điều kiện bảo quản không bảo đảm nên rất nhiều hiện vật đang bị hư hỏng. Nếu không có kinh phí để đầu tư hệ thống bảo quản, trưng bày thì sớm muộn gì các hiện vật quý tại bảo tàng sẽ hư hỏng hết” - ông Kiếm chua xót.

Tại Hà Tĩnh, 2 trong 3 khẩu súng thần công triều Nguyễn là bảo vật vật quốc gia cũng nằm lăn lóc ở hành lang bảo tàng tỉnh. Các khẩu súng trên được người dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh trục vớt trên một xác tàu cổ bị đắm ở ngư trường Đảo Mắt.

Mỗi khẩu nặng hơn 1,2 tấn, dài 2,43 m, đường kính thân súng 40 cm, đường kính nòng súng 11 cm, giữa thân súng có 2 quai chạm khắc hình rồng và 2 tai tròn làm giá đỡ cho súng. Qua nghiên cứu những thông tin khắc trên súng, Bảo tàng Hà Tĩnh nhận định 3 khẩu thần công này nằm cùng một bộ, đều được đúc bằng đồng vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820). Súng được đặt tên là Bảo quốc An dân đại tướng quân.

Ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, thừa nhận: “Ba khẩu súng ở bảo tàng, 1 khẩu đã được phục chế và đặt trong kho, 2 khẩu còn lại đang phải đặt tạm ngoài hành lang. Bảo tàng biết 2 khẩu súng rất có giá trị lịch sử nhưng thiếu kinh phí nên chưa phục dựng, làm giá trưng bày được”.

Trận chiến với trộm và giới buôn đồ cổ

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên, cho biết quá đau lòng với nạn “chảy máu” cổ vật. Mới đây, một đồng nghiệp ở TP HCM điện thoại trách bà sao để một pho tượng quý bằng vàng ở Phú Yên lưu lạc đến TP HCM. “Tôi hoàn toàn không biết, vội cử người kiểm tra thì quả thật có chuyện người dân huyện Tây Hòa tìm được pho tượng bằng vàng nhưng đã bán cho con buôn. Khi vào đến TP HCM truy tìm thì nghe pho tượng đã sang Campuchia” - bà Hoa kể.

Trước đó, người dân cũng tìm được một chiếc thuyền độc mộc có từ thế kỷ XII, bị chôn lấp dưới sông Ba. Khi bảo tàng nghe tin, cử người đến mới hay đã có nhiều con buôn đến xem nhưng thấy thuyền bị gãy đôi nên bỏ về. “Mình không thể tranh mua được với con buôn. Mình nghe tin đã muộn, khi đến nơi còn lấy Luật Di sản ra thuyết phục bà con giao nộp, mình chỉ hỗ trợ nên bà con đâu muốn để lại” - bà Hoa tâm sự.

Nước mắt cổ vật: Mối lo của các bảo tàng - 2

Cột đèn Bến Thủy bị vứt chỏng chơ ngoài sân Bảo tàng tỉnh Nghệ An Ảnh: ĐỨC NGỌC

Hơn 4.000 hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, phần lớn chỉ có giá trị văn hóa. Những cổ vật có giá trị thương mại đã bị con buôn đưa đi khắp nơi.

Mặc dù Bảo tàng tỉnh Phú Yên đều cử bảo vệ túc trực và có hệ thống camera chống trộm nhưng đã có 2 vụ trộm xảy ra ở bảo tàng này. Trộm đột nhập gần đây nhất vào năm 2010. Khi Bảo tàng tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm kê, chụp ảnh các hiện vật thì mới phát hiện 5 con dấu của chính quyền tỉnh trước đây bị mất trộm.

Theo bà Hoa, cho đến bây giờ, bảo tàng vẫn còn nhận được đơn khiếu nại của một gia đình ở huyện Phú Hòa. Năm 1988, gia đình này tìm thấy tượng Phật cổ, giao nộp cho bảo tàng nhưng ngay trong đêm ấy, bảo vệ bị chuốc rượu say, kẻ trộm “ẵm” mất pho tượng.

Đó cũng là nỗi lo của các cán bộ Bảo tàng tỉnh Nghệ An. “Chúng tôi bảo quản nhiều cổ vật giá trị lớn nhưng lực lượng ít, lại thiếu trang thiết bị an ninh hiện đại nên rất dễ mất trộm” - ông Nguyễn Đức Kiếm lo lắng.

Còn giám đốc một bảo tàng khác thừa nhận những vụ trộm xảy ra ở bảo tàng đều không báo công an để truy tìm vì sợ mất thành tích cơ quan.

Chiến thắng cám dỗ

Ngôi nhà cổ Diệp Đồng Nguyên (số 80 Nguyễn Thái Học, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một di tích tiêu biểu trong quần thể di sản thế giới Hội An. Nơi đây không chỉ bảo tồn được những nét kiến trúc truyền thống mà còn chứa một kho cổ vật cùng nhiều nguồn tư liệu giá trị. Đó là nhiều chiếc ché mang đi sứ của thời Khang Hy, bình tì bà và bát gốm Chu Đậu thế kỷ XII, bình hoa da cóc thời nhà Thanh... Cổ nhất có lẽ là chiếc bình bằng đất nung gốm Sa Huỳnh niên đại thế kỷ I trước Công nguyên. Ngoài ra, còn có bộ tủ áo cổ, bàn làm việc của vua Bảo Đại, chiếc bàn phấn trang điểm của Nam Phương hoàng hậu; vòng đeo tay bằng đá mã não, trâm cài, gương soi… của những mỹ nữ thời xưa.

Ông Diệp Gia Tùng (73 tuổi, người trực tiếp trông coi toàn bộ cổ vật của gia tộc họ Diệp) cho biết các thế hệ họ Diệp đã phải chiến đấu với cám dỗ từ những tay buôn đồ cổ bởi họ năm lần bảy lượt đến thuyết phục, kỳ kèo để mua cho bằng được. Ngoài ra, gia đình lúc nào cũng canh cánh lo nạn trộm cắp khi khối tài sản quá lớn nhưng thiếu lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp.

T.Thường

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Ngọc - Hồng Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN