Nực cười chuyện tìm số nhà... 50 mét vuông

Chuyện số nhà nhảy vọt, lộn xộn chẵn lẻ, cũ mới, trùng số... tại nhiều tuyến đường ở Thủ đô khiến nhiều người tìm nhà như lạc vào “ma trận”. Tình trạng này phổ biến ở những tuyến phố kéo dài, tuyến phố mới...

Nực cười chuyện tìm số nhà... 50 mét vuông - 1

Hoa mắt vì địa chỉ nhà.

Loạn số nhà

Ông Hồ Chiến Thắng (58 tuổi), phố Văn Cao, phường Cống Vị, quận Ba Đình, có thâm niên hành nghề xe ôm từ năm 1994 cho biết: “Người ta thường ví phố cổ như “ma trận”, nhưng thực tế, những tuyến phố mới, mới loạn biển số nhà. Nhiều tuyến phố người ta đánh số nhà không theo trật tự nào”. Để dẫn chứng sự lộn xộn của biển số nhà, ông Thắng lấy ví dụ: “Như phố Phạm Vũ Hàm đánh số loạn lắm, nơi phân theo số, nơi phân lô. Cả phố có đến 15 lô, mỗi lô lại có 1 dãy số giống nhau. Như vậy 15 lô là 15 dãy số trùng nhau. Người đi đường muốn đến đâu, phải chỉ rõ đến số nhà bao nhiêu, lô số mấy, nếu không sẽ không biết đường nào mà lần. Đến xe ôm chúng tôi còn chịu thua huống gì bà con ở dưới quê lên thăm người thân”.

Người dân ở Phạm Vũ Hàm kể câu chuyện, có người đến đoạn đường này hỏi thăm nhà có địa chỉ “50 mét vuông”(?) ai nấy đều lắc đầu không biết. Sau, người này hỏi lại chủ thì mới biết địa chỉ ghi trên giấy đúng ra phải là "số nhà 50 ở lô M2.

Đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy cũng rơi vào “ma trận” số nhà, lộn xộn không theo quy tắc nào. Số nhà tại đây không tuân theo quy luật chẵn lẻ, không có thứ tự lớn bé. Nhà số 24 nằm giữa hai nhà đều được đánh số 10. Đi một đoạn, thấy số nhà 22 nằm cạnh số nhà 32, cách đấy chưa đầy 100 mét lại xuất hiện một số nhà 22 khác nằm giữa số nhà 12 và 12A. Ở bên kia đường số nhà 9 nằm cạnh số nhà 16; số 25 nằm cùng phía với số 26…

Ông Thắng lý giải nguyên nhân “loạn số” ở đường Trần Thái Tông: “Trước đây, đường Trần Thái Tông người ta gọi là Nguyễn Phong Sắc kéo dài bởi nó nối đường Nguyễn Phong Sắc ngay tại ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy. Sau này được gắn tên chính thức, người ta cứ tự do đánh loạn số. Nhà ai cũng muốn có số nhà đẹp nên mới bị trùng số, chẵn lẻ lộn xộn”.

Dân bản xứ cũng bó tay

Nực cười chuyện tìm số nhà... 50 mét vuông - 2

Tên phố mới, cũ chồng nhau. Ảnh: Hoàng Anh

Phố Đặng Thùy Trâm, quận Cầu Giấy, Hà Nội là tuyến phố mới. Con phố này chỉ ngắn vài trăm mét nhưng có đến hàng chục ngôi nhà trùng số. Chẳng hạn, có đến hai nhà cùng chung số 29 và ba nhà cùng mang số 27. Cũng có nhà có tới 2 biển số nhà khác nhau. Người dân nơi đây buộc phải sống quen với nhiều phiền phức của việc loạn số nhà. Người lần đầu đặt chân đến phố Đặng Thùy Trâm tìm nhà ai đó chẳng khác gì rơi vào “ma trận”.

Theo bà Vũ Thị Lợi, số nhà 17 – phố Đặng Thùy Trâm thì tình trạng lộn xộn biển số nhà trên tuyến phố này đã xuất hiện từ… ban đầu. Bản thân ngôi nhà của bà Lợi cũng sở hữu 2 số nhà gồm số 12 (số cũ) và số 17 (số mới). Ngay bên cạnh ngôi nhà số 17 của bà là một căn hộ với biển số 99.

Ở phố Đặng Thùy Trâm tình trạng khách hỏi nhà do không tìm được địa chỉ nơi mình cần đến khá phổ biến. Nếu may mắn, khách hỏi trúng người biết hàng xóm. Còn đa số khách đều nhận được câu trả lời: “Tôi ở đây lâu rồi nhưng cũng không biết”.

Anh Đỗ Quang Nghị, nhân viên chuyển phát nhanh kể lại câu chuyện ngày mới vào nghề của mình: “Mình đi phát hàng cho một khách ở Kim Giang, trên địa chỉ ghi đến 5 gạch, nào là phố, khu, ngõ, hẻm, số nhà. Loay hoay cả giờ đồng hồ mà không tìm thấy số nhà cần tìm, lúc thì chui vào ngõ cụt, có chỗ thì ngẩng đầu lên thấy đã là ngõ thuộc phố khác. Hay mới đây, theo địa chỉ khách nói, ở đường Tam Trinh đến nơi thấy ít nhất 4 số nhà đánh số 30. Vậy là đành bấm chuông gọi cửa từng nhà một”.

Tình trạng nhiều số nhà trùng nhau hoặc nhảy số ở Hà Nội như đã nêu trên thường xảy ra trên các tuyến phố mới mở rộng, đường làng lên phố, nhưng vẫn có những con phố lâu đời vẫn xảy ra tình trạng “loạn số nhà”. Đi tìm nguyên nhân giải thích cho việc một nhà 2 số, rồi số nhà trùng lặp, lộn xộn, nhiều chủ nhân ngôi nhà cho biết khi thay đổi số nhà kéo theo cả loạt thủ tục phải thay đổi từ sổ hộ khẩu, sổ đỏ, chứng minh thư, làm visa… Những thủ tục đó làm lại rất mất thời gian nên các khổ chủ vẫn mặc nhiên chấp nhận tình trạng loạn số nhà, để con số mới chồng lên số cũ.

Từ tháng 1/2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2014 quy định cụ thể về quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tình trạng loạn số nhà vẫn là vấn đề gây bức xúc đối với người dân. Các cơ quan chức năng cần phải sớm có biện giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Những tuyến đường loạn số nhà

Đường Trung kính dãy số nhà chạy tự do từ: 181 - 268 - 101 - 157 - 173 – 147; đường Hồ Tùng Mậu thứ tự: 42 - 22 - 56 - 36 - 38 - 48 – 68, rồi hai số trung nhau trên tuyến đường này: 76 - 92 - 90 - 76 - 56 - 118 - 88 - 90 - 92… nhà kép cũ - mới thì đánh số 234 bên cạnh số 40, số 238 ở dưới ghi 36, số 246 vẫn giữ số 28; còn tại đường Thái Thịnh, xen giữa hai số nhà 99 và 101 là số nhà... 358 đường Láng, dãy số nhà nhảy loạn từ: 368 - 259 - 94 - 235 - 219. Với đường Hoàng Cầu thì lại là: 51 - 90 - 74 - 66 - 62 - 56 - 99 - 33 – 97…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN