Nửa thế kỷ chật vật trong những căn nhà 5-6 m2 giữa TP HCM

Sự kiện: Tin ngắn

Trong những căn nhà 5-6 m2 cách chợ Bến Thành chừng một km, người dân sống cảnh chật hẹp, nhiều hộ sắp xếp thành viên làm việc, sinh hoạt lệch ca mới có chỗ ngủ.

Căn nhà hai tầng với bề ngang chưa tới 2 m của ông Nguyễn Đạt Tín, 63 tuổi, nằm ở khu chợ Gà - Gạo (quận 1) bị chiếm hết nửa diện tích bởi tủ lạnh nhỏ, bàn thờ, bếp gas, chỉ còn một khoảng bằng 4 ô gạch để ông sinh hoạt. "Nhà chật tối nằm ngủ trở mình cũng khó, duỗi chân ra là đạp trúng đồ đạc", ông Tín nói.

Ông Nguyễn Đạt Tín trong căn nhà rộng 6 m2 ở khu chợ Gà- Gạo, quận 1. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nguyễn Đạt Tín trong căn nhà rộng 6 m2 ở khu chợ Gà- Gạo, quận 1. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Tín đã ở đây từ trước năm 1975 cùng với bố mẹ và 5 anh chị em. Ban đầu, căn nhà rộng 12 m2 nhưng khoảng năm 1990, gia đình làm ăn thất bại phải cắt bớt một nửa để trả nợ. Sau khi bố mẹ mất, những người có gia đình dọn ra ngoài vì không chịu nổi cảnh chật hẹp, căn nhà chỉ còn ông với em trai.

Mỗi ngày ông đi phụ bếp cho quán ăn gần nhà để kiếm sống. Thu nhập thấp, bấp bênh, hoàn cảnh sống khó khăn nên từ lúc trẻ ông Tín không có ý định lập gia đình. Trong không gian hạn chế, ông phải nấu ăn một lần với đồ ăn đơn giản dùng cho nhiều ngày.

Nhà vệ sinh rộng 2 m2 vừa là nơi tắm, giặt, sơ chế đồ ăn, rửa chén. Xung quanh nhà ông Tín là những con hẻm rộng chưa tới một mét, ken đặc nhà cửa. Phía trên nhiều hộ căng bạt để tránh nắng nóng, nước tạt vào nhà khi mưa khiến khu này lúc nào cũng tối tăm, ẩm thấp. Mỗi ngày nắng nóng sau đó có mưa buổi chiều trời hầm, mùi hôi từ cống bốc nồng nặc.

Buổi tối khi nhiều người đi làm về, xe máy dựng khắp các lối đi. Người dân muốn đi lại phải nghiêng mình mới lọt. Ông Tín cho biết trước đây phường vận động nhiều nhà gửi xe máy ở bãi giữ bên ngoài để có lối thoát hiểm khi có xảy ra sự cố. Tuy nhiên, bãi giữ xe gần nhất cách xa hơn 300 m, rất bất tiện, người dân giữ thói quen để xe trước nhà.

Bà Phương Thảo nấu ăn ở ngoài lối đi, cạnh căn nhà chật hẹp. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Phương Thảo nấu ăn ở ngoài lối đi, cạnh căn nhà chật hẹp. Ảnh: Quỳnh Trần

Cách nhà ông Tín vài căn, gia đình 6 thành viên của bà Nguyễn Phương Thảo, 49 tuổi, cũng tá túc trong nơi ở rộng chừng 6 m2. Bà Thảo sinh ra và từ nhỏ sống ở khu vực chợ Gạo, bố mẹ mất để lại căn nhà cho các con. Bà lấy chồng sinh ba người con. Người con đầu lấy chồng, sinh con cũng về đây khiến "6 người phải chụm đầu vào nhau ở như hộp cá mòi".

Nhà đông người kéo theo nhiều đồ đạc, phía trong chỉ đủ chỗ nằm cho một người. Khi dùng bữa, mỗi người múc ra tô chia nhau ngồi từng góc để ăn chứ không còn chỗ dọn ra ăn chung. Người phụ nữ 49 tuổi kể khu chợ này trước đây có nhiều người bán gà, gạo và tạp hoá nên gọi là chợ Gà - Gạo. Lâu dần các tiểu thương nghỉ bớt nhưng nhiều hộ vẫn còn sống cho đến nay.

Dù ở trong điều kiện khiêm tốn, gia đình bà Phương vẫn chưa có ý định chuyển đi nơi khác vì đã quen thuộc, không có điều kiện. Để thích nghi, các con bà phải chia giờ làm việc, sinh hoạt ở nhà. Người con rể thường chạy xe công nghệ từ sáng đến chiều, về nhà phải chờ vợ đi làm ca đêm mới có chỗ ngủ nghỉ.

Khu chợ Gà - Gạo giáp đại lộ Võ Văn Kiệt nhìn từ trên cao. Ảnh: Đình Văn

Khu chợ Gà - Gạo giáp đại lộ Võ Văn Kiệt nhìn từ trên cao. Ảnh: Đình Văn

"Hơn 50 năm qua, nơi này không thay đổi còn người thì đông hơn, khiến không gian ngày càng chật hẹp", bà nói và cho biết nếu sắp tới chính quyền có chính sách bồi thường, giải toả phù hợp sẽ dọn đi nơi ở mới để sống thoải mái hơn.

Hộ ông Tín và bà Phương là hai trong số gần 300 hộ dân ở khu chợ Gà - Gạo, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, sống trong cảnh chật hẹp, phải chia ca ngủ trong những căn nhà nhỏ, có hộ chỉ rộng 4-6 m2.

Ngôi chợ được bao quanh bởi ba tuyến đường Yersin - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1. Từ diện tích sạp bán hàng sau đó được người dân cơi nới, cải tạo thành nơi ở gần chợ để thuận lợi kinh doanh. Một số hộ lúc đầu có nhà rộng hơn chục mét vuông đã cắt ra bán bớt, dần hình thành những phòng chỉ vài mét vuông.

Hàng chục năm qua, khu dân cư nói trên trở nên chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhưng gặp khó khăn trong việc giải toả. Khu vực này từng ba lần xảy ra hoả hoạn, lần gần nhất vào cuối năm 2015 thiêu rụi 13 căn nhà. Để cải thiện cuộc sống người dân ở đây, thành phố từng nhiều lần kêu gọi nghiên cứu, đầu tư toà nhà, căn hộ tái định cư.

Tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp quan tâm dự án chợ Gà - Gạo diễn ra cuối tuần trước, Bí thư quận 1 Dương Anh Đức kêu gọi đề xuất giải pháp khả thi để chỉnh trang vì đời sống người dân rất tù túng. Theo ông Đức, qua khảo sát ở khu vực này nhiều hộ phải chia ca ngủ vì diện tích quá nhỏ.

Vị trí khu chợ Gà - Gạo ở trung tâm TP HCM. Đồ họa: Đăng Hiếu

Vị trí khu chợ Gà - Gạo ở trung tâm TP HCM. Đồ họa: Đăng Hiếu

Còn ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1, cho biết khu vực này có diện tích gần 3.400 m2 nhưng có 474 căn nhà, sạp với gần 1.000 người sinh sống. Nhà dân, sạp quy mô 1-3 tầng nhỏ hẹp, là nơi buôn bán và chỗ ở, chứa nhiều hàng hoá, đồ dùng dễ cháy. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng từ hơn 50 năm trước đã xuống cấp, ẩm thấp, các lối đi không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và thoát hiểm

Dự án chợ Gà - Gạo có diện tích hơn 6.300 m2. Chiếu theo các quy định hiện tại, mật độ xây dựng của dự án tối đa 50%, chiều cao tối đa của công trình là 50 m (10-14 tầng) với dân số 700 người. Dự án triển khai sẽ ảnh hưởng đến 290 hộ với 1.173 người dân đang sinh sống.

Theo nhiều chuyên gia, dự án này gặp khó về mật độ xây dựng, phương án giải toả, tái định cư. Vì vậy thành phố cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích ở, căn hộ tối thiểu của người dân tại khu vực.

Nguồn: [Link nguồn]

Gần 300 hộ dân ở khu chợ Gà - Gạo, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, phải sống trong cảnh chật hẹp, phải chia ca ngủ trong những căn nhà 6-7 m2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Văn ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN