Nửa đêm xuống ga ngầm đường sắt đô thị

Nửa đêm ở Hà Nội, vài chục công nhân hì hục đổ bê tông sàn trung chuyển ga ngầm S9 dưới độ sâu hàng chục mét trong lòng đất.

Công nhân thi công sàn trung chuyển ga ngầm S9 đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội

Công nhân thi công sàn trung chuyển ga ngầm S9 đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội

Cẩn trọng, an toàn

Hơn 22h ngày 16/5, phóng viên Tiền Phong có mặt tại công trường thi công ga ngầm S9, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Nhiều đồng nghiệp các báo đã có mặt từ trước. Sau khi mặc đồ bảo hộ, đội mũ bảo hiểm, chúng tôi xếp vòng tròn quanh sân công trường, nghe nhân viên an toàn của công trường hướng dẫn. Nhân viên an toàn đội mũ xanh, phóng viên mũ trắng. Nhân viên an toàn cho biết, công trường ngầm trong lòng đất luôn được đo lượng ô xy, đảm bảo nguyên tắc an toàn cho mọi người.

Nhóm phóng viên được hướng dẫn xuống ga ngầm. Một hệ thống giàn giáo bằng sắt dựng thẳng đứng theo kiểu cầu thang vòng tròn nối xuống hầm ngầm. Bên trên được quây bằng lưới kín, thắp điện sáng theo hướng đi. Phải mất 4-5 vòng theo hướng thẳng đứng, phóng viên mới xuống được hầm ngầm. Hầm sâu khoảng hơn chục mét so với mặt đất. Dưới sàn ga ngầm, hàng chục công nhân xếp hàng ngay ngắn.

Một người, có lẽ là đội trưởng hoặc chỉ huy ca làm việc, quán triệt các nội dung đảm bảo an toàn cho công nhân. Dưới hầm nhưng điện sáng như ban ngày. Theo kế hoạch, đêm nay, công trường đổ bê tông một phần sàn trung chuyển.

Chỉ cho phóng viên thấy độ phức tạp của công việc, ông Lê Trung Hiếu, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, nói rằng, khung thép dày một mét, có không biết bao nhiêu là mối buộc, mà công nhân phải khom người ngồi trong khung đó buộc từng mối một. “Nói để thấy rằng làm việc dưới ga ngầm này không hề dễ. Mọi thứ đều phải chuẩn xác thì mới đảm bảo tiến độ được”, ông Hiếu nói.

Công nghệ hiện đại nhất

Khu ga ngầm hiện tại giống như một hình hộp chữ nhật kéo dài vài trăm mét. Có 4 cửa hướng lên mặt đất. Chạy theo chiều dài ga ngầm là hai bức tường bê tông sâu tới 12 mét và dày 2 mét. Nói về thi công ga ngầm, ông Hiếu bảo, lúc khó nhất chính là đào xuống để làm bộ khung của ga ngầm. Hơn nữa, hai bức tường bê tông sâu 12 mét lại đi kèm các bộ phận liên quan khung chịu lực nên cần phải làm chính xác, nếu lệch có thể ảnh hưởng tiến độ những giai đoạn sau.

Trong đêm 16/5, khoảng hơn 500 mét vuông bê tông được đổ vào khung thép sàn trung chuyển. Tổng số bê tông vào khoảng hơn 3.600 mét khối. Riêng trong đêm 16/5, hàng trăm xe bê tông túc trực bên ngoài, nối ống phun bê tông xuống dưới ga ngầm. Ông Hiếu bảo, phải tính toán thật kỹ các phương án, bởi nếu chưa xong, các xe bê tông đã về, không đổ kịp là hỏng bê tông, thiệt hại rất lớn.

Hơn 22h đêm, 38 công nhân nhận nhiệm vụ bơm bê tông, nối, điều hướng các ống bê tông, làm chặt bê tông. Bốn công nhân còn lại đảm nhiệm việc cảnh báo giao thông, bảo vệ các xe bồn bê tông phía trên đường Kim Mã. Các ống bê tông được luồn qua đường hở phía trên ga ngầm, xuống dưới.

Các ống cao su với chiều dài khoảng 3 mét được nối với nhau, nhận bê tông từ các xe bồn liên tục tiếp ứng ở trên mặt đất. Công nhân làm nhiệm vụ mang vác các ống tới điểm nối. Trong quá trình nhận bê tông, một vài công nhân liên tục phải dùng búa đập vào các điểm nối để tránh bê tông bị tắc nghẽn.

Trao đổi với phóng viên, ông Shaun Atkins, kỹ sư trưởng người Anh trực tiếp giám sát quá trình đổ bê tông, cho biết, đội ngũ công nhân hiện tại có trình độ tốt, vì vậy tiến độ xây dựng đang được đẩy mạnh. Dự kiến, công đoạn đổ bê tông sẽ mất khoảng 2,5 tháng. Trước đó, quá trình đào đất tầng ngầm đầu tiên được hoàn thành trong 1,5 tháng.

Vấn đề an toàn lao động cũng được nhà thầu đặc biệt lưu tâm. Theo ông Shaun, tại công trình có một bộ phận chuyên về an toàn lao động. “Tại tầng ngầm, chúng tôi thiết kế 6 hệ thống thông gió, đảm bảo đủ không khí cho số công nhân làm việc chung trong môi trường khá kín này”, ông Shaun nói.

Theo ông Lê Trung Hiếu, phó ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội các nhà ga Metro Nhổn - Ga Hà Nội đang được thi công với công nghệ hiện đại nhất thế giới, áp dụng công nghệ top-down, đào từ trên xuống dưới. Ga có 1 tầng đỉnh lộ thiên, 2 tầng ngầm. Sau khi kết cấu các ga ngầm được hoàn thiện, dự kiến, cuối năm 2020, một robot khoan hầm sẽ được vận chuyển đến công trường, tự động khoan đường ngầm nối thông các nhà ga. “Vấn đề chỉ nằm ở sự quyết tâm của chủ đầu tư và các bên liên quan. Tôi tin tưởng công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ”, ông Hiếu nói. 

Ngắm cầu biểu tượng mới của TP.HCM bắc qua sông Sài Gòn sắp hoàn thành

Cầu Thủ Thiêm 2 - cây cầu được xem là 1 trong những biểu tượng của TP.HCM - nối giữa khu đô thị Thủ Thiêm và trung tâm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong - Nguyễn Hoàn ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN