Nửa đêm đi "mua may" ở chợ Viềng
Từ đêm hôm trước, cho đến rạng sáng ngày 7/2 (tức mùng 8 tháng Giêng) hàng ngàn lượt người vẫn tiếp tục nối nhau kéo về chợ Viềng (thị trấn Gôi, Vụ Bản, Nam Định) để “mua may bán rủi” trong phiên chợ duy nhất của năm.
Chiều 6/2, mọi ngả đường dẫn vào khu vực Phủ Dầy, chợ Viềng luôn đặc kín người vào xe chen nhau. Bắt đầu từ ngã ba thị trấn Gôi, người dân đã gửi xe để đi bộ vào các đền, phủ và chợ Viềng. Chợ Viềng đông nhất từ 0h00’ đến 2h sáng, bởi người đi chợ quan niệm rằng mua bán thời điểm đó đem lại nhiều may mắn nhất.
Vợ chồng ông Vũ Ngọc Tuấn, 54 tuổi ở Quỳnh Phụ, Thái Bình cho biết, gia đình ông đã đi chợ Viềng từ nhiều năm nay. “Năm nào hai vợ chồng cũng đi chợ Viềng để mua may mắn về nhà. Xuất phát từ nhà là 7h tối, đến nơi vừa kịp nửa đêm, đi chợ chúng tôi chỉ định mua một cây sung nhỏ, với mong muốn gia đình sung túc cả năm”, ông Tuấn chia sẻ.
Chị Thủy một người bán giỏ, bồ trẻ quê ở Hà Nam chia sẻ: "Để cho kịp phiên chợ, tôi phải đến chọn chỗ từ sáng, ngồi đến nửa đêm càng bán được nhiều hàng hơn".
“Chồng như cái giỏ, vợ như cái hom, mua về vợ chồng keo sơn gắn bỏ em ơi!”, vừa nói chuyện chị vừa đon đả mời khách mua hàng.
Tại phiên chợ độc đáo này, du khách dễ dàng bắt gặp sản phẩm thịt bê thui, nông cụ, cây cảnh và đồ cổ, giả cổ. Đây là những mặt hàng chính và chủ yếu góp phần là nên thương hiệu của chợ Viềng xuân. Người bán và người mua đều không đề cao vấn đề giá cả, ai cũng quan niệm “bán được là quý, mua được là may” nên giá cả rất phải chăng và mặc cả dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều tiểu thương lợi dụng phong tục này để hét giá mặt hàng lên cao.
Theo truyền thuyết, khi cờ mở hành quân đến đất Nam Giang thì ngựa của hai tướng bị hỏng móng phải dừng lại, nhân tiện có làng Vân Tràng nổi tiếng với nghề rèn truyền thống, nên đã nhờ bà con rèn lại móng ngựa và vũ khí mang theo. Trong khi chờ đợi, hai tướng đã ra lệnh cho lính lập đàn loan tin chiến thắng. Biết được, dân chúng ở khắp các xã, thôn lân cận đem trâu, bò về mổ ở làng Vân Tràng ăn mừng…Từ đó, bà con huyện Nam Trực lấy đêm ngày mồng 7 và sáng mồng 8 tháng Giêng làm ngày hội họp đầu xuân để tưởng nhớ hai vị tướng. Đồng thời, cũng là dịp nông nhàn để bà con trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và trưng bày, mua bán cây, con giống, đồ cổ…. Cũng theo giải thích của các cụ già, chữ “Viềng” trong từ chợ Viềng có nghĩa “về”, là “vầy”, sum vầy, hội tụ nhân dân khắp mọi nơi về chung vui. Phiên chợ mang ý nghĩa cầu may trong năm mới, mong một năm làm ăn thuận lợi, phát đạt, nhiều tài lộc. |
Chùm ảnh người dân đi chợ Viềng "mua may bán rủi":
Từ 23h đến 2h sáng ngày 7/2, đoạn đường từ ngã ba thị trấn Gôi đến khu vực Phủ Dầy, luôn ở trong tình trạng ùn tắc
Cây cảnh là mặt hàng được bày bán nhiều nhất ở chợ Viềng
Loại cây mới có tên phát lộc được khá nhiều người ưa chuộng, có giá 100.000 đ/ chậu nhỏ
Cây hoa giấy có giá khủng 35 triệu đồng
Vợ chồng ông Vũ Ngọc Tuấn (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đang lựa chọn cây sung ưng ý, với mong muốn một năm sung túc
Thịt bò, bê thui là món lễ vật đầu năm cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ xưa tới nay, nên hầu như ai đến chợ Viềng cũng cố mua cho được, dù ít hay nhiều. Nếu không, họ cũng phải ăn một bát bún, phở bò để lấy may đầu năm. Giá thịt bê, bò ở chợ Viềng năm nay giao động từ 230-260.000đ/ kg
Các sản phẩm nông cụ được bày bán chủ yếu để phục vụ người dân quanh vùng
Bà Ngần, 60 tuổi, bán muối ở chợ Viềng chia sẻ : “Mỗi phiên chợ Viềng tôi đi bán muối, gạo cũng chỉ kiếm được đôi ba trăm nghìn, nhưng năm nào cũng muốn đi bán để lấy may đầu năm”
Chợ Viềng có cả những món đồ cổ đắt giá…
…cho đến cuốn sách cũ
Đến khoảng 3h sáng, chợ bắt đầu tan dần. Trên khuôn mặt kẻ bán người mua ai nấy cũng đều rạng rỡ
Chị Thủy đếm lại tiền bán được cuối buổi chợ