Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ
Nữ VĐV chạy Grab giành HCV SEA Games: “Muốn bỏ cuộc hãy nghĩ từng cố gắng vì điều gì” - 2

Sáng 8/12/2019, Phạm Thị Thu Trang cùng đồng đội là nhà đương kim vô địch Nguyễn Thị Thanh Phúc tham gia thi đấu nội dung 10.000m đi bộ nữ. Đây là lần đầu tiên nữ vận động viên sinh năm 1998 tham dự Seagames sau khi được bổ sung vào danh sách thi đấu cuối tháng 9/2019.

Sau 10 vòng đầu tiên trên đường đua, Thu Trang và Thanh Phúc đã bỏ xa các đối thủ đến từ Malaysia, Thái Lan, Myanmar. Cuộc đua đoạt huy chương vàng Seagames 30 đã trở thành cuộc đua nội bộ giữa 2 vận động viên người Việt Nam.

Cuối cùng, Thu Trang đã vượt lên Thanh Phúc về đích đầu tiên với thời gian 52’59”45 để giành HCV.

Nữ VĐV chạy Grab giành HCV SEA Games: “Muốn bỏ cuộc hãy nghĩ từng cố gắng vì điều gì” - 3

Nhà vô địch đi bộ nữ Seagames 30 đã bật khóc ngay sau khi giành chiến thắng trước đàn chị Thanh Phúc. Đây có lẽ là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu của Thu Trang khi “đoạt vàng” ngay trong lần đầu tiên được tham dự Seagames.

Nữ VĐV chạy Grab giành HCV SEA Games: “Muốn bỏ cuộc hãy nghĩ từng cố gắng vì điều gì” - 4

Một ngày đầu tháng 3/2020, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Phạm Thị Thu Trang.

Thu Trang cho biết từ nhỏ, cô đã rất thích tập thể thao và tự đề nghị bố mình là ông Phạm Văn Binh (SN 1968, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) cho lên trường để tập luyện. Sau vài buổi tập thử nghiệm, làm một số bài test thể lực, huấn luyện viên đã đồng ý cho Thu Trang vào tổ chạy dài. Đến năm Trang học lớp 9, TP.Hà Nội có tổ chức một cuộc thi điền kinh và Trang đã giành được huy chương đồng.

Thấy con gái có năng khiếu thể thao, ông Binh tiếp tục đưa Trang đến trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Hà Nội để luyện tập. Nhờ những cố gắng của mình, Thu Trang đã được ký hợp đồng vận động viên điền kinh 5 năm với các cự ly tập luyện là 5km, 10km và sau này là 42km.

Nữ VĐV chạy Grab giành HCV SEA Games: “Muốn bỏ cuộc hãy nghĩ từng cố gắng vì điều gì” - 5

Tập luyện môn chạy cự ly dài trong điền kinh được khoảng 3 năm thì Hà Nội bổ sung nội dung tập luyện và thi đấu đi bộ, ban huấn luyện đã nhờ chuyên gia về tuyển quân. Thu Trang đã ngẫu nhiên được tuyển chọn để tập luyện bộ môn này. Nhờ sự “ngẫu nhiên” này mà giờ đây, thể thao Việt Nam có thêm một nhà vô địch trong đấu trường khu vực.

“Sau khi tập luyện và thi đấu được 3 năm với nội dung đi bộ, vào phút chót thì em lại được chọn vào đội tuyển tham dự Seagames 30. Tháng cuối cùng là đến ngày thi đấu nên em cũng không chuẩn bị được gì nhiều. Thầy trò cũng cố gắng làm sao thi đấu đạt được thành tích tốt nhất. Em cũng không ngờ là mình có thể đạt được thành tích như vậy”, Thu Trang khiêm tốn nói về tấm HCV của mình.

Nữ VĐV chạy Grab giành HCV SEA Games: “Muốn bỏ cuộc hãy nghĩ từng cố gắng vì điều gì” - 6

Thời điểm luyện tập tại đội điền kinh Hà Nội, nếu không có giải đấu, Thu Trang thường trở về nhà vào chiều thứ 7 mỗi tuần. Nữ vận động viên ở nhà cùng bố mẹ, anh chị em một ngày rồi lại khăn gói quay trở lại luyện tập vào chiều hôm sau.

Trong quãng thời gian này, thương bố mẹ ở quê nhà vất vả trong khi kinh tế gia đình cũng chẳng khá giả, Thu Trang đã quyết định chạy Grabbike để kiếm thêm thu nhập. Để bố mẹ không phải lo lắng, Thu Trang không tiết lộ chuyện này với ai.

Nữ VĐV chạy Grab giành HCV SEA Games: “Muốn bỏ cuộc hãy nghĩ từng cố gắng vì điều gì” - 7

Chia sẻ về công việc làm thêm, Thu Trang cho hay lúc đó không có giải đấu, ngoài thời gian luyện tập thì cô có khá nhiều thời gian rảnh nên quyết định đi làm thêm. Khi trở thành tài xế Grabbike, một phần nữ vận động viên muốn kiếm thêm thu nhập, một phần khác là muốn đi làm, thay đổi không khí cho thoải mái hơn. Đối với nghề tài xế mà đa phần chỉ có cánh mày râu lựa chọn vì sự vất vả này, Trang lại cho rằng công việc này bình thường, không có áp lực hay mệt mỏi gì cả.

“Công việc này lúc nào thích thì làm, không thích thì nghỉ chẳng có ai bắt buộc mình cả nên em thấy rất thoải mái”, Trang cười nói.

Ngày được chọn vào đội tuyển đi bộ để sang Philippines thi đấu, Thu Trang cũng không gọi về thông báo cho bố mẹ. Hôm đó, ông Phạm Văn Binh và bà Trịnh Thị Thủy (SN 1968, mẹ Trang) vẫn đi làm bình thường. Bà Thủy bận rộn việc đồng áng còn ông Binh vẫn miệt mài với những công trình xa nhà ở quận Hà Đông.

Chỉ đến khi Trang gọi điện về cho chị gái tâm sự về việc mình đang ở một phương trời xa lạ, thi đấu vì màu cờ, sắc áo thì cả gia đình mới biết con gái đang trên hành trình giành vinh quang về cho tổ quốc.

Khi Thu Trang đoạt được tấm HCV danh giá tại đấu trường khu vực, bố mẹ cô vỡ òa khi nhận tin từ thầy giáo và hàng xóm, chẳng thể ngờ cô con gái bé nhỏ, gầy gò lại có thể tỏa sáng rực rỡ như vậy. Ông Binh, bà Thủy chỉ dùng điện thoại đen trắng, trong khi ti vi ở nhà đã hỏng, có lẽ cuộc đua của Trang chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng của đấng sinh thành hay có chăng, là những đoạn video, clip ghi lại khoảnh khắc đó mà thôi.

Nữ VĐV chạy Grab giành HCV SEA Games: “Muốn bỏ cuộc hãy nghĩ từng cố gắng vì điều gì” - 8

Trong chuyến thăm quê nhà của Phạm Thị Thu Trang, chúng tôi đã có dịp gặp và tiếp xúc với bố mẹ và người thân của cô. Trong ngôi nhà 2 tầng nhỏ bé nhưng ấm cúng, ngoài 3 bức tranh, vật dụng được treo trang trọng nhất trong nhà là những tấm huy chương, thẻ tên tham gia thi đấu và bằng khen của cô con gái nhỏ.

Quãng thời gian trước khi Thu Trang trở thành Nhà vô địch đi bộ nữ Seagames 30, vì thương con gái vất vả tập luyện, bố mẹ cô đã muốn Trang về quê xin việc, trở thành một công nhân trong xí nghiệp hoặc đi học nấu ăn. Mẹ Trang cũng mong muốn con gái ở gần bố mẹ, đi làm vài năm, tích cóp được ít kinh tế rồi lấy chồng.

“Tôi không ngăn cấm con gái theo nghiệp thể thao, nhưng thấy Trang vất vả nên khuyên về quê gần bố mẹ, tích cóp được chút rồi lấy chồng. Nhưng Trang cứ quyết tâm theo nghiệp thể thao nên vợ chồng tôi cũng ủng hộ con”, bà Thủy chia sẻ.

Chia sẻ về việc từng được bố mẹ khuyên từ bỏ thể thao để trở về nhà, Phạm Thị Thu Trang cho hay cô đã phải… nói dối bố mẹ là đã xin nghỉ rồi và đang đợi ban lãnh đạo duyệt. Tuy nhiên thấy con xin nghỉ mãi mà không trở về nhà, ông Binh và bà Thủy cũng biết con quyết tâm nên không nhắc lại chuyện về quê lấy chồng nữa.

“Lúc bố mẹ muốn em về nhà thì em cũng không muốn làm bố mẹ buồn nên em cũng chỉ ậm ừ cho qua thôi. Lúc nào bố mẹ nói nhiều quá thì em cũng chỉ nói là con đã xin nghỉ rồi và đang đợi ban lãnh đạo duyệt thôi. Thời điểm đó em cũng không nói gì nhiều. Khi bố mẹ suy nghĩ cho em như vậy thì em cũng chỉ nghĩ rằng phải cố gắng làm sao để cho bố mẹ có niềm tin về mình hơn. Vì thế, em đã cố gắng chứng minh điều đó”, Trang nói.

Bật mí một số bí mật của bản thân, Thu Trang cho hay mình là một cô gái rất ít nói, sống nội tâm là chủ yếu. Ngoài việc tập luyện thì Trang cũng chỉ đam mê bộ môn… nấu ăn.

“Em vẫn đang độc thân. Cô gái 22 tuổi đời nhưng chưa một mảnh tình vắt vai”, Thu Trang cười.

Nói về những dự định trong tương lai, nữ vận động viên cho hay mục tiêu trước mắt của cô là cố gắng tập luyện thật tốt để có thành tích cao hơn trên các giải quốc tế sắp tới.

Thành tích cao của Trang không phải để dành riêng cho bản thân mình mà còn để cho gia đình, thầy cô và mọi người không thất vọng khi đặt niềm tin vào cô. Tương lai sẽ chẳng ai biết trước được điều gì, nhưng riêng với Phạm Thị Thu Trang, gia đình, thầy cô và người hâm mộ sẽ luôn là động lực để cho cô tiến bước xa hơn nữa trong sự nghiệp thi đấu của mình.

“Trước khi bạn muốn bỏ cuộc thì hãy nghĩ đến bạn đã từng cố gắng vì điều gì. Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, Thu Trang chia sẻ câu châm ngôn tâm đắc của mình.

 

Ảnh: NVCC

Bài viết: Đức Sơn

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Sự kiện: 24h vạn dặm
Thứ Bảy, ngày 14/03/2020 10:00 AM (GMT+7)
Theo Trung Nam - Đức Sơn ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN