“Nữ tướng” làng biển
Nhiều người nghĩ khi siêu bão Chanchu cướp đi người chồng, phá nát gia sản, bà sẽ suy sụp. Vậy nhưng, chỉ sau ba năm người phụ nữ ấy đã đứng dậy.
Đúng ngày hôm nay (18/2), con tàu 880 mã lực mới toanh của bà sẽ chính thức rời bến trực chỉ ngư trường Hoàng Sa...
Bà trở lại với biển không chỉ để thỏa lòng “vươn khơi xa” của người chồng ngày nào mà còn để trả nợ cho những người bạn cùng gửi thân xác với chồng mình ở Hoàng Sa. Bà là Lê Thị Huệ, 46 tuổi, ở làng biển Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Khép lại quá khứ buồn
Sáng đầu xuân, trời nắng gay gắt lạ thường. Toàn xưởng đóng tàu ở âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng chỉ thấy những người đàn ông mồ hôi thấm đẫm vạt áo sần sùi. Cố len sâu vào bên trong công xưởng, giữa những đống gỗ ngổn ngang ì ầm trong tiếng cưa xẻ, chúng tôi mới tìm thấy bà. Thoạt đầu mới gặp, ít ai nghĩ người phụ nữ này đã lên chức “bà” bởi bà bận quần jean, áo thun rất năng động.
Ấn tượng đầu tiên đó là một phụ nữ cá tính đậm chất biển. Đúng y như giọng điệu mà trước đó tôi nghe qua điện thoại: “Tui đang chạy đi công chuyện. 30 phút nữa có mặt. Chuyện chi thì cứ tới thẳng xưởng đóng tàu hỉ (nhé)”... Bà Huệ đang ở trong con tàu vừa được đóng mới. Tay đưa túi đựng đồ ăn cho thợ, bà vừa nói vừa cười... làm không khí lao động trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ. Tiếng bà vang lanh lảnh cả một góc nhà xưởng.
Bà Huệ tại xưởng đóng tàu ở âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng - Ảnh: Đăng Nam
Vui vẻ, xuề xòa là vậy, thế nhưng khi nhắc lại trận bão Chanchu thì gương mặt bà Huệ trầm ngâm hẳn. Bà tâm sự: “Đó là quãng thời gian mà tui như người chết đi rồi. Không thiết ăn uống chi, sụt đi 16kg liền”. Hồi đó, với bốn chiếc được xem như một “hạm đội” thuộc loại lớn nhất, nhì của Đà Nẵng, đội tàu của bà Huệ được coi là “ngôi sao” đánh bắt xa bờ. Đã vậy, ông Nguyễn Út Thanh (chồng bà) lại là một thuyền trưởng kiên cường, đạp cưỡi đầu không biết bao nhiêu con sóng dữ ở hai ngư trường lớn là Hoàng Sa và Trường Sa... Vậy nhưng, kết cục đoàn tàu ấy đã không thắng được cơn cuồng phong mang tên Chanchu.
Sau trận siêu bão ấy, cả gia đình bà gần như chìm hẳn dưới đáy của nợ nần. Gần 1,2 tỉ đồng mà người chồng đứng ra vay để mua sắm ngư cụ trang bị cho bốn con tàu cũng bay theo bão. Khi nghe tin chồng không trở về nữa, bà Huệ gần như suy sụp hoàn toàn. “Hơn 20 năm sống với biển, rồi ổng cũng chết ở biển. Đó cũng là cái nghiệp thôi” - bà Huệ nhìn ra biển buồn buồn nói. Chồng chết, để lại cho bà bốn con thơ nheo nhóc. Ba con tàu trở về được đất liền thì không tàu nào có thể đi biển trở lại được. Chồng chết, bạn đi tàu chết, lưới cùng ngư cụ mất, tiền lãi vay ngân hàng ngày nào cũng réo..., tất cả cùng lúc đổ ập lên người phụ nữ khổ đau ấy.
Sau nhiều đêm nghĩ nát nước, bà quyết định bán hết cả ba con tàu nát để trả nợ ngân hàng. “Mãi đến ba năm sau, tức năm 2009 tui mới trả hết nợ đó chú. Mỗi lần ra cảng cá, sờ vô bánh lái của tàu người ta tui lại thấy ổng hiện về, lại chảy nước mắt” - bà Huệ nói, tay vén áo lau nước mắt. Quyết tâm trở lại với biển cả cứ lớn dần trong bà. Người phụ nữ làng chài Thanh Khê ấy bỗng vùng lên mạnh mẽ như con sóng. Bà muốn khép lại một quá khứ buồn và nối tiếp nghiệp biển mà chồng mình dang dở.
Trở lại với biển xanh
Nhà có sáu chị em gái thì có đến năm người theo nghề kinh doanh, còn bà Huệ lại khác, bà theo nghiệp biển như cha của mình. Đến khi lấy chồng là một ngư dân làng biển Thanh Khê, bà vẫn thầm nhủ đời mình phải gắn liền với biển cả. Khi chồng chuẩn bị ra khơi, bà Huệ là hậu phương lo liệu hậu cần cho những chuyến tàu. Lúc những chuyến tàu đầy ăm ắp hải sản về bờ, bà lại quần quật lo việc tiêu thụ.
Tàu 880 mã lực của bà Huệ vừa được hạ thủy, sẵn sàng cho chuyến đi đầu tiên ra ngư trường Hoàng Sa ngày 18/2. - Ảnh: Đ.N.
Siêu bão gây hậu quả tàn khốc Bão Chanchu năm 2006 (bão số 1) là siêu bão thứ nhất của mùa bão Thái Bình Dương, hình thành ngày 5/5/2006 và tiến vào biển Đông ngày 13/5. Mặc dù bão không ảnh hưởng trực tiếp tới VN nhưng đã gây ra hậu quả khủng khiếp cho hàng trăm ngư dân đang hành nghề trên khu vực biển Đông. Thời điểm bão vào có 43 tàu với hơn 700 ngư dân VN đang hoạt động tại vùng cơn bão đi qua. Tính đến ngày 28/5/2006 đã có 273 người chết và mất tích do bão Chanchu. Trong đó, số người mất tích là gần 200 người. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân miền Trung của VN, siêu bão này còn tàn phá nhiều quốc gia khác như Philippines, Trung Quốc khiến hàng chục người thiệt mạng. |
Nhưng cuộc trở về với biển của bà Huệ chẳng dễ dàng gì. Bà mang sổ đỏ đi cầm cố để lấy tiền đóng tàu nhưng người ta không đồng ý. Vậy là bà bán nhà luôn để lấy hơn 1 tỉ đồng, cùng với số tiền vay mượn, địa phương hỗ trợ, giữa năm 2011 bà bắt tay đóng mới con tàu công suất 605 mã lực. Từ một phụ nữ bình thường của làng biển, bà dấn thân vào công việc mà trước đây người chồng đảm trách. Bà cùng thợ sang xưởng gỗ đi chọn, đo từng mét khối gỗ để đưa về xưởng đóng tàu Bắc Mỹ An (Sơn Trà). Xong xuôi bà lại điện cho đối tác rồi bay vào TP.HCM để mua máy, động cơ tàu.
Những tưởng sau hơn ba tháng con tàu sẽ được hạ thủy. Vậy nhưng ông trời lại thử thách lòng người, trút mưa dầm dề cả tháng trời khiến công việc đóng tàu phải đình đốn. Để rồi mãi sáu tháng sau, con tàu ĐNa 90422 mới chính thức vượt sóng ra khơi. Ngày hạ thủy, bà lặng lẽ thắp nén nhang lên bàn thờ chồng khấn: “Ông ra đi thanh thản nghe! Tui sẽ thay ông vực dậy những con tàu”...
Và quả thật bà đang làm sống lại những con tàu mới với công suất cũng thuộc hàng “top” ở Đà Nẵng hiện tại. Sau khi hạ thủy tàu ĐNa 90422 và giao lại cho bạn đi biển, chiếc thứ hai có công suất máy lên đến 880 mã lực, trị giá hơn 2,3 tỉ đồng của bà cũng vừa hoàn tất thủ tục cuối cùng: hạ thủy. “Ngày mai (18/2) tàu nhổ neo ra khơi chuyến đầu đó nghe” - bà Huệ nói giọng đặc sệt dân biển.
Niềm vui của bà Huệ còn lấp lánh hơn khi anh Tư, con bà, đã học xong bằng máy trưởng. Bà nói anh Tư không chỉ là niềm hãnh diện của cả gia đình mà còn có một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là phải cầm lái con tàu 880 mã lực để ra lại đúng nơi cha cùng các bạn tàu vĩnh viễn nằm xuống. Bà nói về đứa con trai duy nhất trong số bốn người con quyết định theo nghiệp biển của người cha quá cố với giọng điệu rất vui và hạnh phúc.
Gần trưa, bà Huệ nhìn đồng hồ rồi vội vàng đứng dậy bảo: “Phải về nấu cơm cho mấy đứa nhỏ. Để tụi nó ăn cơm bụi tui không yên tâm”. Nói rồi bà vù xe hòa vào dòng người...