Nữ phi công trẻ đón giao thừa trên trời

“Những ngày Tết phải có những người làm để nhịp sống vẫn giữ được thăng bằng, để những chuyến bay là cầu nối đưa hành khách về sum họp cùng gia đình”- Nữ cơ phó Nguyễn Kim Châu chia sẻ.

Với dáng người khỏe khoắn, tóc cắt ngắn, chiếc răng khểnh duyên dáng mỗi khi cười, nữ cơ phó Nguyễn Kim Châu (1989)  là cô gái nhỏ tuổi nhất của Đoàn bay 919 - Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Hiện Châu đã có hơn 1.000 giờ bay an toàn. Châu tâm sự, việc cô đến với nghề phi công rất tình cờ. Học hết cấp 3, trong thời gian định đi du học, chỉ vì đọc qua một mẩu tin Vietnam Airlines tuyển phi công, Kim Châu đã quyết định đăng ký và trải qua các cuộc tuyển trạch gắt gao để được vào học lớp huấn luyện phi công.

Nữ phi công trẻ đón giao thừa trên trời - 1

Nữ cơ phó Nguyễn Kim Châu.

Để có thể trở thành phi công, Châu đã phải trải qua những chuỗi ngày căng thẳng, chịu đựng gian khổ và rèn luyện ở các vòng kiểm tra thể lực nhịp tim huyết áp, bài thi trắc nghiệm phản xạ.... Sau đó, Châu tiếp tục đi huấn luyện ở nước ngoài với hơn 200 giờ bay và hoàn thành một số bài thi để trở thành cơ phó.

“Để trở thành phi công, mỗi ngày học viên làm việc bắt đầu từ 4 giờ sáng, mải miết đến 24 giờ. Thời gian nghỉ đều phải tự ép mình vào những bài tập khắt khe để đảm bảo sức khỏe” - Kim Châu cho biết.

Có lẽ các lớp huấn luyện nghiêm khắc và đầy khổ cực đã tôi luyện cho Kim Châu trở thành một cô gái rắn rỏi và đầy bản lĩnh so với tuổi đời.

Là con cả trong gia đình, từ khi trở thành phi công, chưa bao giờ Kim Châu đón Tết trọn vẹn cùng ba mẹ và 2 em gái. Dịp Tết nào Châu cũng phải xa nhà, dù chỉ là những chuyến bay ngắn trong 3 ngày Tết.

Châu nghĩ những ngày Tết phải có những người làm để nhịp sống vẫn giữ được thăng bằng, để những chuyến bay là cầu nối đưa hành khách về sum họp cùng gia đình.

Nữ phi công trẻ đón giao thừa trên trời - 2

Với Kim Châu, được phục vụ hành khách cũng là niềm vui lớn trong dịp Tết.

Lần đầu phải đón Tết trong khoang lái đóng chặt cửa, cô gái độc thân ấy không khỏi chạnh lòng với rất nhiều cảm xúc lạ và nỗi nhớ nhà.

Đêm chuyển giao năm mới, người người tụ họp hàn huyên chuyện cũ thì với Châu, khoảnh khắc giao thừa có khi chỉ là những đốm sáng nhỏ lóe lên rồi vụt tắt của chùm pháo hoa trên bầu trời, là tiếng ù ù bên tai của động cơ, là sự rung lắc của máy bay khi đi vào vùng gió…

“Thấy mọi người quây quần bên nhau trong ngày Tết lại thấy nhớ nhà đến nao lòng. Đêm đêm, nhà nhà sum họp, cùng nâng ly chúc mừng năm mới thì những phi công vẫn lại chênh vênh trên trời. Nhưng mình hiểu, niềm vui của phi công là chuyến bay an toàn, giúp hành khách đoàn tụ cùng gia đình” - Kim Châu vui vẻ chia sẻ.

Đã từ lâu, những nữ phi công không còn khái niệm ngày cuối tuần hay lễ tết. Họ tính ngày tháng theo khái niệm ngày bay, ngày không bay, xa bố mẹ, chồng con.

Khi được chúng tôi hỏi, nghề vất vả thế liệu Châu có tính chuyện bỏ nghề không? thì Châu vừa lắc đầu vừa cười nói, mỗi người đều có sự lựa chọn về nghề nghiệp riêng và đã chọn nghề thì phải luôn tâm huyết mới làm tốt công việc được.

Có lẽ chính vì thế mà đêm giao thừa Tết này và sẽ nhiều đêm giao thừa nữa Kim Châu còn tiếp tục sát cánh cùng các chuyến bay để phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Q. Dũng (Vietnamnet)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN