Nữ dược sĩ tố tiêu cực bị sa thải, đã đi làm trở lại
Ngày 27.1, dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, nhân viên Trung tâm Giám định y khoa - pháp y tỉnh Bình Phước đã nhận được quyết định trở lại làm việc sau hơn 1 năm bị sa thải do chống tiêu cực.
Liên quan vụ nữ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh (SN 1983) bị cho thôi việc trái pháp luật vì đã tố cáo tiêu cực tại Phòng Giám định y khoa (nay là Trung tâm Giám định y khoa - pháp y) thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, hôm nay (27.1) trung tâm này đã mời cô Oanh đến trụ sở để nhận quyết định thu hồi “quyết định số 124/QĐ-GĐYK ngày 30.9.2013”, do ông Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng Giám định y khoa ký ban hành để sa thải trái pháp luật đối với chị Oanh.
Dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh vui mừng vì đi làm trở lại từ ngày 28.1.
Bác sĩ Từ Phương Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước (hiện đảm trách trung tâm) cho biết: Việc thu hồi quyết định số 124 đồng nghĩa chị Oanh đi làm trở lại. Trung tâm cũng đề nghị làm việc từ đầu tháng 2.2015 để dễ tính lương, nhưng chị Oanh có nguyện vọng đi làm trở lại từ ngày mai (28.1). Về chế độ lương - thưởng căn cứ theo Điều 41 Bộ luật Lao động, tính từ thời điểm chị Oanh bị sa thải trái luật.
Như Dân Việt đã thông tin, sau khi bị cho thôi việc trái luật, chị Oanh làm đơn khiếu nại gửi Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bình Phước và đơn vị này đã chỉ đạo nhiều cơ quan chuyên môn như: LĐLĐ tỉnh, Sở LĐTBXH tỉnh thẩm tra quy trình, thẩm quyền…, để ông Loát ban hành quyết định sa thải chị Oanh.
Ngày 3.12.2013, UBKT Tỉnh ủy Bình Phước ban hành văn bản 378, kết luận: “Căn cứ điều 26 của Bộ luật Lao động năm 2012, qua đối chiếu thực tế, UBKT Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định Phòng Giám định y khoa (GĐYK) áp dụng hình thức sa thải đối với nữ dược sĩ Oanh với nội dung sai phạm - đã có hành vi tố cáo sai sự thật gây thiệt hại nghiêm trọng về lợi ích của người sử dụng lao động như: Gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của một số cá nhân của Phòng GĐYK, tập thể Phòng GĐYK và Sở Y tế tỉnh Bình Phước - là không đúng. Các trường hợp để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải không có quy định hành vi tố cáo sai sự thật”.
Cũng theo UBKT Tỉnh ủy Bình Phước, căn cứ khoản 47.3 điều 32, Quy định 45-QĐ/TW ngày 1.11.2011 của Ban Chấp hành Trung ương, quy định: “Không để người bị tố cáo chủ trì giải quyết tố cáo liên quan đến bản thân”. Vì vậy trong trường hợp này, ông Loát là người bị tố cáo nhưng lại chủ trì xử lý kỷ luật bà Oanh là sai quy định.
Từ những kết luận trên, UBKT Tỉnh ủy khẳng định ông Loát ra quyết định sa thải dược sĩ Oanh là trái thẩm quyền. Vì vậy UBKT Tỉnh ủy đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo thu hồi quyết định sa thải dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh. Đồng thời phải tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan đến những sai phạm mà dược sĩ Oanh tố cáo đúng, phải đảm bảo khách quan, đúng người, đúng việc.
Sau khi các cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra tính pháp lý của quyết định 124 do ông Loát ký, đã tái khẳng định quyết định đó trái luật nên đầu tháng 1.2015, ông Nguyễn Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo Sở Y tế phải thu hồi quyết định sa thải trái luật đối với chị Oanh. Đồng thời, giao cho Đảng ủy Khối cơ quan Dân chính Đảng xem xét và thực hiện khách quan, nghiêm túc việc kỷ luật ông Loát.
Theo Hoàng An ([Tên nguồn])