Nữ công nhân bị máy mài lột nửa da đầu

Trong lúc cúi xuống để nhặt miếng đế giày bị rơi, chị Lê Thị H.(37 tuổi), công nhân tại một xưởng sản xuất giày da ở Thanh Hóa bất ngờ bị cuốn mái tóc dài vào máy đang chạy khiến da đầu tuột một nửa, bong thành nhiều mảng.

Ngay lập tức, chị Hương được sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong đêm 17/1 trong tâm trạng hoảng loạn, đau đớn, cùng với 3 mảng da đầu bị đứt rời được bảo quản đúng cách trong đá lạnh.

Theo bác sĩ Đào Văn Giang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức, sau gần 2 tiếng làm các xét nghiệm cần thiết và hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định nối mảng da đầu đứt rời cho chị Hương.

Nữ công nhân bị máy mài lột nửa da đầu - 1

Chị Hương sau 1 tuần được ghép da đầu

“Chúng tôi xác định đây là một ca khó, da đầu bị giằng xé thành nhiều mảng nhỏ, các tổ chức da bị dập nát, khả năng thành công có thể không cao. Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp tạo hình nào có thể phục hồi hoàn toàn cấu trúc da đầu vốn có như ghép nối, hơn nữa vùng gần thái dương bị lộ xương, nếu không nối xương, sọ sẽ bị lộ và rất khó cho tạo hình về sau. Chính vì thế, các bác sĩ đã cố gắng nối lại ngay mảng da đầu bị đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu” - bác sĩ Giang chia sẻ.

Theo bác sĩ Giang, thông thường da đầu sẽ bị lột toàn bộ khi bị giằng giật mạnh, nhưng trường hợp bệnh nhân Hương. đặc biệt ở chỗ da chỉ bị lột một nửa và chia thành nhiều mảng nhỏ. Mảng lớn nhất có kích thước 6x12 cm, còn lại khoảng 3x4 cm, 4x5 cm.

Trong số các mảng da được đưa đến, bác sĩ lọc ra được 3 mảng tương đối lớn. Mảng lớn nhất nằm ở vùng gần thái dương - nơi xương sọ bị lộ, có nhiều động mạch nên các bác sĩ nối trước.

Các mảng còn lại kích thước nhỏ, không có mạch náu nên không nối lại được. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn lấy một lớp mỏng của các mảng da này (da đầu khá dày, có 5 lớp) để ghép phần còn thiếu da để che phủ, phần da này tóc không mọc được.

Ca vi phẫu kéo dài từ 5 giờ sáng đến 15 giờ cùng ngày. Đến chiều 23/1, mảng da đầu được nối đã sống, tóc bắt đầu mọc lại và đều như vùng tóc cũ.

Nhớ lại tai nạn xảy ra với mình cách đây hơn 1 tuần chị Hương vẫn chưa hết bàng hoàng: “Công việc hằng ngày của tôi là mài đế giày trên máy. Cuối năm, muốn có thêm thu nhập lo cho gia đình nên tôi đã tăng ca, không ngờ do chút bất cẩn mà tai nạn lại xảy ra. Lúc đó, vừa đau đớn vừa hoảng loạn, tôi ngồi thụp xuống và kêu người đối diện tắt máy. Nhưng do hàng hóa nhiều, lại cuống nên phải mất một lúc mới tắt được. Lúc lên bàn mổ, nhìn hình ảnh phản chiếu qua đèn mổ thấy mất tóc, đầu bay mảng da, máu chảy, hoảng quá tôi ngất luôn, không biết gì”- chị Hương nhớ lại.

Dự kiến, 2-3 ngày nữa bệnh nhân Hương có thể xuất viện. Khoảng 6 tháng sau bệnh nhân có thể trở lại bệnh viện để làm phẫu thuật giãn da đầu với mục đích có phần da đủ lớn để che phủ phần da không có tóc còn lại và lúc đó toàn bộ da đầu sẽ có tóc.

Bệnh viện đã thực hiện nối khoảng 10 trường hợp lột toàn bộ da đầu do tai nạn lao động, tai nạn giao thông nhưng đây là trường hợp đầu tiên da đầu đứt một nửa lại giập nát với nhiều mảng nhỏ.

Cũng theo bác sĩ Giang, nối da đầu cũng như nhiều bộ phận cơ thể khác bị đứt rời đều có thể thực hiện được nếu bảo quản đúng cách, tuy nhiên trong thực tế có nhiều người nghĩ không nối được nên vứt đi, rất phí. Trong các trường hợp như vậy, người bị nạn hoặc những người xung quanh nên gom tất cả các mảnh da đầu lại, bảo quản đúng cách và mang ngay đến bệnh viện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN