Nữ cảnh sát hình sự - Chuyện 20/10
Có tội phạm sành sỏi, thủ đoạn che giấu hành vi thú nhận rằng vì “không qua nổi ải mỹ nhân” nên khi đối mặt với Kpă Phong mới tuồn tuột khai ra hết! Còn đồng nghiệp và cấp trên của nữ trung tá người Jơ Rai công nhận chị là “của hiếm” trong nghề cảnh sát hình sự, vốn không dễ dàng với phụ nữ.
Chị khéo léo hỏi cung các bị can tại Nhà tạm giữ
Tuần tra, phá án xuyên đêm
Lần đầu gặp trung tá Kpă Phong, tôi không khỏi bất ngờ. Té ra vị thủ lĩnh khắc tinh tội phạm này không hề “thét ra lửa”, mà ngược lại, chị ngọt ngào và duyên dáng đến lạ.
Quê ở xã Ia Glai (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhưng chào đời tại TP Plei Ku rồi học phổ thông ở huyện Ayunpa, cha mẹ đều là bộ đội. Từ nhỏ Kpă Phong được rèn tính kỷ luật và tác phong quân nhân. “Nhưng mình lại yêu nghề cảnh sát hình sự (CSHS) từ những giờ học Giáo dục công dân, nghe thầy kể về vai trò của lực lượng công an trong việc gìn giữ an ninh trật tự xã hội. Có lần mình xung phong phân tích một tình huống pháp luật, được thầy khen và tuyên bố trước lớp: Kpă Phong thế nào sau này cũng vào ngành Công an! Lời cổ vũ của thầy là động lực của mình” - Kpă Phong kể.
Nữ trung tá Cảnh sát hình sự tại bàn làm việc. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Tốt nghiệp phổ thông, Kpă Phong thi vào Trung cấp an ninh, nhưng cán bộ tuyển sinh đến tận nhà bảo “đang cần tuyển 2 nữ đẹp nhất vào lực lượng cảnh sát”. Lúc bấy giờ Kpă Phong cao 1m62, nặng 55 ký, 3 vòng chuẩn, được dân làng gọi là hoa khôi. Quả nhiên tháng 10/1997, cô nhận được quyết định đi học khoa Điều tra trường Đại học Cảnh sát. Vào trường, nữ học viên Jơ Rai xinh đẹp luôn được chọn vào hàng đầu điều lệnh. Sau 5 năm trui rèn, Kpă Phong tốt nghiệp ra trường, được điều thẳng về đội Điều tra Công an huyện Ayunpa.
Xa nhau suốt 3 năm, cuộc tình giữa Kpă Phong với người bạn cùng lớp càng thắm thiết. Năm 2006 đôi bạn kết hôn. Kpă Phong theo chồng sang Đắk Lắk, chị vào Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) công an thành phố Buôn Ma Thuột, còn anh về Đội CSHS công an tỉnh. Sự gương mẫu và nhiệt huyết cống hiến, tài năng về nghiệp vụ cảnh sát của chị được đồng nghiệp ghi nhận.
Hiện là Phó đội trưởng chỉ huy hơn 40 chiến sĩ cảnh sát hầu hết nam giới, nữ trung tá Kpă Phong vẫn thường cùng đồng đội trực chiến xuyên đêm khắp 13 phường 8 xã. Ban ngày, ngoài việc xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho toàn đội, chị còn duyệt hồ sơ vụ án, cùng lực lượng trinh sát hình sự đi tuần tra mật phục, triệt phá được nhiều băng nhóm trộm cướp, ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Những cuộc đấu trí ly kỳ
Một trong nhiều vụ Kpă Phong cùng đồng đội phá án thành công gần đây là vụ điều tra một công ty quảng cáo sai sự thật, rằng đã liên kết với trường đại học Phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an để mở lớp đào tạo lái xe tại Buôn Ma Thuột. Từ lá đơn tố cáo của 7 nông dân cư trú ở các huyện xã vùng sâu, Đội CSHS Công an TP Buôn Ma Thuột lần ra cả đường dây lừa đảo tới hơn 400 học viên, với tổng số tiền băng nhóm này chiếm đoạt lên đến gần 2,1 tỷ đồng.
Kpă Phong được khen là “của hiếm” không chỉ bởi chị là nữ luôn xông pha vào những việc hiểm nguy gian khó, mà chị còn đặc biệt về tài cảm hóa, giỏi thuyết phục được các can phạm chịu khai chính xác những hành vi phạm pháp đã gây ra.
Có lần Kpă Phong đấu trí với băng trộm cắp xe máy liên tỉnh, 5 đối tượng bị bắt nhưng hơn 20 chiếc xe máy lấy được chúng bán trót lọt qua bên kia biên giới, cả nhóm ngoan cố chối tội đến cùng. Ngoài những chứng cứ khó phủ nhận, chị còn sử dụng những từ ngữ thật đanh thép, “nặng lời”, khiến tên cầm đầu xấu hổ đến mức phải chịu khuất phục. Với vụ trộm cắp tại nhà một cán bộ ở khu Metro, với kỹ thuật định vị imei điện thoại, Đội CSHS đã bắt được tên cầm đầu ở tỉnh Khánh Hòa. Tên trộm mới ngoài 20 tuổi cứ đập đầu kêu oan, các điều tra viên phải đội mũ bảo hiểm cho hắn và thường xuyên canh chừng. Kpă Phong nhẹ nhàng khuyên nhủ, mãi tới lúc hắn mềm lòng, xin gặp được người yêu xong mới thú tội.
“Với can phạm gian xảo, nhiều khi phải đấu trí rất gay go” - Kpă Phong nhớ lại lần hỏi cung đối tượng trộm cắp vốn là giám đốc một công ty xây dựng cầu đường. Ông này ghé ô tô đổ xăng, thấy chủ cây xăng có 2 điện thoại xịn để sau quầy thu ngân bèn nhanh tay chộp. Nạn nhân biết mất của thì thủ phạm đã đi rồi. Nhận tin báo, Đội CSHS vào cuộc, trích xuất hình ảnh từ camera, chặn được ô tô, lục soát thấy ngay 2 chiếc điện thoại tang chứng. Kẻ gian kêu không để ý ai đã vứt điện thoại vào xe để vu khống. Sau 2 ngày Kpă Phong cho xem hình ảnh từ camera và kiên nhẫn thuyết phục, nghi phạm đành thú nhận do nghiện ma túy, làm ăn thua lỗ, nợ nần nên làm liều, và “xin gửi cô một ít, cô bỏ qua cho tôi vụ này”. Kpă Phong từ chối, hứa sẽ tác động để bị hại rút đơn bãi nại nếu y khai báo thành khẩn. Tới khi tên trộm “nhập kho”, cán bộ quản giáo kể bị can này chỉ ước được gặp lại nữ điều tra viên đã hỏi cung mình. Bởi, “Cả đời lăn lộn chai sạn đủ kiểu, đây là lần đầu tiên bị can không qua được “ải mỹ nhân” bởi nữ trung tá quá khéo điều tra”.
Tập thể, cá nhân của Đội CSHS Công an TP Buôn Ma Thuột đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó, có thành tích không nhỏ của nữ trung tá Kpă Phong.
Thiếu tá Kiều Mạnh Hùng-Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột gọi Kpă Phong là “nữ cảnh sát gương mẫu nhất”. Trung tá Trần Thanh Bình-Đội trưởng Đội CSHS khẳng định “Đấu tranh mềm nắn rắn buông với tội phạm hiệu quả như Kpă Phong, thì anh em thua đứt”. Còn Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Buôn Ma Thuột, đại úy Phạm Thị Phương Dung thì cho biết “Tất cả chị em trong lực lượng công an thành phố đều yêu mến và đánh giá cao Kpă Phong, một nữ cán bộ giàu tình cảm, rất nhiệt tình giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ mới vào nghề. Chị cũng là gương sáng về sắp xếp hài hòa, vẹn toàn cả mọi việc chung-riêng, là một nữ lãnh đạo xuất sắc cũng đồng thời là hậu phương vững chắc cho chồng vun đắp sự nghiệp, không ngừng vươn lên”.
Trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 này, các nữ cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) vẫn cần mẫn đứng phân luồng,...