Nữ cảnh sát bảo vệ mục tiêu: “Thanh xuân của tôi không giống các bạn nữ khác”
"Thanh xuân của tôi không giống với các bạn nữ khác, tôi không hay được mặc những bộ váy đẹp, ít khi được đi chơi…”, thượng uý Diệu Anh nói.
Thượng uý Diệu Anh là cảnh sát bảo vệ mục tiêu, từng đảm nhận nhiều vị trí canh gác tại các đại sứ quán.
Sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù là ngày hay đêm
Khoác lên mình màu áo của người lính cảnh sát, mạnh mẽ, quyết đoán trong thực hiện nhiệm vụ nhưng không kém phần duyên dáng của người phụ nữ, đó là Thượng uý Nguyễn Diệu Anh, sinh năm 1994 – Đại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an).
Với mơ ước trở thành chiến sỹ cảnh sát từ thuở bé, Diệu Anh thi vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân. Năm 2014, Diệu Anh được phân công về công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an).
Diệu Anh kể chị và đồng đội thường xuyên phải đứng gác ngoài trời, mỗi ngày thực hiện nhiệm vụ ba ca gác.
Dù là phái yếu, nhưng Diệu Anh quan niệm “đã khoác lên mình bộ quân phục cảnh sát đặc nhiệm, thì nhiệm vụ là như nhau”, vì thế, bản thân chị luôn sẵn sàng trực tiếp cùng đồng đội tham gia các chuyên án hay chuẩn bị tinh thần nhận nhiệm vụ dù là ngày hay đêm.
“Lúc đó, trung đội nữ cảnh sát đặc nhiệm thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, nơi tôi từng công tác có hơn chục đồng chí là nữ. Với nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin, tham gia vây bắt tội phạm nguy hiểm..., mọi hoạt động tập luyện, rèn luyện thể lực, phụ nữ cũng đều được thực hiện như nam giới”, thượng uý Diệu Anh kể.
Các cảnh sát nữ cũng phải thực hiện chế độ chiến đấu, ăn ở tập trung. Một ngày bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng và kết thúc lúc 17 giờ chiều với 80% thời gian là huấn luyện ngoài thao trường, ở mọi điều kiện thời tiết, kể cả nhiệt độ ngoài trời nóng tới 39, 40 độ C hay lạnh dưới 10 độ C, phải tập luyện thành thạo nhiều nội dung chiến thuật như võ thuật, xuống dây nhà cao tầng, bắn súng...
“Trong quá trình huấn luyện, không có bài tập nào dành riêng cho nữ cả, tất cả các bài tập cho nam nữ đều giống nhau. Có rất nhiều nội dung tập tại thao trường đòi hỏi yêu cầu cao về thể lực, đối với nam giới đã là khó chứ chưa nói đến phụ nữ. Tuy nhiên, dù thể lực và khả năng còn nhiều hạn chế so với nam, nhưng bằng sự yêu nghề của mình, tôi vẫn cố gắng nỗ lực hết mình”, thượng uý Diệu Anh chia sẻ.
3 năm công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, thượng uý Diệu Anh cùng đồng đội tham gia nhiều chuyên án như bắt hàng lậu, chống khủng bố…mỗi chuyên án đều để lại kỷ niệm khiến chị không thể nào quên. Đến khi nữ cảnh sát lập gia đình, có con nhỏ, chị đã xin chuyển công tác sang Đại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao.
“Khoác lên mình bộ quân phục cảnh sát tôi rất tự hào”
“Chồng tôi cũng là một cảnh sát đặc nhiệm, nếu 2 vợ chồng làm ở đây thì sẽ không có thời gian chăm sóc cho con cái nên tôi muốn chuyển công tác để có thời gian hơn”, thượng uý Diệu Anh nói.
Đến nay, Diệu Anh đã có 7 năm làm công việc cảnh sát bảo vệ mục tiêu, từng đảm nhận nhiều vị trí canh gác tại các đại sứ quán. Đặc thù công việc cảnh sát bảo vệ là thường xuyên, liên tục canh gác, bảo vệ mục tiêu. Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất rất vất vả, nhiều khi phải đối mặt với các rủi ro, nguy hiểm thường trực.
Đến nay, thượng uý Diệu Anh đã có 7 năm làm công việc cảnh sát bảo vệ mục tiêu.
Diệu Anh kể chị và đồng đội thường xuyên phải đứng gác ngoài trời, mỗi ngày thực hiện nhiệm vụ ba ca gác, mỗi ca kéo dài 6 giờ đồng hồ. Nhiều hôm do bận công việc nên việc đưa đón con đi học chị phải thuê người hỗ trợ.
“Chồng tôi làm cảnh sát đặc nhiệm một tháng chỉ tranh thủ về nhà được hai lần nên việc chăm sóc con hoàn toàn do tôi đảm nhận. Có bố mẹ làm trong ngành nên con tôi cũng chịu nhiều thiệt thòi, cháu ít được bố mẹ đưa đi chơi như các bạn cùng trang lứa. Đến hiện tại, vợ chồng tôi chưa dám nghĩ đến sinh cháu thứ hai”, thượng uý Diệu Anh tâm sự.
Nữ cảnh sát cho biết, dù kết hôn được 7 năm nhưng vợ chồng chị cũng ít có thời gian đi chơi với nhau, những lời hỏi thăm, quan tâm chỉ gói gọn trên màn hình điện thoại.
“Từ khi yêu và kết hôn, cả hai vợ chồng tôi chưa từng một lần to tiếng, cãi vã. Mỗi khi thấy tôi nóng thì anh ấy luôn nhường tôi hoặc ngược lại nên khi vợ chồng ở nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười”, thượng uý Diệu Anh chia sẻ bí quyết giữ lửa hạnh phúc.
Do công việc đặc thù 24/7, nên thượng uý Diệu Anh luôn sắp xếp thời gian khoa học để có thể hoàn thành tốt công việc của người cảnh sát bảo vệ mục tiêu và chăm sóc gia đình.
"Thanh xuân của tôi không giống với các bạn nữ khác, tôi không hay được mặc những bộ váy đẹp, ít khi được đi chơi. Hằng ngày, hằng giờ khoác lên mình bộ quân phục cảnh sát, nhưng không phải vì thế mà tôi hối tiếc thanh xuân của mình. Tôi nghĩ đây là một điều đáng tự hào", thượng uý Diệu Anh nói.
Thiếu tá Đường Công Tiến, Đại đội trưởng, Đại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) cho biết, cảnh sát bảo vệ mục tiêu đa phần là nam, rất ít chiến sỹ nữ.
"Việc canh gác mục tiêu đối với chiến sỹ nữ là rất vất vả nhất là những ngày thời tiết nắng nóng, mưa rét. Ở đơn vị cũng có nhiều chiến sỹ hoàn cảnh khó khăn, đã có một số chiến sỹ xin xuất ngũ ra quân vì vất vả không thể theo được" Thiếu tá Tiến nói.
Theo thiếu tá Tiến, ở đơn vị, thượng uý Nguyễn Diệu Anh được đồng đội, ban chỉ huy ưu tiên hơn cả khi đang phải chăm con nhỏ. Dù công việc có khó khăn, vất vả nhưng thượng uý Diệu Anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nguồn: [Link nguồn]
Chị Vũ Khánh Ly (30 tuổi), cơ phó của Pacific Airlines, tâm sự hành trình đến với công việc đáng mơ ước hiện tại thì ngoài những trải nghiệm quý giá trong quá khứ, yếu tố...