Nữ biệt động và vụ gài bom máy bay Mỹ đình đám

Thời chiến, “chim sắt” chiến đấu bằng súng đạn, bằng sự anh dũng kiên cường. Thời bình, “chim sắt” tiếp tục chiến đấu bằng tấm lòng nhân hậu, bằng sự nhiệt huyết. Đối với thế hệ trẻ, cô đặt vào họ cả một niềm tin yêu lớn, cô khao khát được truyền lửa.

Vào biệt động tìm ba

Gặp cô tại ngôi nhà trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận (TP.HCM), giản dị trong bộ trang phục ở nhà, nụ cười hiền hậu, không thể ngờ người phụ nữ ấy chính là nữ biệt động Sài Gòn đội 159 năm xưa - Lê Thị Thu Nguyệt, biệt danh “chim sắt”. 

Mồ côi mẹ từ sớm, ba là bộ đội, trong một lần đi công tác ông đã mất liên lạc với cả gia đình, biệt tăm bao nhiêu năm kháng chiến. Quyết tâm tìm được ba đã trở thành sức mạnh giúp cô vượt qua tất cả để tham gia vào lực lượng biệt động chiến đấu ngay trong lòng địch. Thân hình nhỏ bé nhưng mưu trí, gan dạ phi thường. Cô gái ấy khi lội ruộng thì sợ rắn, sợ đỉa nhưng lúc bị địch bắt treo lủng lẳng trên cao mà bên dưới là chó béc-giê hung hãn vẫn không hé nửa lời. Cũng chính vì vậy mà biệt danh “chim sắt” đã gắn với Thu Nguyệt suốt cuộc kháng chiến.

Nữ biệt động và vụ gài bom máy bay Mỹ đình đám - 1

 Nữ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt

Trong sự nghiệp chiến đấu của mình Thu Nguyệt, dù còn trẻ tuổi nhưng đã có nhiều đóng góp phi thường. Từ việc vận chuyển thành công vũ khí, thuốc độc giết 4 tên lính Mỹ, đến việc đưa lựu đạn vào nội thành phá hủy cuộc triển lãm và máy bay trực thăng. Nhưng có một chiến công mà đến bây giờ “chim sắt” vẫn không bao giờ quên, đó là vụ đánh bom tại sân bay Honolulu khiến nhiều cố vấn Mỹ phải khiếp vía.

Để thực hiện nhiệm vụ này, đội biệt động 159 trước đó đã gài người vào làm nhân viên không lưu ở sân bay Tân Sơn Nhất. Biệt động đó bí danh là 8E, tức Mười Luân. Thu Nguyệt được giao nhiệm vụ đóng vai là người yêu 8E ra vào sân bay nghiên cứu mục tiêu. “Tôi đã phải chịu nhiều tai tiếng với gia đình, họ hàng và cả việc bị vợ Mười Luân đánh ghen giữa phố”, Thu Nguyệt kể.

Ngày 25/3/1963, nắm được lịch trình hôm đó có 80 viên cố vấn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất bay đi San Francisco trên chiếc Boeing 707. Trong vai người yêu, Thu Nguyệt cũng đến phòng đợi từ giã Mười Luân đi công tác và đánh tráo một chiếc valy của tên cố vấn Mỹ để thay vào đó chiếc valy khác trong đó có gói thuốc nổ C4 hẹn giờ 15 phút sau sẽ phát nổ. Nhưng một điều mà “chim sắt” chưa tính đến là khi máy bay lên cao, áp suất giảm nên đồng hồ chạy chậm lại. Phải đến khi chiếc Boeing 707 quá cảnh ở sân bay Honolulu được 2 phút thì máy bay phát nổ. Đoàn cố vẫn Mỹ thoát chết trong gang tấc nhưng đã gây tiếng vang lớn đối với chính phủ Mỹ và ngụy quyền. 

Năm 1963, trong khi chuẩn bị đi báo cáo thành tích tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua thì cô bị bắt. 19 tuổi, đeo trên mình bản án 20 năm khổ sai vẫn không làm cô lung lay tinh thần. Trải qua 11 năm bị địch tra tấn đủ mọi hình thức trong các nhà tù khét tiếng, từ nhà tù Sài Gòn, Chí Hòa đến địa ngục trần gian Côn Đảo... nhưng cô vẫn yêu đời, tin vào cuộc sống và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối địch ngay trong chốn lao tù. 

Khi được hỏi động lực nào giúp cô vượt qua chừng ấy khó khăn, gian khổ? “Tôi chỉ muốn tìm lại ba tôi. Muốn chiến đấu như ba để đuổi hết giặc”, Thu Nguyệt cười nói.  

Nữ biệt động và vụ gài bom máy bay Mỹ đình đám - 2

Thu Nguyệt (người đầu tiên từ trái qua) tại sân bay Lộc Ninh, năm 1974 - Ảnh: Tư liệu

“Chim sắt” vẫn hót

Đất nước đã hoàn toàn giải phóng, chiến tranh đã lùi xa cô tiếp tục “chiến đấu” bằng những hành động cao cả của một người lính, giúp đỡ đồng đội, truyền lửa nhiệt huyết lòng yêu nước cho tuổi trẻ.

Lập gia đình với Đại tá Đỗ Khánh Vân - bộ đội quân khu 7, cô sinh được hai người con trai. Cả hai anh giờ cũng đã học hành thành đạt. Đây cũng là niềm vui, niềm tự hào nhất của “chim sắt” ngày nào. Cô thường kể cho các con nghe về những năm tháng kháng chiến đã  qua, những người đã hy sinh, những người còn ở lại với vết thương chiến tranh trong lòng. Năm 1980, Nhà nước xét các chiến sĩ có công với cách mạng, gia đình được cấp một căn nhà. Thấy còn nhiều đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cô bàn với chồng, không nhận nữa, nhường cho đồng đội khác. Vài năm sau, Quân khu 7 lại cấp nhà cho chồng cô, hai vợ chồng lại một lần nữa từ chối, nhường lại cho đồng chí Nguyễn Hồng Phúc cũng là bộ đội trong Quân khu.

Mỗi lần Đoàn thanh niên Phường tổ chức sinh hoạt, “chim sắt” lại được mời đến nói chuyện. Mỗi lẫn có phóng viên, nhà báo đến phỏng vấn “chim sắt” không ngại trải lòng mình, kể về những chiến công ngày xưa, tiếp lửa cho các thanh niên vượt qua khó khăn chiến đấu với cái nghèo, cái dốt ngày nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Lê - Hà Thanh (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN