Nữ Anh hùng 54 năm gắn bó với phòng thí nghiệm, vaccine
GS. Huỳnh Thị Phương Liên 54 năm gắn bó với phòng thí nghiệm, nghiên cứu về virus, sản xuất vaccine, trong đó, đã có vaccine được xuất khẩu.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên
GS. Huỳnh Thị Phương Liên đã chia sẻ như vậy khi nói về 54 năm gắn bó với phòng thí nghiệm, cùng các đồng nghiệp nghiên cứu về virus, sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm… Trong số này, vaccine viêm não Nhật Bản (thế hệ 1) là vaccine đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu.
“Làm vaccine” giữa bom rơi đạn nổ
Ở tuổi 81, trong căn phòng bộn bề tài liệu tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, GS. Huỳnh Phương Liên vẫn miệt mài nghiên cứu, ghi chép tư liệu vào cuốn sổ của riêng mình. Chiếc kính lúp luôn bên bà vì “chữ nào nhỏ quá thì phải dùng đến nó”.
Thầy thuốc nhân dân, GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động là sự quan tâm, ghi nhận những cống hiến không ngừng nghỉ, tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong công tác nghiên cứu khoa học, tiếp thu và ứng dụng trong sản xuất vaccine phòng bệnh góp phần vào thành công của công cuộc phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho người dân, cộng đồng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên, chiều 19/1. |
Nhắc lại những ngày đầu bén duyên với ngành y, vaccine, đôi mắt GS. Liên ánh lên niềm hãnh diện. “Thời kháng chiến chống Pháp, những lần chứng kiến mẹ (là y tá) dù nửa đêm vẫn bật dậy khi có ca cấp cứu đã thôi thúc tôi lớn lên phải học y”, bà Liên cho biết.
Năm cuối Đại học Y Hà Nội, bà được phân công vào Khoa Vi sinh, rồi xung phong đi B. Sau tốt nghiệp vài tháng, được đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, bà khoác ba lô vào chiến trường với nhiệm vụ nặng nề mà Đảng giao phó: “Phải sản xuất thành công 3 loại vaccine tả, thương hàn, đậu mùa” nhằm ngăn chặn chiến tranh vi trùng.
Cả cơ quan có 2 bác sĩ, bà được giao nhiệm vụ chính, phụ trách sản xuất 3 loại vaccine. Thời điểm đó, khó khăn, thử thách lớn nhất là sự thiếu thốn về nguyên liệu, cơ sở vật chất, không có phòng thí nghiệm, cuộc sống khắc nghiệt với đói ăn và những cơn sốt rét…
Đồ đạc phục vụ phòng thí nghiệm chỉ là những chiếc tủ ấm nuôi cấy vi sinh chạy bằng đèn dầu hỏa, phải tự điều chỉnh nhiệt độ vừa đủ 370C để nuôi vi khuẩn. Đạn pháo xéo đầu nhưng bà cùng đồng đội vẫn căng dù, xung quanh bọc nilon để cho ra đời một phòng thí nghiệm giữa rừng…
“Khó khăn mọi bề, người làm cũng không có, tôi còn phải đào tạo những học sinh lớp 3, lớp 4 để hỗ trợ mình nghiên cứu sản xuất. Ban ngày sợ khói, ban đêm sợ lửa…, chúng tôi dùng bếp Hoàng Cầm để sấy dụng cụ. Hôm nào cũng dậy từ 5h sáng lao vào phòng thí nghiệm, đến 9h - 10h lại đi tăng gia sản xuất, chăn nuôi, cấy trồng để phục vụ cuộc sống”, GS. Liên nhớ lại.
Sau nhiều nỗ lực, vaccine tả, thương hàn, đậu mùa cũng ra đời, được đóng ống, dán nhãn kiểm định chất lượng cung cấp cho bà con vùng giáp ranh giữa địch và ta ở khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi.
“Dù có quá nhiều thách thức, nhưng nghĩ lại tôi thấy thật tự hào vì mình đã có một thời góp phần vào cuộc chiến tranh cứu nước, bảo vệ sức khỏe nhân dân…”, bà Liên chia sẻ.
6 năm ở chiến trường đã vắt kiệt sức lực của cô gái tuổi đôi mươi. Rời chiến trường ra Bắc điều trị, bà Liên khi đó chỉ có 31kg. “Thế vẫn còn may mắn vì bao nhiêu đồng chí đã ngã xuống khi vẫn đang tuổi thanh xuân”, bà xúc động.
Kỳ tích đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản
GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên vẫn miệt mài nghiên cứu dù đã ở tuổi 81
Năm 1974, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử đoàn đi thực tập sinh khoa học ở CHDC Đức, bà Liên là 1 trong 5 người được chọn. Suốt 25 năm sau đó, bà gắn bó với phòng thí nghiệm để nghiên cứu về virus viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm.
Nhắc lại loại vaccine phòng chống viêm não Nhật Bản - sản phẩm gắn với tên tuổi của mình, bà Liên cho biết, năm 1989, tỷ lệ viêm não Nhật Bản tại Việt Nam đang ở mức cao, WHO tới khảo sát tại vùng Gia Lương, Thuận Thành (Bắc Ninh) và để Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản. GS. Huỳnh Thị Phương Liên lại được chọn cùng một đồng nghiệp sang Nhật tiếp nhận công nghệ.
“Các đoàn khác học chuyển giao từ 4 - 6 tháng, còn chúng tôi chỉ có 3 tuần. Thời gian quá ngắn khiến phía Nhật không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả”, bà Liên nhớ lại.
Nhưng với kinh nghiệm cùng việc tỉ mỉ ghi chép, bà không bỏ lỡ bất kỳ hướng dẫn nào của chuyên gia Nhật. Từ số ml, số giờ, số phút, đến chu trình… đều nằm gọn trong cuốn số nhỏ được bà giữ như báu vật.
Trở về sau thời gian ngắn được tập huấn chuyển giao, bà cùng các đồng nghiệp bắt tay ngay vào công việc và sản xuất thành công vaccine viêm não Nhật Bản vào năm 1990.
Đến năm 1992, loại vaccine này bắt đầu được thử nghiệm ở trẻ em, đáp ứng miễn dịch 100% so với vaccine của Nhật Bản. “Ban đầu, chính các chuyên gia Nhật Bản còn nghi ngờ, họ sang làm test và sau đó buộc phải công nhận kết quả”, bà Liên cho biết.
Năm 1997, vaccine viêm não Nhật Bản được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần giúp Việt Nam đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản, giảm tỷ lệ mắc xuống còn 5 - 10%. Sau này, hơn 5 triệu liều vaccine được xuất khẩu sang Ấn Độ.
Tuy nhiên, đến năm 2005, WHO khuyến cáo sẽ từng bước thay thế vaccine viêm não Nhật Bản có nguồn gốc từ tế bào do vaccine này có nguồn gốc não chuột gây ra bệnh viêm não tủy rải rác cấp tính (ADEM), tỷ lệ khoảng 1/1.000.000.
Vậy là, ở tuổi 66, GS. Liên lại mày mò nghiên cứu sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero với kinh phí ít ỏi. Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), bà đã thành công. Nhờ đó, Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới có được công nghệ này, sau Áo, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong 54 năm qua, đã có lúc GS. Huỳnh Thị Phương Liên rẽ ngang sang công việc khác nhưng như có mối duyên với vaccine, bà lại quay về. “Tôi làm bất cứ việc gì từ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu vaccine… cũng đều tâm huyết hoàn thành mục tiêu đặt ra “không được thất bại trong nghiên cứu và tôi đã thành công”, bà Liên chia sẻ. |
Đây là vắc xin COVID-19 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế sản xuất bằng công nghệ phôi trứng gà tương tự vắc xin cúm...
Nguồn: [Link nguồn]