Nóng tuần qua: TQ “đả hổ”, dải Gaza chìm trong lửa đạn
Trong tuần qua, các nỗ lực nhằm tiếp cận hiện trường xác máy bay MH17 của các thanh sát viên tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã được tiến hành. Tuy nhiên do giao tranh ác liệt ở miền Đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và phe li khai đã khiến cho việc điều tra hiện trường nhiều lần phải hoãn lại.
Mãi đến hôm thứ Năm 31/7, đoàn chuyên gia mới có thể đến được hiện trường nơi MH17 rơi sau khi quân đội Ukraine tuyên bố ngừng bắn một ngày. Đoàn thanh sát viên tiếp cận hiện trường nhằm mục đích thu thập thi thể của 80 nạn nhân còn sót lại và xác định danh tính của họ để đưa về nước.
Cho đến thời điểm hiện tại, MH17 rơi là do phe nào bắn hạ vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Trước đó, chính phủ Ukraine và phương Tây liên tục cáo buộc Nga và phe ly khai Ukraine đã dùng tên lửa để bắn hạ MH17, tuy nhiên ngay sau đó Nga đã đưa ra một số bằng chứng để phủ nhận những cáo buộc này.
Các thanh sát viên quốc tế có mặt tại hiện trường MH17 rơi
Trong tuần, báo chí Trung Quốc cũng dậy sóng từ việc trùm an ninh Chu Vĩnh Khang chính thức bị đem ra điều tra với tội danh tham nhũng. Ông Chu Vĩnh Khang từng giữ chức Bộ trưởng Công an và là ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc. Ông cũng từng đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) và giữ chức vụ Bí thư tỉnh Tứ Xuyên.
Cựu trùm an ninh Trung Quốc Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra
Ông Chu nghỉ hưu cuối năm 2012, khi ông Tập Cận Bình trở thành tân Chủ tịch của Trung Quốc. Hôm 29/7, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức mở cuộc điều tra đối với Chu Vĩnh Khang vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”, một thuật ngữ được dùng để ám chỉ tội danh tham nhũng ở Trung Quốc.
Theo nguồn tin của Reuters cho biết, đã có hơn 10 thành viên trong gia đình của Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ để điều tra, trong đó có người vợ thứ hai Jia Xiaoye, con trai Chu Bân và con dâu.
Việc tuyên bố chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang, nhân vật được xem là “bất khả xâm phạm” trong giới chính trị Trung Quốc, là một bước đi táo bạo và cứng rắn trong chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền.
Chiến sự ở Dải Gaza vẫn diễn ra hết sức căng thẳng trong tuần qua. Ngày 01/8, Israel và phe Hamas đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn nhằm để Liên hợp quốc viện trợ nhân đạo tại Gaza tuy nhiên ngay lập tức sau đó, Israel đã phá vỡ lệnh ngừng bắn, tiếp tục tấn công và leo thang cuộc chiến đã kéo dài gần 4 tuần qua.
Israel mở chiến dịch không kích dữ dội vào dải Gaza
Trong tuần, hàng loạt các vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người trên thế giới. Đầu tiên là vụ lở đất sáng ngày 30/7 gần ngôi làng Malin thuộc quận Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ khiến ít nhất 40 ngôi nhà và 150 người bị vùi lấp.
Tiếp theo là 2 vụ chìm thuyền thương tâm ở Indonesia xảy ra trong tuần lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo hôm 29 và 30/7, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em và 13 người khác mất tích. Hôm 31/7, có ít nhất 34 người đã thiệt mạng trong một thảm họa giẫm đạp tại buổi hòa nhạc trên bãi biển ở thủ đô Conakry, Guinea. Và gần đây nhất hôm 01/8, một loạt vụ nổ khí gas xảy ra tại thành phố Cao Hùng của Đài Loan, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và 271 người khác bị thương.
Trong tuần cũng xảy ra một vài sự kiện đáng chú ý khác như: Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông, hạ viện Mỹ kiện Tổng thống Obama tội lạm quyền, và Nga ồ ạt kéo tên lửa S-300 tới sát biên giới Ukraine.