Nóng trong tuần: Liên tiếp sạt lở núi ở Quảng Nam, đau thương chồng chất nỗi đau
Liên tiếp sạt lở núi ở Quảng Nam, đau thương chồng chất nỗi đau; Cuồng phong số 9 vừa càn quét miền Trung, bão số 10 nối đuôi vào Biển Đông... là những tin đáng chú ý nhất tuần qua.
Liên tiếp sạt lở núi ở Quảng Nam, đau thương chồng chất nỗi đau
Sau khi cơn bão số 9 càn quét qua, chiều 28/10, một tiếng nổ lớn tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Một quả đồi đã bị sạt lở, đổ sập vùi lấp ngôi làng có 11 hộ dân. Lực lượng chức năng tìm kiếm được 8 thi thể, cứu được 33 người. Đến ngày 31/10, lực lượng chức năng dùng 4 xe múc đào xới 1 ha đất nhưng không có kết quả.
Ngày 1/11, lực lượng tìm kiếm sẽ chuyển hướng tìm kiếm trên sông Leng và lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Các huyện miền núi Quảng Nam đang bị sạt lở nặng
Cũng trong chiều 28/10, tại xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam cũng xảy ra sạt lở vùi lấp 2 người. Trong đó, một người may mắn thoát nạn, 1 người chết.
Ngày 29/10, tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam xảy ra sạt lở hơn 11 người mất tích. Cũng tại huyện này, 200 công nhân thi công thủy điện bị mắc kẹt. Sau 5 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng tìm được 5 thi thể, 8 người vẫn mất tích.
Đến 1/11, máy bay đã thả được chuyến lương thực đầu tiên xuống xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và dùng ròng rọc cứu được 167 công nhân thủy điện ra ngoài. Công cuộc cứu trợ vẫn tiếp tục trước khi bão số 10 đổ bộ vào.
Cuồng phong số 9 vừa càn quét miền Trung, bão số 10 nối đuôi vào Biển Đông
Trưa 28/10, bão số 9 Molave đổ bộ đất liền, sức càn quét khủng khiếp của nó gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7h sáng 1/11, bão số 9 cùng mưa lũ tại miền Trung đã làm 29 người chết, 51 người mất tích, 134 người khác bị thương.
Quảng Ngãi là vùng trọng tâm chính đổ bộ của bão số 9 nên đã có những hại thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản cho người dân.
Về giao thông, 93,6km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 745.566m3 khối lượng đất đá sạt lở, bồi lấp; 85 cầu bị hư hỏng. Nhiều tuyến đường quốc lộ và địa phương bị ảnh hưởng, các địa phương đang thống kê, đánh giá thiệt hại. Hiện còn 250 xã mất điện tại tại 6 tỉnh gồm: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.
Trong khi đó, bão số 9 vừa hoành hành, bão số 10 mang tên Goni lại tiến vào Biển Đông. Sáng nay 1/11, bão Goni đi vào miền Trung Philippines và bắt đầu suy yếu, cường độ bão đã giảm xuống dưới cấp siêu bão (dưới cấp 16). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 10 trong năm 2020.
Đến 7 giờ ngày 4/11, bão số 10 ở cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.
Đoàn tàu Nhổn- ga Hà Nội cần điều kiện gì để khai thác thương mại
Ngày 30/10, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, mục tiêu của dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội là đưa vào khai thác, vận hành 8,5km đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) vào nửa cuối năm 2021.
Như vậy, mốc tiến độ trên được điều chỉnh lùi khoảng nửa năm so với quyết định điều chỉnh thời gian được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào tháng 7/2019 (vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, toàn tuyến vào tháng 12/2022).
Mỗi đoàn tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội có 4 toa, khả năng chuyên chở 944 - 1124 người, vận tốc khai thác trung bình 35km/h
Ngày 20/10 vừa qua, đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển an toàn từ Pháp về Depot dự án. Hiện đoàn tàu này đang được quản lý tại nhà xưởng có mái che tại Depot để chờ lắp ráp, thử nghiệm vận hành sau khi tuyến đường sắt trên được thông điện toàn tuyến trên cao.
Sau đoàn đầu tiên, dự kiến trong quý I/2021, đoàn tàu thứ 2 sẽ tiếp tục được đưa về và hoàn thành vận chuyển cả 10 đoàn tàu về nước vào cuối tháng 6/2021.
Đoàn tàu được chạy thử tại Pháp đạt mốc 10.000km và căn chỉnh để đảm bảo các thông số kỹ thuật và an toàn đề ra. Sau khi lắp đặt trong khu Depot tại Hà Nội, đoàn tàu này sẽ tiếp tục chạy thử 1.000km. Khi đạt đủ tiêu chuẩn mới đưa vào vận hành khai thác.
UBND xã lên tiếng về việc thôn thu lại tiền Thủy Tiên trao cho người dân
Ngày 28/10, Thuỷ Tiên đã về xã Cảnh Hoá (Quảng Trạch, Quảng Bình) trao quà ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do đợt lũ lụt xảy ra vào tháng 10/2020, cho 703 hộ, mỗi hộ 6 triệu đồng.
Ở thôn Ngoạ Cương có 69 hộ được hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 29/10, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ việc Thuỷ Tiên về ủng hộ tiền cho bà con tại thôn Ngoạ Cương nhưng đã bị thôn thu lại.
69 hộ dân đã lên nhận lại tiền vào sáng 30/10.
Trưa 30/10, ông Phan Văn Thanh – Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, có sự việc cán bộ thôn Ngoạ Cương, xã Cảnh Hoá thu lại tiền hỗ trợ của người dân do Thuỷ Tiên trao tặng.
Đây là việc làm của cán bộ thôn không thông qua huyện. Sau khi nắm bắt được thông tin sự việc UBND huyện đã cho xác minh, yêu cầu cán bộ thôn Ngoạ Cương trả lại số tiền cho người dân.
Ông Hoàng Anh Dũng – Chủ tịch UBND xã Cảnh Hoá (Quảng Trạch) cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc cán bộ thôn thu lại tiền của người dân là do thôn này có hơn 150 hộ dân nhưng có 69 hộ dân bị ngập lụt. Do đó, cán bộ thôn và người dân thôn Ngọa Cương đã bàn bạc, thống nhất khi có hoạt động cứu trợ bão lũ, đối với hàng hoá người dân được sử dụng, còn tiền mặt thôn sẽ thu lại.
Sau đó, cuối đợt, thôn sẽ họp bàn với người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng.
Lực lượng chức năng đã dùng ròng rọc đưa 167 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 ra ngoài an toàn, đang tiếp tục dùng ròng rọc...
Nguồn: [Link nguồn]