Nóng trong tuần: Một huyện ở Quảng Bình không thể thống kê cụ thể về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên
Một huyện ở Quảng Bình không thể thống kê cụ thể về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên; Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh của Việt Nam... là những tin nóng nhất tuần qua.
Một huyện ở Quảng Bình không thể thống kê cụ thể về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên
Ngày 13/11, UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết địa phương này hiện vẫn chưa thể thực hiện đầy đủ việc rà soát, thống kê hoạt động từ thiện của bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Trong trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020, ca sĩ Thủy Tiên cùng đoàn đã trực tiếp đến Quảng Bình trao tiền tận tay người dân bị thiệt hại
Theo ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, nguyên nhân là khi ca sĩ Thủy Tiên về cứu trợ người dân trong trận lũ lịch sử tháng 10-2020 đã chủ động đi thẳng đến các địa phương; không thông qua huyện. Khi đến các xã, ca sĩ Thủy Tiên cũng chủ động hỗ trợ cho người dân, số tiền tùy tâm, tùy đối tượng, không cố định mức cụ thể nên việc thống kê gặp rất nhiều khó khăn, không thể thực hiện được.
Trước đó, tháng 10/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có công văn yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, chất liệu điện tử liên quan đến hoạt động từ thiện của bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) trên địa bàn huyện năm 2020.
Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh của Việt Nam
Sau nhiều lần trì hoãn do điều kiện kỹ thuật và thời tiết, vào lúc 7 giờ 55 phút 16 giây sáng nay 9/11 (giờ Hà Nội), tên lửa đẩy Epsilon số 5 của Nhật Bản điểm hỏa, đưa vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào vũ trụ, đánh dấu một sự kiện mới trong hành trình chinh phục bầu trời của Việt Nam.
Vệ tinh made in Vietnam được phóng lên vũ trụ và tách thành công khỏi tên lửa đẩy trong sáng nay 9/11.
Trong lần phóng này có vệ tinh NanoDragon - "Made in Vietnam", cùng với vệ tinh NanoDragon có 8 vệ tinh khác của Nhật Bản. Việc phóng 9 vệ tinh này nằm trong khuôn khổ “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2”- Innovative Satellite Technology Demonstration-2” của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Sau khi điểm hỏa được khoảng 52 phút, tên lửa Epsilon bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo. Vào lúc 9 giờ 6 phút 54 giây (giờ Hà Nội), NanoDragon tách thành công khỏi tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian.
Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.
Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường bị đề nghị truy tố
Ngày 11/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận bổ sung, đề nghị truy tố ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó cục trưởng Quản lý dược của Bộ Y tế) và Lê Đình Thanh (cựu cán bộ Cục Hải quan TP.HCM) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định ông Cường làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược giai đoạn 2007-2016, là người chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của cục này và có nhiệm vụ trình lãnh đạo Bộ Y tế các quyết định liên quan đến việc cấp phép đăng ký thuốc.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Quá trình làm việc, ông Cường có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt và cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc giả gắn nhãn Health 2000 Canada; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc. Nguyễn Minh Hùng và các bị can trong vụ án đã tiêu thụ được lô thuốc giả gồm 7 loại thuốc nói trên có tổng trị giá trên 151 tỷ đồng. Ông Cường đã không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi để tiêu hủy đối với 7 loại thuốc có thông tin nhập nhằng về xuất xứ nói trên.
Đình chỉ công tác Bí thư, Chủ tịch huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn
Sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, sáng 12/11, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xem xét báo cáo của Ban Thường vụ Huyện uỷ Cô Tô và đề xuất của UBKT Tỉnh uỷ.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh thống nhất chỉ đạo đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn.
Ông Lê Hùng Sơn
Ông Lê Hùng Sơn sinh ngày 3/9/1982, quê quán Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trước khi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô vào tháng 3 năm 2020, ông Lê Hùng Sơn từng công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh.
Tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch COVID-19 vào tối 19/11
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.021.493 ca, trong đó có 860.494 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.248 ca/ngày.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, đeo khẩu trang đi cùng thang máy với F0, đủ khả năng cách ly tại căn hộ thì không phải bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã quy định rất rõ, trường hợp như vậy chỉ cần cách ly tại nhà 7 ngày.
Tối 19/11, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ được tổ chức tại điểm cầu TP HCM và điểm cầu TP Hà Nội.
Tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết tình hình ca tử vong có những dấu hiệu đáng lo ngại. Đó là bắt đầu xuất hiện số trường hợp người dân đã tiêm 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn tử vong.
Ông Lê Hùng Sơn – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) bị đình chỉ công tác để kiểm tra, xem xét...
Nguồn: [Link nguồn]