Nóng trong tuần: Thấy CSGT kiểm tra nồng độ cồn, dân nhậu tới hỏi “dắt xe về được không?”
Thấy CSGT kiểm tra nồng độ cồn, dân nhậu tới hỏi “dắt xe về được không?”; Lý do hàng loạt flycam bị bắn hạ khi quay cảnh pháo hoa tại TP HCM... là những tin đáng chú ý nhất tuần qua.
Thấy CSGT kiểm tra nồng độ cồn, dân nhậu tới hỏi “dắt xe về được không?”
Tuần qua, lực lượng CSGT cả nước đồng loạt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020.
Cục CSGT cho biết, sau hai ngày (1 và 2/1/2020), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng.
Ghi nhận của PV tối 4/1, Đội CSGT Quận 10 TP HCM phối hợp với CSTT và các lực lượng liên quan đã tổ chức tuần tra, lập chốt xử lý các trường hợp vi phạm giao thông xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là “ma men” đã uống rượu bia mà vẫn lái xe.
Theo đó, từ 20h30, đoàn công tác lập chốt ở khu vực tập trung nhiều quán nhậu tại phường 12, Quận 10 là đoạn giao giữa đường Cao Thắng và Trần Dư Khương. Thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, nhiều người đang dắt xe ra khỏi quán nhậu đã giật mình, sửng sốt và tuyệt nhiên không dám ngồi lên xe.
Thấy CSGT phục kích ngay trước nhà hàng, nhiều người đã chọn phương án an toàn là đi xe ôm công nghệ về nhà.
Đáng chú ý, trong khi CSGT đang tất bật đo nồng độ cồn và kiểm tra giấy tờ xe của các phương tiện thì anh Nguyễn Văn Dũng (38 tuổi) đi bộ ra từ một quán nhậu, thú nhận với các chiến sĩ CSGT rằng: “Nói thật là tôi có uống bia rồi. Nhưng nhà tôi bên kia đường, giờ tôi ra đây xin là cho tôi dắt xe về có được không?”.
Trước tình huống này, trung tá Nguyễn Hữu Lanh - Đội phó Đội CSGT Q.10 đã nhắc anh Dũng để xe lại quán, đặt xe ôm công nghệ để về. “Chỉ mấy chục ngàn thôi, anh nên đặt xe để về cho an toàn. Chứ giờ anh dắt xe rồi chút xíu anh cũng leo lên chạy, gây nguy hiểm cho mình, cho người ta”, trung tá Lanh trao đổi.
Nghe trung tá CSGT gợi ý, anh Dũng gửi lời cảm ơn và tỏ ra vui vẻ, hài lòng. Chia sẻ với phóng viên sau đó, anh Dũng cho hay, thật ra anh chỉ đang hỏi trước để giúp một người bạn của mình là anh Quốc (36 tuổi, ngụ đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận) ra về. Tự nhận thấy việc chạy xe khi đã uống 6 lon bia là nguy hiểm, anh Dũng và anh Quốc quyết định mở ứng dụng lên gọi xe ôm công nghệ.
Sau gần 3 giờ làm việc, lực lượng CSGT quận 10 đã dừng xe, xử lý 35 trường hợp có dấu hiệu vi phạm, xử phạt 7 tài xế có nồng độ cồn trong khí thở và nhiều trường hợp xe thiếu kính chiếu hậu, nghe điện thoại khi lái xe, không xuất trình đầy đủ giấy tờ xe…
Lý do hàng loạt flycam bị bắn hạ khi quay cảnh pháo hoa tại TP HCM
Sáng 1/1, trong nhiều hội nhóm về flycam trên mạng xã hội Facebook xuất hiện những chia sẻ về các tình huống mất flycam không hiểu lý do khi đang quay cảnh pháo hoa chào đón năm mới 2020 tại TP HCM.
Nhiều thông tin tìm flycam bị bắn rơi khi đang quay cảnh pháo hoa tại TP HCM xuất hiện trên Facebook
Theo tìm hiểu, các flycam bị bắn hạ bởi thiết bị áp chế máy bay không người lái, có tên gọi là CA-18, do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu và chế tạo. Đây là một trong những công cụ áp chế được thiết kế để tối ưu hoá khả năng hoạt động phá sóng với các thiết bị flycam thịnh hành ngày nay trên thị trường.
Thiết bị này có khả năng áp chế, giảm tín hiệu điều khiển của flycam, qua đó khiến nó bị "mất lái" và rơi xuống đất hoặc thu hẹp tầm hoạt động của flycam. Trong một số hoàn cảnh, thiết bị này thậm chí có thể áp chế nhiều flycam cùng lúc khi các flycam bay cùng một hướng với khoảng cách gần nhau.
Thiết bị áp chế máy bay không người lái hoặc flycam CA-18 được sử dụng để bắn hạ flycam khi quay cảnh pháo hoa tại TP HCM.
Theo quy định về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: tổ chức hoạt động bay khi chưa có phép, tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, quy định, giới hạn cho phép; vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia. Cá nhân và tổ chức có thể bị xử phạt khi vi phạm các quy định về sử dụng flycam tại Việt Nam.
2 nông dân mòn mỏi chờ giải quyết khối gỗ mò được dưới suối
Sau hơn 5 tháng kể từ khi nhặt được khối gỗ có kích thước khủng dưới khe suối ở thôn 1, anh Nguyễn Đức Chung (SN 1984, ở thôn 9) và anh Trần Đức Hạnh (SN 1977, ở thôn 8) cùng trú xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn đang đau đáu nỗi lo khi nợ nần chồng chất.
Cận cảnh khối gỗ “khủng”
“Đến nay gỗ vẫn còn nằm ở hiện trường, chưa ai xử lý. Chúng tôi giờ chỉ mong họ xử lý nhanh để có tiền mà trả nợ cho những người tham gia trục vớt, họ lên nhà nhắc chuyện tiền nợ mà chúng tôi không có tiền để trả”, anh Chung chia sẻ.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, hiện huyện đang chờ ý kiến của tỉnh để xử lý khối gỗ. Việc xử lý giải quyết tài sản này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong thời gian qua, đơn vị đã làm theo đúng quy trình để có hướng xử lý đối với khối gỗ này. Cụ thể phải thông báo 1 tháng rộng rãi đến toàn dân để xem có người nào đến nhận, sau đó mới làm quy trình đưa vào tài sản công để đấu giá.
Ông Đoàn Ngọc Hải bán được điện thoại, đồng hồ siêu sang cho doanh nhân
Chiều 30/12, ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM cho biết chiếc điện thoại Vertu và đồng hồ Patek Philipe được ông gửi tại một cửa hàng ở TP.HCM nhờ bán đã được bán với giá 2 tỷ đồng. 2 vật dụng trên được bán cho một doanh nhân ở TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
“11h30 trưa nay, có một doanh nhân ở TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, đã cử đại diện đến thanh toán ngay 2 tỷ đồng để mua 2 món đồ. Họ không trả giá, không mặc cả, không đắn đo gì hết”, ông Hải thông tin.
“Chắc chắn một điều là người doanh nhân này không thiếu gì điện thoại và đồng hồ cao cấp các loại đắt tiền trên thị trường. Qua tiếp xúc tôi thấy rằng họ mua là vì người vô gia cư, vì người nghèo. Tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm đẹp này”, ông Đoàn Ngọc Hải cho biết.
“Ngay khi bán được 2 món đồ trên với giá 2 tỷ đồng tôi đã đi xem mấy căn nhà để cho người vô gia cư, người nghèo vào ở nhưng hiện tại chưa có căn nào vừa ý. Khi tôi mua được nhà, những người vô gia cư vào ở trong đó sẽ được cung cấp nước uống miễn phí. Mỗi buổi tối, mỗi người sẽ ăn miễn phí mì ăn liền. Nếu những trường hợp nào không may qua đời tôi sẽ là người trực tiếp bỏ tiền ra để lo đám tang cho họ”, ông Hải chia sẻ.
Vũ “nhôm” và 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hầu tòa
Từ 2/1, TAND TP.Hà Nội đã xét xử sơ thẩm 21 bị cáo trong vụ án bán đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng xảy ra tại Đà Nẵng. Đáng chú ý, trong số 21 bị cáo này, có 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.
Cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh tại tòa. Ảnh: TPO
Theo VKSND, trong quá trình khám xét chỗ ở của ông Trần Văn Minh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện, thu giữ năm khẩu súng, 18 viên đạn cùng ba giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.
Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an xác định số súng đạn trên không phải là vũ khí quân dụng. Trong đó ba khẩu súng và 18 viên đạn thuộc danh mục công cụ hỗ trợ, hai khẩu súng còn lại là đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Trả lời trước tòa, ông Minh xác nhận việc bị thu giữ nhiều khẩu súng thuộc diện công cụ hỗ trợ, trò chơi. Về nguồn gốc, ông nói có giấy phép từ cơ quan công an cấp. Trong số 5 khẩu súng, 18 viên đạn bị cơ quan CSĐT Bộ Công an thu giữ, có 3 khẩu súng là công cụ hỗ trợ, tức là bắn đạn hơi cay.
“3 khẩu là bắn đạn hơi cay, còn 2 khẩu là trò chơi. Trong đó, có 1 khẩu bắn bi nhựa còn 1 khẩu là hoa văn trình bày dạng khẩu súng chứ không phải súng bắn, bắn chả được cái gì cả” - bị cáo Minh trình bày.
Về lý do vì sao có nhiều khẩu súng bắn đạn hơi cay, bị cáo Minh trả lời: Hồi đó làm Chủ tịch UBND TP phụ trách mảng hơi tế nhị nên không nói ra được và sau đó làm Phó Ban Tổ chức Trung ương phụ trách mảng bảo vệ chính trị nội bộ. “Trong việc đi công tác được trang bị” - bị cáo Minh khai.
Phó Trưởng Công an TP.Phúc Yên tử vong khi đi hút mỡ bụng và thông tin về phiên tòa xét xử vụ Mobifone mua AVG là những tin...
Nguồn: [Link nguồn]