Nóng trong tuần: Gặp tai nạn giao thông nguy kịch, dân gọi 115 hơn 30 phút không ai nghe máy

Gặp tai nạn nguy kịch, dân gọi 115 liên tục không ai bắt máy; 12 tỉnh thành xếp vào nhóm “có nguy cơ cao” cách ly đến ngày 22/4;... là những tin đáng chú ý nhất tuần.

Gặp tai nạn nguy kịch, dân gọi 115 hơn 30 phút không ai bắt máy

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Người lao động

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Người lao động

19h ngày 17/4, tại đường Hoàng Sa (đoạn qua địa phận xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 1 thanh niên nguy kịch. Nhiều người dân đã gọi vào đầu số cấp cứu (115) nhưng không có ai nghe máy. Sau hơn 30 phút gọi xe cứu thương nhưng không được, người dân đã dùng ô tô cá nhân chở người bị nạn đi cấp cứu. 

Được biết, nạn nhân tên N.T.Vũ (18 tuổi, quê tỉnh Nghệ An), là công nhân đang làm việc tại dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (đang thi công gần hiện trường xảy ra vụ tai nạn). 

Chiều 18/4, ông Huỳnh Giới, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết, lâu nay đầu số 115 được đặt tại phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi nhưng một kíp trực vừa phải xử lý cấp cứu nội viện lẫn ngoại viện như hiện tại đã gây ra nhiều áp lực đối với các y, bác sĩ, dẫn đến tình trạng giải quyết không xuể.

Hiện một kíp trực cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi kéo dài 12 tiếng, gồm 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Trung bình mỗi ngày đêm, phòng cấp cứu phải tiếp nhận và cấp cứu cho khoảng 120 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân này đều trong tình trạng nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế nhanh chóng, kịp thời.

Việt Nam đón tin vui, 84 giờ không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới

Từ ngày 7/3 đến nay, đây là lần đầu tiên 3,5 ngày trôi qua (từ 6h00 sáng 16/4), Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19. Bộ Y tế cho biết, đến 18h ngày 19/4, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 268, trong đó có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%); 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%). Tổng số người khỏi bệnh là 203 người. Những ca nặng đang có tiến triển tốt.

Việt Nam là một trong 3 quốc gia trên thế giới có trên 200 trường hợp nhiễm Covid-19 trở lên chưa có trường hợp tử vong.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, trường hợp ca 188 tái nhiễm sau khi được công bố khỏi bệnh, lý giải về trường hợp này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, không chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy. Bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 có thể do nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, cũng có khả năng virus corona chủng mới có thể tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Bên cạnh đó, test xét nghiệm có thể phát hiện ra những phần "chết" của virus, không còn khả năng lây nhiễm hay lây lan.

12 tỉnh thành xếp vào nhóm “có nguy cơ cao” cách ly đến ngày 22/4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chiều 15/4, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh….

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chia làm 3 nhóm tỉnh có nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp và thống nhất, nhóm này không phải là bất biến và sẽ được xem xét, đánh giá lại.

12 tỉnh, thành được xếp vào nhóm “có nguy cơ cao” gồm: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP.HCM, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Thủ tướng chỉ đạo nhóm 12 tỉnh này, trong đó có hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 22/4. Tuy nhiên, 12 địa phương trên có thể kéo dài hơn nữa nếu như tình trạng lây nhiễm vẫn còn.

Đối với 15 tỉnh, thành được xếp trong nhóm “có nguy cơ trung bình” là: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 15.

Còn đối với các địa phương còn lại, tuy "nguy cơ thấp" nhưng khả năng lây nhiễm vẫn còn rất cao, do đó Thủ tướng yêu cầu các địa phương này tiếp tục tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Cách hết chức vụ trong Đảng đối với Phó Chủ tịch HĐND phản ứng chốt kiểm dịch Covid-19

UBND tỉnh Bình Phước tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc của ông Thanh vào ngày 13/4. Ảnh: Pháp luật TPHCM

UBND tỉnh Bình Phước tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc của ông Thanh vào ngày 13/4. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Chiều 17/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã quyết định cách hết các chức vụ trong Đảng (nhiệm kỳ 2015-2020) đối với ông Lưu Văn Thanh, Huyện ủy viên, Phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản.

Ông Lưu Văn Thanh có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, không hợp tác đo thân nhiệt tại chốt kiểm dịch thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản. Vụ việc lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận. Mới đây, ông Thanh đã viết thư công khai xin lỗi gửi cử tri và nhân dân huyện Hớn Quản, cộng đồng mạng xã hội. Đồng thời, ông Thanh cũng đã làm đơn xin từ chức Phó chủ tịch HĐND và xin thôi làm đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2016-2021, sẵn sàng nhận mọi hình thức xử lý của các cấp có thẩm quyền.

Ngoài kỷ luật về mặt Đảng, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu các cơ quan liên quan, tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật về mặt chính quyền đối với ông Thanh, tương xứng với hình thức của Đảng.

Ông Dương Anh Đức làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao quyết định cho ông Dương Anh Đức

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao quyết định cho ông Dương Anh Đức

Ngày 16/4, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.

Ông Dương Anh Đức sinh năm 1968, quê Đà Nẵng. Ông có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ; Cao cấp lý luận chính trị.

Trước khi được giới thiệu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức đã từng giữ nhiều chức vụ: Hiệu trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy, rồi Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Công nghệ thông tin; Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM; Ủy viên Ban Chấp hành rồi Phó Bí Thư Đảng ủy ĐH Quốc gia TP.HCM; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2013-2018.

Hồi tháng 7-2017, ông Dương Anh Đức được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM. Đến tháng 9-2019, ông Dương Anh Đức được chỉ định bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Bị tai nạn giao thông nguy kịch, gọi 115 không nghe máy: Bệnh viện nói gì?

Phía lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho rằng thời điểm người dân gọi cấp cứu ca trực không nghe máy do đang cấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Trí Quân ([Tên nguồn])
Sự kiện nổi bật 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN