Nóng trong tuần: Đại dịch Ebola, căng thẳng Nga-Ukraine

Trong tuần qua, khu vực biên giới Nga-Ukraine trở nên nóng bỏng và tiềm ẩn nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước khi Nga quyết định cho một đoàn xe tải 280 chiếc chở hàng viện trợ nhân đạo tiến về phía biên giới Ukraine từ ngày 12/8.

Đây là sự kiện đã gây ra rất nhiều tranh cãi khi Ukraine và phương Tây nghi ngờ rằng đoàn xe này chở theo vũ khí để tiếp tế cho lực lượng ly khai đang bị chính phủ Ukraine bao vây.

Kiev công khai bày tỏ nghi vấn rằng đoàn xe có thể là cái cớ để Nga có thể đưa quân vào Ukraine để “gìn giữ hòa bình”. Tuy nhiên, Nga lại bác bỏ hết cáo buộc trên, tuyên bố rằng đoàn xe này chỉ chở nhu yếu phẩm cho hàng trăm ngàn người ở Luhansk và Donetsk đang mắc kẹt trong vùng chiến sự.

Nóng trong tuần: Đại dịch Ebola, căng thẳng Nga-Ukraine - 1

Đoàn xe tải 280 chiếc chở đồ cứu trợ nhân đạo của Nga đang tiến tới biên giới Ukraine

Tình hình càng nóng lên khi quân đội Ukraine tuyên bố nã pháo phá hủy nhiều xe quân sự của Nga đang vượt qua biên giới vào nước này, cáo buộc bị phía Nga bác bỏ.

Trong khi đó, Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng cho hay 150 khí tài quân sự gồm xe tăng, xe bọc thép và xe chở quân của Nga đang tiến về biên giới do họ kiểm soát. Đây là một trong những ngòi nổ có thể khiến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra bất cứ lúc nào.

*

Trong tuần qua, đại dịch Ebola vẫn đang tiếp tục hoành hành tại châu Phi với hơn 2.000 ca nhiễm bệnh và hơn 1.000 trường hợp tử vong vì virus Ebola.

Với tình trạng lây lan nhanh khủng khiếp, chính phủ nhiều nước có dịch ở Tây Phi đã phải áp dụng chiến thuật lập “vành đai vệ sinh”, một hàng rào bao quanh khu vực nhiễm bệnh mà không bất cứ người nào bên trong được phép ra ngoài.

Nóng trong tuần: Đại dịch Ebola, căng thẳng Nga-Ukraine - 2

Dịch Ebola vẫn đang hoành hành tại Tây Phi

Bên cạnh đó, WHO đã phải đưa ra một quyết định khó khăn đó là cho phép lưu hành những loại thuốc trị Ebola chưa qua kiểm nghiệm, bởi hiện chưa có cách nào khác để ngăn chặn dịch Ebola. Theo một tuyên bố mới đây của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), sẽ phải mất tới 6 tháng mới có thể kiểm soát được đại dịch Ebola.

*

Tình hình Iraq trong tuần vừa qua có những diễn biến bất ngờ. Tối ngày 10/8, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã bất ngờ điều động lực lượng đặc nhiệm và cả xe tăng bao vây Phủ Tổng thống để đòi tiếp tục được tranh cử chức Thủ tướng nhiệm kỳ 3.

Tuy nhiên dưới áp lực của Mỹ, hôm 14/8 ông Maliki đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kì 3 và ủng hộ người được chỉ định thay thế mình là Phó Chủ tịch Quốc hội Haidar al-Abadi.

Nóng trong tuần: Đại dịch Ebola, căng thẳng Nga-Ukraine - 3

Lực lượng IS đang chiếm ưu thế tại Iraq

Đây là động thái nhằm làm giảm căng thẳng chính trị tại Iraq trong bối cảnh phiến quân Hồi giáo dòng Sunni thuộc phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS) đang nổi dậy mạnh mẽ và đã chiếm giữ được nhiều thành phố ở miền bắc nước này.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự tại Iraq như điều thêm cố vấn quân sự và tổ chức các cuộc không kích nhằm vào lực lượng ISIS. Bên cạnh đó, liên minh Châu Âu cũng đang xem xét cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd phối hợp với Baghdad nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công của phong trào Nhà nước Hồi giáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN