HỌP BÁO: Công ty nước sạch sông Đà tự nhận là nạn nhân, “né” đền bù
Trước câu hỏi trên, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) nói: "Chúng tôi là đơn vị thiệt hại nhất".
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình cho hay, ngay sau nhận được thông tin đã chỉ đạo rất quyết liệt và sự cố được khắc phục từng bước. Hoà Bình tiếp tục chỉ đạo các công việc, tập trung cao độ việc khắc phục sự cố. Thường xuyên theo dõi chất lượng nguồn nước, tăng cường bảo vệ, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân.
"Về lâu dài, chúng tôi đề nghị Công ty Nước sạch sông Đà phải nghiên cứu 1 tuyến ống dẫn nước kín, tránh rủi ro, bơm trực tiếp từ nước mặt sông Đà lên khu xử lý. Nước cung cấp cho người dân Thủ đô sẽ đảm bảo. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch như vậy", ông Toàn nói.
Buổi họp báo kết thúc vào lúc 16h50.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình
Trước câu hỏi về giải pháp trong thời gian tới bảo vệ nguồn nước đầu nguồn sông Đà. Vì nếu để như hiện nay, thì người dân Thủ đô rất dễ bị “đầu độc”, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình cho hay, trước đây, tỉnh đã ban hành 2 quyết định phê duyệt vùng bảo vệ cho nhà máy nước sông Đà. Các cơ quan liên quan đã thực hiện. Gần đây nhất, ngày 15/1/2018, tỉnh Hoà Bình tiếp tục có quyết định lập hành lang và khoanh vùng bảo vệ nguồn nước đầu nguồn sông Đà. Hiện tỉnh đang tăng cường kiểm tra, giám sát đôn đốc.
Phóng viên đặt câu hỏi khi nào phía công ty có thể cung cấp nước đảm bảo cho người dân và người dân có thể lấy nguồn nước này để nấu ăn?
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Nhà máy nước sạch sông Đà cho hay, về kết quả xét nghiệm nước ngày 16/10, đơn vị chưa nhận được nên chưa thể trả lời cụ thể. Ông Khoa nói, công ty mong sớm nhận được kết quả xét nghiệm để có thể làm việc với cơ quan chức năng của Hà Nội.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Nhà máy nước sạch sông Đà
Về câu hỏi phía công ty có tính đến đền bù cho người dân thiệt hại không?, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) nói: "Chúng tôi là đơn vị thiệt hại nhất" và mong Công an tỉnh Hòa Bình sớm tìm ra thủ phạm. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà không hề nhắc tới việc có hay không đền bù thiệt hại cho người dân theo câu hỏi của PV.
Khi phóng viên tiếp tục chất vấn "chẳng lẽ, hàng triệu người dân Hà Nội không thiệt hại bằng nhà máy và chưa hề thấy đơn vị có một lời xin lỗi nào đối với người dân", ông Khoa sau đó, cho rằng, những vấn đề này, tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội đã trả lời và không nêu lại.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết, đơn vị đang dồn toàn lực để sản xuất nước phục vụ người dân và khắc phục sự cố nên thời gian tới sẽ họp xem xét cụ thể đối với các công nhân, cán bộ ứng trực khi xảy ra sự cố, sau đó sẽ thông tin sau.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc chưa có lời xin lỗi chính thức, ông Khoa cho biết thêm, Công ty nước sạch sông Đà sẽ họp và hiện Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án nên căn cứ trên kết luận, công ty sẽ thông tin sau.
Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình
Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xuống hiện trường thu thập tài liệu, đồng thời xác minh truy xét, truy tìm đối tượng đổ trộm thải để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo Nhà máy nước sạch sông Đà khắc phục chất thải tồn đọng.
Ông Đức cho biết, ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Đại diện Chi cục Bảo vệ Tài nguyên Môi trường tỉnh Hoà Bình cho hay, sau khi nhận được thông tin, sáng 14/10, Sở đã giao Chi cục chủ động triển khai và đã báo cáo Tổng cục Môi trường. Ngay trong buổi sáng, Chi cục đã xuống trực tiếp hiện trường kiểm tra, đồng thời làm việc với nhà máy, nắm bắt các thông tin báo chí phản ánh.
Về nguồn nước, theo đại diện Chi cục Bảo vệ tài Nguyên Môi trường tỉnh, trách nhiệm của Nhà máy nước sông Đà là phải kiểm tra đạt an toàn thì mới cấp cho khách hàng. Đối với các nguồn nước đầu vào, nếu chưa đảm bảo, nhà máy phải có phương án cụ thể mới có thể đưa nguồn nước vào sản xuất.
Từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 10, Sở Tài nguyên Môi trường đã lấy các mẫu nước đánh giá về mức độ, tính chất của các loại dầu thải. Hiện nay cũng chưa biết được đó là loại dầu thải gì. Trong một vài ngày tới, cơ quan chức năng sẽ có số liệu về nguồn nước đầu vào.
Quang cảnh buổi họp báo
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Sở thông tin và truyền thông tỉnh Hoà Bình cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/2019, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự.
Theo ông Thư, sáng 9/10, công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã kiểm tra, phát hiện có váng dầu tại suối Bằng. Sau đó, lực lượng chức năng kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm (hay còn gọi là suối Khại).
Từ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150m. Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh. Công ty nước sạch sông Đà đã thông báo tới công an xã Phúc Tiến, công an huyện Kỳ Sơn ngay trong chiều 9/10. Sau đó Công ty nước sạch sông Đà rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom khoảng 100 lít dầu, nước dính dầu, 7 bao tải có dính dầu khoảng 60kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy. Khoảng 3-4m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.
Chiều 17/10, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TP.Hà Nội tại trụ sở tỉnh.
Phóng viên đến dự buổi họp báo thông tin về nguồn nước sạch sông Đà
Chủ trì buổi họp là ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình; lãnh đạo các sở Tài nguyên Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp; Công an tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn; lãnh đạo Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Buổi họp báo dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 15h30.
Trước đó, ngày 8/10, khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình), xuất hiện dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà, khiến nước sau xử lý có mùi lạ. Việc nước có mùi lạ khiến hàng ngàn hộ dân không dám dùng để nấu ăn, cuộc sống đảo lộn.
Hình ảnh nguồn nước tại con suối Khại, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình nhiễm bẩn. Ảnh chụp sáng 14/10.
Ngày 15/10, tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ, đại diện Sở xây dựng Hà Nội cho hay kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép.
Thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".
Nhà máy nước sạch sông Đà do Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lý, vận hành với lưu lượng cấp nước cho Hà Nội trung bình 250.000 – 260.000 m3/ngày đêm, hơn 250.000 hộ dân sử dụng. Các đơn vị phân phối nước sạch sông Đà là Công ty cổ phần Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông, Công ty Ngọc Hải, Công ty Đồng Tiến Thành Hà Nam và Công ty cổ phần phát triển Tây Hà Nội. |
Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình vừa có báo cáo bước đầu về vụ xả trộm dầu thải ở đầu nguồn nước sông...