Nông dân chế tạo xe bọc thép: VN nên thoáng như Campuchia?
Camphuchia có thể tin tưởng giao cho người nước ngoài khoản tiền lớn để sửa chữa, chế tạo thành công xe bọc thép, trong khi Việt Nam chưa có quy định thông thoáng như vậy.
Những ngày qua, dư luận trong nước quan tâm đặc biệt đến việc cha con ông Trần Quốc Hải - Trần Quốc Thanh (nông dân ở Tân Châu, Tây Ninh) sang Campuchia sửa chữa, chế tạo thành công xe bọc thép cho nước này. Với thành tích đặc biệt trên, Thủ tướng Campuchia - ông Hun Sen đã trao tặng Huân chương Đại tướng quân của Hoàng gia Campuchia cho cha con ông Hải.
“Việt Nam chưa có quy định thông thoáng như vậy”
Ngày 17/11, trả lời câu hỏi của PV bên hành lang Quốc hội về việc tại sao người khoa học nông dân như vậy không thể sáng tạo, cống hiến ngay trên đất nước mình, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, cơ chế của Campuchia rất thoáng. Họ có thể tin tưởng giao cho người nước ngoài khoản tiền lớn để làm việc đó trong khi Việt Nam chưa có quy định thông thoáng như vậy.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân
Cho đến nay, chưa có điều khoản nào trong các văn bản luật pháp của ta cho phép các cơ quan nhà nước có thể dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Ở đâu đó nếu hỗ trợ được thì cũng phải xã hội hóa hoặc dùng những khoản kinh phí rất hạn chế từ ngân sách để làm. Điều đó cũng hạn chế những hỗ trợ của nhà nước cho khả năng sáng tạo của người dân.
Khi cơ chế chính sách cho phép cơ quan nhà nước hoặc người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể hỗ trợ với mức như Campuchia thì người dân khi đó chắc chắn có thể sáng tạo trên quê hương mình.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã điều chỉnh chính sách, như Luật KH-CN năm 2013 là một bước tiến mới, luật đưa ra cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ. Nếu những quy định này tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, những nhà khoa học cũng như người dân có thể thực hiện tốt ý tưởng khoa học của mình. Chính phủ đánh giá rất cao những ý tưởng sáng tạo như vậy.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, ông có cảm nhận, hệ thống nhà máy công nghiệp quốc phòng đã làm tốt việc sửa chữa xe pháo nên chưa có nhu cầu đặt hàng những người ngoài hệ thống quốc phòng tham gia vào việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các máy móc quốc phòng.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhu cầu cải tiến, nâng cấp hệ thống thiết bị quốc phòng, nên ngay cả hệ thống khoa học của nhà nước cũng chưa nhận được đặt hàng, chứ chưa nói đến người dân. Trong khi đó, phía Campuchia lại có nhu cầu. Họ có rất nhiều máy móc hỏng mà không có người sửa chữa hoặc có thể có thiết bị cần cải tạo cho phù hợp với điều kiện riêng.
Bộ trưởng cũng cho rằng, sức sáng tạo của nhà khoa học hay người nông dân đều đáng trân trọng. Theo ông, vấn đề ở chỗ sự sáng tạo ấy có ứng dụng được hay không?
Có ý tưởng hãy liên hệ với sở KH - CN
Tại cuộc trao đổi với Bộ trưởng, PV dẫn trường hợp ông chủ của tàu ngầm mini Trường Sa 1, bị ngăn chặn thực hiện các hoạt động thử nghiệm. PV đặt vấn đề: “Nhiều nhà khoa học không bằng cấp phàn nàn chưa nhận được sự khuyến khích, tạo điều kiện cần thiết của cơ quan quản lý, thậm chí là bị gây khó khăn trong việc tạo ra sản phẩm”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu tàu ngầm đó chỉ làm cho gia đình, chạy trong ao, trong hồ của gia đình... sẽ không ai ngăn cản. Nhưng một khi tàu ngầm muốn đưa ra chạy thử nghiệm trên sông, trên biển, máy bay muốn bay trên trời... chắc chắn phải được cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi điều này liên quan đến tính mạn,g tài sản của người dân cũng như của chính người tạo ra sản phẩm đó. Đó là chưa kể khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của quốc gia.
Nếu có sự hợp tác từ đầu, cơ quan nhà nước giám sát trong quá trình chế tạo, cấp chứng nhận đăng kiểm, giấy phép lưu hành thiết bị đó… các nhà khoa học sẽ thuận lợi hơn.
Trường hợp tàu ngầm ở Thái Bình, một vài máy bay ở Hà Nội, Tây Ninh… những người có ý tưởng đó chưa thực sự hợp tác với các cơ quan nên làm xong rồi cũng không thể được cấp phép.
Các cơ quan cấp phép phải căn cứ vào việc các mô hình đó được thiết kế trên tiêu chuẩn, quy chuẩn nào, cơ quan nào đăng kiểm… vì vậy rất khó cho cơ quan cấp phép.
Ông Quân cho hay, nhiều lần trao đổi với người dân, ông nói rằng nếu bà con có ý tưởng hãy liên hệ với các sở KH-CN để được giúp kết nối với các trung tâm khoa học, cơ quan quản lý...
Ông Quân nêu khó khăn, người dân đến cơ quan nhà nước tìm sự hỗ trợ về tài chính nhưng không đạt được vì ngân sách nhà nước không dành cho hoạt động này. Do vậy, bà con không tìm đến nữa. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần phải hiểu hỗ trợ tài chính cũng chỉ là một phần, quan trọng còn là những hỗ trợ tư vấn về quy định quản lý để làm sao sản phẩm làm ra được cấp phép và lưu hành.